Con đường nhọc nhằn tới trường của học sinh vùng sâu vào mùa lũ

GD&TĐ - Cứ vào mùa mưa cũng là học sinh tại Gia Lai bước vào năm học mới. Tại nhiều vùng sâu, việc học của các em thường xuyên bị gián đoạn do đường bị ngập nước.

 Mưa lớn con đập tràn ở xã Ia Kriêng bị nước nhấn chìm, học sinh không thể tới trường.
Mưa lớn con đập tràn ở xã Ia Kriêng bị nước nhấn chìm, học sinh không thể tới trường.

Lo cho con đường tới trường

Mới đây, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trong hai ngày, 12 và 13/9, tại huyện Mang Yang (Gia Lai) mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến tỉnh lộ 666-tuyến đường độc đạo vào khu vực 5 xã phía đông của huyện bị ngập lụt, cô lập hàng nghìn hộ dân ở khu vực này.

Ngay tại cầu tràn A Yun trên tỉnh lộ 666, bị nước lũ làm ngập sâu, khiến các phương tiện không thể đi qua.

Không những hàng nghìn hộ dân bị cô lập, mà việc học tập của học sinh tại 5 xã trên cũng bị ảnh hưởng. Trong 2 ngày trên, các giáo viên từ huyện vào 5 xã trên để đi dạy khi đến cầu A Yun không thể qua và đành quay về.

Tình trạng ngập lụt, nước lũ chia cắt giao thông 5 xã phía đông của huyện năm nào cũng tái diễn, học sinh thường xuyên phải nghỉ học. Những năm trước, đã có một số học sinh và giáo viên đi qua con đường này bị nước cuốn trôi.

Còn tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai) vào mỗi mùa mưa, thầy cô và học sinh trên địa bàn lại sống trong cảnh lo lắng khi những cơn mưa lớn ập về nhấn chìm những đập tràn, làm cho giao thông bị đứt đoạn. Tình cảnh này, khiến học sinh thì không thể đến trường, giáo viên không thể vào làng để dạy ở những điểm làng, còn người dân không thể đi ra trung tâm xã, huyện được…

Chị T. (trú làng Groi, Ia Kriêng) bức xúc kể, năm nay khai giảng năm học 2016-2017, cả 3 đứa con của chị đều không thể đến trường tham dự được. Do thời tiết tối ngày 4, sáng 5/9 trên địa bàn có 1 cơn mưa lớn, làm cả 3 đập tràn nằm trên con đường duy nhất nối các làng với các trường học đều bị ngập lớn, nước chảy mạnh nên người dân không dám đi qua được các đập tràn. Và không chỉ 3 đứa con chị T. mà toàn bộ dân làng đều không thể rời khỏi làng.

Chị Rơ Lan Ly (SN 1994, trú làng Krai) sống ngay bên cạnh đập tràn kể, cứ mỗi khi mưa lớn là nước lại ngập đập tràn. Tùy theo thời gian và lượng mưa mà đập tràn bị ngập dài hay ngắn. “Có lúc nó chỉ ngập 1 lúc là nước rút, có lúc ngập 4-5 tiếng, có lần lâu nhất là 2 ngày ”, chị Ly kể.

Mong mỏi được xây cầu

Anh Rơ Lan Ku- Trưởng thôn làng Krai - cho biết: Không chỉ đập tràn đi qua làng Krai mà 2 đập tràn còn lại ở trong xã mỗi khi mưa lớn đều bị ngập, người dân không thể đi qua xã được; còn các giáo viên không thể vào làng dạy học sinh. Vì vậy, mỗi lần họp tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị xin được xây cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng - cho biết: Trên địa bàn xã có 3 đập tràn nằm ở các làng như: làng Ấp, làng Lung và làng Krai. Khi mưa lớn thì các đập tràn này sẽ bị ngập, thời gian ngập kéo dài khoảng 30- 60 phút là nước sẽ rút.

Hôm khai giảng năm học mới (5/9), đập tràn ở làng Krai bị ngập lúc khoảng gần 7h, kéo dài đến khoảng 8h30- 9h là nước rút. Vì vậy, ông Thịnh đã chỉ đạo các điểm trường tại các làng bị ảnh hưởng bởi đập tràn cho học sinh nghỉ ở nhà.

Cũng theo ông Thịnh, các đập tràn trên là con đường duy nhất để ra trung tâm xã và trung tâm huyện, nên khi xảy ra tình trạng ngập đập tràn là giáo viên không thể vào làng dạy học được. Xã cũng bố trí lực lượng công an, dân quân trực gác tại các điểm để không cho người dân qua lại. Còn nếu người dân có việc gấp cần phải đi qua đập thì các cán bộ trực gác sẽ khiêng xe qua giúp người dân.

Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, vào đầu năm học mới, các địa phương trong tỉnh thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở các trường phải đảm bảo tuyệt đối an toàn khi nước lên. Cần thiết phải cho học sinh, giáo viên nghỉ nếu nước lũ lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ