Con đường mang tên thầy

GD&TĐ - Cứ mỗi lần về quê, đi dọc đê La Giang, đến nơi trường tôi từng học suốt những năm tiểu học trước cách mạng tháng Tám 1945, tôi lại bồi hồi nhớ lại 2 cây bàng sum suê tọa lạc giữa sân trường, nơi đã ghi đậm dấu ấn của đám học trò nhỏ chúng tôi bằng những trò chơi dưới bóng cây râm mát.

Con đường mang tên thầy

Năm phòng học bằng gạch ngói hướng mặt ra đê La Giang, phòng nào tôi cũng được ngồi học một năm với các thầy giáo Hường, thầy giáo Thuần, thầy giáo Khoan, thầy giáo Hiệu… rất đáng kính mà cũng đáng sợ, với tuổi ngây thơ của cậu học trò bắt đầu từ lớp đồng ấu. 

Mãi đến năm học 1944 – 1945 khi lên học lớp nhất tôi được học với thầy giáo Hoàng Nguyên Cát. Thầy dáng người thấp nhỏ nhưng rắn chắc bởi tôi nghe các anh chị lớn tuổi nói thầy là huynh trưởng Hướng đạo sinh. 

Có lẽ vì vậy, nên ngoài việc giảng dạy các môn văn hóa bằng tiếng Pháp, tiếng Việt trên lớp, thầy còn biết nhiều hoạt động khác mà nội dung nào cũng làm cho chúng tôi ham thích, say mê thực sự, đến mức những ngày nghỉ hồi đó như thứ 5, Chủ nhật và cả ngày lễ nữa, chúng tôi đều rủ nhau đến nhà thầy để sinh hoạt.

Thỉnh thoảng, thầy tổ chức ngày tham quan dã ngoại cho cả lớp và yêu cầu phải tự giải quyết mọi tình huống xảy ra trong thời gian sinh hoạt, nhằm rèn luyện ý chí tự chủ, sáng tạo cho chúng tôi. 

Nhớ lần đi tham quan Chùa Am ở dãy Nhất Tự Sơn, chúng tôi tập trung tại nhà thầy để xuất phát, không ngờ thầy đã chuẩn bị sẵn các dấu hiệu đi đường, mật thư… và bảo đội nào tìm được tín hiệu bắt đầu đi thì cho đi trước. 

Khi vào cổng chùa, lại cho sẵn một đội viên cản đường vào, ra điều kiện thi thắt nút cắm trại, nếu làm nhanh hơn mới vào không được dùng sanh, chảo để nấu. 

Chúng tôi cùng nhau trao đổi và rồi cũng có sự gợi ý của thầy, nên mấy quả trứng cũng chín dưới hai hình thức là bọc đất sét để nung trong lửa và quét sạch một tảng đá phẳng, nung nóng lên rồi rưới trứng đã đánh sẵn lên. Những hoạt động như thế in đậm mãi trong lòng chúng tôi về sự tháo vát, tự lực trong mọi công tác sau này.

Thầy có nhiều bài ca yêu nước trước cách mạng như Bóng cờ lau, Người xưa đâu tá, Bạch Đằng giang… để tập cho chúng tôi trong đội đồng ca của trường. 

Thời gian sau, thầy lại tập thêm các bài ca cách mạng như: Cùng nhau đi hồng binh, Du kích ca, Chiến sĩ Việt Nam… và đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy đã tập hợp chúng tôi lại để biểu diễn phục vụ cho những ngày Cách mạng Tháng Tám và tuần lễ vàng của huyện Đức Thọ. 

Sau mấy chục năm gắn bó với bậc giáo dục tiểu học, thầy được mời ra Hà Nội công tác ở NXB Kim Đồng và trở thành nhà văn viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, nhưng gặp chúng tôi thầy vẫn nói rằng nếu được trở lại ngành Giáo dục, thầy vẫn muốn được dạy ở bậc tiểu học. 

Từ những ấn tượng sâu sắc về thầy, nên tôi cũng gắn suốt đời mình với tiểu học và cũng từ bậc học này, tôi được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý của ngành.

Mới đây, đến thành phố Vinh, từ đường Phan Đình Phùng, tôi rẽ ngang vào một đường phố mang tên Hoàng Nguyên Cát – Thầy giáo cũ của tôi.

Thầy ơi! Hơn 10 năm của thế kỷ 21 này, con mới được đi trên đường phố mang tên thầy, nhưng con hiểu rằng con đường thầy đã hướng dẫn cho chúng con đi thì đã bắt đầu từ những năm sục sôi của Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở mái Trường Đông Thái thân yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ