Con dại, lỗi từ đâu?

GD&TĐ - Đi làm về, vừa đặt cặp xuống bàn, một người anh họ chạy sang bảo: Chú phải giúp anh việc này. Việc gì vậy? - Tôi hỏi. Thằng con nhà anh lấy chiếc xe tay ga đi thế chấp, nó bảo có mấy triệu cho nó chuộc xe về. Theo chú, giải quyết sao bây giờ?

Con dại, lỗi từ đâu?

Nghe xong tôi cũng chẳng thấy gì làm lạ. Hồi còn nhỏ, thằng con anh học khá giỏi, dễ thương nhưng nó lại ở với bà nội đã già, vợ chồng anh thì chẳng quan tâm dạy bảo gì nên dần dà nó hư hỏng. Đến lớp 9 nó bỏ học rồi đi chơi lêu lổng.

Anh em họ hàng nhắc nhở nhưng gia đình anh không hài lòng, vậy là chẳng ai dám nói. Từ chỗ thiếu sự quan tâm giáo dục nó trở thành đứa con hư… Bây giờ ra cớ sự, anh lại nhờ, tôi nói nên nhờ chính quyền can thiệp giáo dục nó, không còn cách nào khác.

Một chuyện khác, tôi có đứa học trò lúc nhỏ học không giỏi nhưng ngoan. Ba mẹ cháu cũng rất quan tâm đến con cái. Việc học ở trường hay có phong trào thể thao gì lớn anh chị đều tham gia ủng hộ cho cháu.

Tuy nhiên, thằng bé càng lớn nó càng thay đổi tính nết. Thay vì giáo dục có tính khoa học tâm lý một chút, anh lại dùng đòn roi rất dữ. Nhiều lần làm miết như vậy đâm ra nó nhờn và trở nên chai lì rồi cũng bỏ học, đi chơi suốt ngày.

Vậy là anh càng bực hơn càng dùng biện pháp bạo lực hơn. Vậy là thằng con cũng hỏng luôn. May sao mấy cậu của cháu định hướng học nghề sửa máy, giờ cũng quay về đi làm….

Hai câu chuyện trên, cho thấy việc giáo dục trẻ không hề đơn giản. Người làm cha, làm mẹ cần phải có nhiều phương pháp giáo dục. Ông bà ta hay nói: “Con dại cái mang”, nhưng đôi khi con dại lại xuất phát lỗi từ cha mẹ bởi nhiều lý do mà lý do giáo dục là nhiều nhất.

Một người bạn của tôi rất nóng tính, con anh học khá giỏi, đôi khi khó bảo anh lại dùng đòn roi nhưng hết hồi nóng anh lại dùng tâm lý để dạy dỗ.

“Mềm nắn, rắn buông” có lẽ là cách giáo dục tốt mà anh bạn tôi vận dụng. Con cái phát triển tốt về nhân cách cần có sự dạy bảo ân cần nhưng phải thiết thực hiệu quả từ cha mẹ bằng nhiều cách. Đừng bao giờ để trẻ phát triển lệch hướng rồi chúng ta mới lo lắng đủ kiểu thì đã muộn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ