Con đường mới nào cho U22 Việt Nam?

GD&TĐ - U22 Việt Nam đã thắng liền 2 trận tại vòng bảng SEA Games 32, song để hoàn thành chỉ tiêu bảo vệ tấm Huy chương Vàng vẫn là thách thức rất lớn.

U22 Việt Nam ăn mừng trận thắng U22 Singapore. Ảnh: INT
U22 Việt Nam ăn mừng trận thắng U22 Singapore. Ảnh: INT

Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam đang ở vị thế mới, trên lộ trình mới cho tham vọng cao hơn, xa hơn.

Vượt qua thử thách

U22 Việt Nam bước vào chiến dịch “săn vàng” SEA Games 32 trong sức ép nặng nề. Bởi ai cũng biết rằng chỉ có chức vô địch thì thầy trò huấn luyện viên Troussier mới đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Sự kỳ vọng ấy cũng là điều dễ hiểu bởi Việt Nam là đương kim vô địch môn bóng đá nam SEA Games, thậm chí còn giành 2 tấm Huy chương Vàng liên tiếp. Vậy nên, U22 Việt Nam không có lý do nào để hạ thấp mục tiêu khi bước vào giải đấu trên đất Campuchia.

Vị thế của nhà vô địch và sự kỳ vọng chính là áp lực rất lớn của U22 Việt Nam. Quan trọng hơn, trong hành trình chuẩn bị cho SEA Games 32, ông Troussier và U22 Việt Nam chưa thể hiện được nhiều về chuyên môn, nếu như không muốn nói chỉ là sự thất vọng.

Điều đó ảnh hưởng lớn tới sự tự tin vốn là yếu tố rất quan trọng với các đội bóng trẻ, cũng như tác động mạnh mẽ đến niềm tin của khán giả, những người luôn được tận hưởng niềm vui chiến thắng, quen với vị thế của người đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Hai kì SEA Games gần đây, U22 Việt Nam đã tận dụng triệt để quy định về cầu thủ quá tuổi. Những cầu thủ này đã giúp đội tuyển trẻ Việt Nam lấp đầy những khoảng trống về chuyên môn lẫn kinh nghiệm, đồng thời mang đến sức mạnh vượt trội so với các đối thủ trong khu vực.

Nhưng ở SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia đã bỏ quy định cho phép tăng cường cầu thủ quá tuổi. Với U22 Việt Nam, đây là rào cản lớn, nhất là khi chúng ta chưa có nhiều tài năng kế cận và đang được vận hành dưới triều đại huấn luyện viên mới cùng nhiều thay đổi về lối chơi lẫn con người.

U22 Việt Nam hành quân đến Campuchia với đôi chân và cái đầu nặng nề. Giai đoạn “chạy đà” đầy thất vọng khiến người ta bắt đầu hoài nghi về khả năng thích ứng của huấn luyện viên Troussier, cho dù ông mang danh phù thủy và đạt tầm World Cup.

Dấu hỏi ngày càng lớn khi U22 Việt Nam đứng cuối bảng tại giải giao hữu Doha Cup (Qatar), để lọt lưới 7 lần và không thể ghi nổi 1 bàn thắng. Cùng tham dự giải đấu này, song U22 Thái Lan đã gây ấn tượng cả về kết quả lẫn lối chơi. Tất yếu, nỗi lo cho U22 Việt Nam cũng ngày một lớn dần.

Quả thật, U22 Thái Lan đã thắng thuyết phục 3 - 1 trước U22 Singapore ở trận ra quân SEA Games 32. Trong khi đó, U22 Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong chiến thắng 2 - 0 trước U22 Lào. Trước đối thủ gần như chỉ có hòa và thua ở mọi cấp độ trước kia, U22 Việt Nam không có gì hơn trước U22 Lào ngoài 2 bàn thắng.

Công bằng mà nói, nhiều thời điểm, các cầu thủ U22 Lào chơi ép sân, tạo ra những cơ hội ăn bàn rõ rệt. Nếu may mắn hơn, đội bóng xứ sở triệu voi có thể giành ít nhất 1 điểm ở trận đấu này.

Huấn luyện viên Troussier. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Troussier. Ảnh: INT.

Chiến lược gia người Pháp tiếp tục hứng chịu sức ép và sự chỉ trích, giống như sau Doha Cup. Người ta đã đề cập đến khả năng thay đổi sớm về vị trí thuyền trưởng các đội tuyển Việt Nam nếu như U22 Việt Nam tiếp tục gây thất vọng, như những gì đã thể hiện, kể cả trận thắng U22 Lào.

Nhiều ý kiến bình luận kiểu châm biếm rằng, U22 Việt Nam giấu bài quá kỹ!? Thầy trò huấn luyện viên Troussier đá như chạy “loạn”, không có mảng miếng, ý đồ chiến thuật rõ ràng. Thể lực cũng là dấu hỏi lớn. Nhiều cầu thủ bị “chuột rút” trong hiệp 2.

Thực tế U22 Việt Nam có “tệ” quá không? Giống như người tiền nhiệm Park Hang Seo, ông Troussier ưu tiên sử dụng sơ đồ chiến thuật 3 - 4 - 3. Chiến lược gia người Pháp đề cao lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng, tính đa dạng trong các miếng đánh tấn công.

Mong muốn là thế, song yếu tố con người của U22 Việt Nam chưa kịp đáp ứng được đòi hỏi rất cao về chiến thuật. Trong trận gặp Lào, ông Troussier đã dùng đến 4 cầu thủ cho vị trí tiền vệ trung tâm, lần lượt là Thái Sơn, Đức Phú rồi đến Công Đến và Xuân Tiến nhưng gần như tất cả không đáp ứng được yêu cầu.

Mặc dù vậy, với đẳng cấp World Cup, huấn luyện viên Troussier đã có những điều chỉnh đáng kể trong cuộc đấu quan trọng với U22 Singapore. So với trận gặp U22 Lào, ông Troussier quyết định đẩy Duy Cương và Văn Cường lên băng ghế dự bị để nhường chỗ cho Quang Thịnh và Nhật Nam. Đặc biệt, trận đấu mới trôi qua 25 phút, chiến lược gia người Pháp đã đưa Văn Cường vào sân thay Nhật Nam, nhằm tăng thêm sự biến hóa trong các pha tấn công biên.

Những điều chỉnh của huấn luyện viên Troussier đã giúp các cầu thủ Việt Nam chơi bóng đúng như những gì đã được học. U22 Việt Nam kiểm soát bóng rất chắc bên phần sân nhà, tranh chấp quyết liệt từ giữa sân và mở ra nhiều hướng tấn công về phía khung thành U22 Singapore.

Thầy trò huấn luyện viên Troussier đã cho thấy sự hơn hẳn đối thủ bằng bàn thắng, cơ hội dứt điểm có khả năng ăn bàn, cũng như các tình huống cố định ngay trước vòng 16m50 của đối phương.

Hai bàn thắng của U22 Việt Nam trong hiệp 1 đều là những tình huống chuyển trạng thái cực nhanh, hệ quả tất yếu của lối chơi kiểm soát, tạo được sức ép cần thiết buộc U22 Singapore phải mắc sai lầm. Các học trò của ông Troussier đã thể hiện được sự đĩnh đạc trong cách chơi, kể cả thời điểm lùi sâu đội hình phòng ngự, hay phối hợp ghi bàn khi cơ hội được mở ra.

Bàn thắng phản lưới nhà của cầu thủ Singapore cũng đến từ pha phối hợp tấn công mẫu mực của U22 Việt Nam.

U22 Malaysia đánh bại U22 Lào với tỷ số 5 - 1. Ảnh: INT

U22 Malaysia đánh bại U22 Lào với tỷ số 5 - 1. Ảnh: INT

Cuộc chiến với người Mã

Hai chiến thắng liên tiếp giúp cho U22 Việt Nam có thể đoạt vé vào bán kết SEA Games 32 trước 1 vòng đấu. Theo lịch thi đấu, ngày 8/5, ông Troussier và các học trò sẽ đụng độ U22 Malaysia. Nếu thắng trận này, U22 Việt Nam sẽ có 9 điểm và sẽ nắm chắc 1 suất vào bán kết. Khi đó, cuộc đối đầu với U22 Thái Lan ở lượt cuối vòng bảng chỉ còn ý nghĩa xác định ngôi đầu bảng. Nhưng với cục diện như hiện nay, vị trí đầu bảng cũng không phải là điều quá quan trọng.

Cái hay ở chỗ, U22 Việt Nam nằm cùng bảng với U22 Thái Lan nghiễm nhiên 2 đội cũng là 2 ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch sẽ tránh đụng độ sớm ở bán kết. Và nếu thuận lợi, cuộc chiến thực sự của U22 Việt Nam và U22 Thái Lan sẽ là trận chung kết, trận đấu “trong mơ”. Nói như thế không có nghĩa vòng bán kết sẽ dễ dàng, song thực tế, chúng ta dễ đá hơn rất nhiều, tâm lý cũng thoải mái khi đối thủ ở bảng bên kia là những Indonesia, Myanmar hay chủ nhà Campuchia.

Đến lúc này, sau 2 chiến thắng thì trận cầu quan trọng nhất vòng bảng với U22 Việt Nam chính là cuộc đối đầu với người Mã. Nếu điều không mong muốn xảy ra, ông Troussier và các học trò sẽ phải quyết đấu với U22 Thái Lan ở trận cuối, đây là điều cả 2 đội đều không mong muốn. Khả năng dừng chân ngay từ vòng bảng có thể đến với bất cứ đội nào và sẽ rất đáng tiếc nếu 1 trong 2 đội phải về nhà sớm. Vậy nên, U22 Việt Nam cần phải đánh bại U22 Malaysia, tránh vào thế một mất, một còn ở trận cuối vòng bảng.

Sự tự tin và niềm vui đã đến với thầy trò huấn luyện viên Troussier. Bằng cách nào đó, kể cả may mắn như trận thắng U22 Lào, họ đã vượt qua được khó khăn ban đầu và đạt mục tiêu, giành được số điểm tối đa sau 2 trận. Đó là những kết quả rất đáng khích lệ, và có thể nó cho thấy ông thầy người Pháp đang đi đúng hướng, đúng lộ trình mà ông và bóng đá Việt Nam muốn đi để đạt được những đỉnh cao ở phía trước. Thế nên, sau 2 chiến thắng, ông thầy người Pháp đã phát biểu ẩn chứa nhiều thông điệp về con đường mới, sự khởi đầu mới.

“Trước nay Việt Nam tập trung phòng ngự - chờ phản công, giành được nhiều thắng lợi ở cấp độ Đông Nam Á. Nhưng khi vươn ra châu Á, đá 10 trận thì thua 8 dù vẫn duy trì lối chơi như vậy. Muốn tiếp cận châu Á hay thế giới phải vượt qua ranh giới của chúng ta. Tôi muốn cầu thủ kiểm soát bóng nhiều hơn. Trước đây nhiều hậu vệ nghĩ chỉ cần phòng ngự, tiền vệ chuyền bóng và tiền đạo dứt điểm là xong. Nhưng tôi muốn các hậu vệ cũng tự tin chơi bóng, tiền đạo cũng phải hỗ trợ đồng đội. Các cầu thủ cần tự tin hơn.

Tất nhiên, hiện tại chúng ta vẫn phải duy trì vị thế ở Đông Nam Á, ở SEA Games. Nhưng trong cùng thời điểm tôi giúp các cầu thủ có công cụ mới, vũ khí mới. Hiện, chưa thể có ngay, nhưng đó là tham vọng của tôi, đó là lý do tôi trở lại Việt Nam. Đôi khi chúng ta phải trả giá. Chúng tôi phải đối mặt với áp lực giành chiến thắng. Điều này đến từ nhiều yếu tố về thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA hay thành tích đối đầu trong quá khứ” – huấn luyện viên Troussier chia sẻ.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đã thành công nhờ chiến thuật hợp lý, dựa trên nền tảng thế hệ cầu thủ tốt của bóng đá Việt Nam, song chúng ta phải thấy rằng ông không thể giúp bóng đá Việt Nam vượt ngưỡng. Dưới thời ông Park, đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Thái Lan vẫn cứ thua. Thất bại ở 2 kỳ AFF Cup gần đây cho thấy sự khác biệt khá rõ về đẳng cấp, ý thức chiến thuật của 2 đội tuyển. Nếu cứ thua Thái Lan, đối thủ “hạng xoàng” ở sân chơi tầm châu lục thì bóng đá Việt Nam sao có thể mơ đến World Cup.

Trở lại sân chơi SEA Games, huấn luyện viên Troussier vẫn đang đối mặt với rất nhiều bài toán khó. U22 Việt Nam hiện tại rất thiếu mẫu cầu thủ có khả năng tự tin cầm bóng và điều tiết lối chơi. Đặc biệt, ở vị trí tiền vệ trung tâm, ông Troussier không có cầu thủ xứng tầm thủ lĩnh để kiểm soát thế trận. Tâm lý thi đấu và bản lĩnh vẫn là khoảng trống không dễ san lấp trong một sớm, một chiều. Bản thân ông Troussier chưa có nhiều thời gian nắm quyền nên U22 Việt Nam thi đấu thiếu nét là lẽ đương nhiên.

Nhắc điều đó để thấy rằng, bóng đá Việt Nam đang thử nghiệm ở một tầm cao mới. Tất cả mới đang trong giai đoạn “khởi động”. U22 Việt Nam không bảo vệ thành công Huy chương Vàng SEA Games không có nghĩa chúng ta thất bại. Bởi cái đích mà bóng đá Việt Nam với thuyền trưởng Troussier muốn đến cao hơn rất nhiều so với sân chơi SEA Games. Cần phải định hình tư duy rõ ràng như thế mới mong có ngày bóng đá Việt Nam cất cánh. Và đúng là cần phải thay đổi từ lứa trẻ mới mong thành công lớn.

U22 Lào đã chơi đầy quyết tâm trước U22 Malaysia, nhưng đội bóng xứ triệu voi không thể làm nên bất ngờ trước đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực và thi đấu quá bản lĩnh. Chung cuộc U22 Lào thất bại 1 - 5 trước U22 Malaysia.

Với kết quả này, 2 vé vào bán kết sẽ là cuộc chiến tay ba giữa U22 Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. U22 Việt Nam được nghỉ lượt trận thứ 3, đồng thời chứng kiến trận chiến giữa U22 Malaysia và Thái Lan (ngày 6/5), trước khi lần lượt chạm trán 2 đối thủ này vào ngày 8/5 và 11/5. Đây được coi là lợi thế rất lớn của huấn luyện viên Troussier và các học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ