Con cá của mẹ, chữ của cô Châu

GD&TĐ - Vừa nghỉ hưu, cô Lê Thị Châu (khu dân cư Lộc Phước 3, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã mở lớp dạy kèm miễn phí tại nhà.

Lớp học thêm miễn phí của bà giáo Lê Thị Châu trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lớp học thêm miễn phí của bà giáo Lê Thị Châu trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Vừa dạy kèm miễn phí, vợ chồng cô Châu còn chăm lo bữa ăn trưa cho HS trong suốt 10 mùa hè qua. Những gia đình nào quá khó khăn, cô Châu còn xin sách vở, áo quần đồng phục cho con, tạo sinh kế cho ba mẹ. 

Chuyện của Thảo

Cô học trò Trần Thị Phương Thảo (HS lớp 10/4, Trường THPT Sơn Trà, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) giờ đã thôi không tự ti, mặc cảm về vóc dáng bé nhỏ của mình. Lên 5 tuổi, gia đình không có điều kiện cho con đi học mẫu giáo, Thảo đã được mẹ gửi sang học chữ với cô Lê Thị Châu. Rồi mẹ đi làm ăn xa, một năm chỉ về nhà nhiều nhất là hai lần. Cô Châu trở thành người mẹ thứ hai của Thảo.

“Em đã gắn bó với cô Châu từ rất lâu. Vào năm học mới, cô là người chuẩn bị cho em đồ dùng học tập, lo cho em từ việc ăn uống, sắm cả bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt. Bộ áo dài đồng phục ngày đầu tiên em trở thành nữ sinh THPT cũng là cô Châu đi xin hỗ trợ rồi mua cho” – Thảo cho biết.

Thảo kể, đã có một thời gian, em rất ngại giao tiếp vì nghĩ mình không được cao ráo, xinh xắn như các bạn. Cô Châu biết chuyện, đã khéo léo khích lệ, động viên cô học trò nhỏ để Thảo vượt qua mặc cảm, tự tin đến trường. Theo như cô Châu nhận xét, Thảo có sức học rất khá, có thể tự chăm sóc được cho bản thân. Thế nhưng, mang trong mình nỗi lo của một người mẹ, cô Châu vẫn luôn dõi theo em để có thể hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và tinh thần cho em. Nhờ sự kết nối của cô Lê Thị Châu, ba và anh trai của Thảo đã được trang bị ngư cụ để mưu sinh trên biển.

Lớp dạy kèm miễn phí cho HS ngay tại nhà được cô Châu mở từ năm 2011. Dù sức khoẻ đã bắt đầu giảm sút đi ít nhiều do tuổi tác, nhưng cô vẫn nhận kèm cặp cho HS ở xóm biển nghèo dưới chân núi Sơn Trà. Cô giải thích: “Mỗi ngày, được tiếp xúc với học trò, cô lại thấy mình phấn chấn hơn. Thiếu đi những tiếng cười trong trẻo của các em, lại thấy vắng vắng, nhớ nhớ. Thế nên, chừng nào còn sức lực thì mình vẫn muốn đóng góp chút gì đấy cho nghề”.

Phương Thảo cũng như các HS ở lớp học miễn phí của cô Châu đều là những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ theo nghề biển, chạy chợ hoặc làm thuê mướn nên không có điều kiện chăm sóc con cái.

“Có những em ở nhà một mình suốt cả mùa hè, không có ai trông coi nhắc nhở nên rất dễ sa vào chơi bời, lêu lổng. Thậm chí có những em bố mẹ đi biển, đi làm ăn xa cả tháng trời mới về. Cái nghèo cộng với việc thiếu quan tâm, chăm sóc sẽ khiến các em bỏ học bất cứ lúc nào. Mình bày thêm cho các em con chữ, phép tính với mong muốn bằng tình yêu thương con trẻ, các em sẽ chăm chỉ học hành để tương lai tốt đẹp hơn”, cô Châu cho biết. Ngoài hướng dẫn các em học, cô Châu còn bày vẽ cho học sinh về cách cư xử, lời ăn tiếng nói, biết yêu thương, tha thứ, học cách sống tự lập khi bố mẹ mưu sinh bám biển.

Mùa hè, lớp học của cô Châu được mở vào ban ngày. Vào năm học, cô lại tranh thủ làm việc nhà thật sớm để tầm tan trường buổi chiều là có thể mở cửa cho các em học sinh vào nhà đọc sách, hỏi bài hoặc hoàn tất các bài tập. Học trò đông, mỗi em một chương trình học, cô giáo vì thế phải có cách tổ chức và hướng dẫn bài vở sao cho tất cả các em đều không có cảm giác bị bỏ rơi. Cô luôn sẵn sàng giải đáp cho từng em một cách dễ hiểu nhất. Suốt buổi, cô như con thoi chạy qua chạy lại quanh lớp học, bày cho em này lại chỉ dẫn cho em kia. Hết giờ, cô trò cùng nhau ra căn phòng khách - cũng là nơi để chiếc tủ sách, cô hướng dẫn các em tự đọc sách rồi tất bật vào bếp nấu cơm cho các em.

Hai mùa hè liên tiếp, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên lớp học của cô tạm ngưng. Học trực tuyến kéo dài, nhiều phụ huynh đến nhà nhờ cô dạy kèm thêm cho con. “Nhưng khu mình ở dịch đang rất phức tạp, cũng không dám nhận nhiều HS”. Hiện cô Châu chỉ dạy kèm cho 3 HS có hoàn cảnh đặc biệt tại nhà.

Em Trần Thị Phương Thảo tặng hoa tri ân cô giáo Lê Thị Châu trong chương trình Tôi yêu Đà Nẵng.
Em Trần Thị Phương Thảo tặng hoa tri ân cô giáo Lê Thị Châu trong chương trình Tôi yêu Đà Nẵng. 

Trao yêu thương, nhận lại ngọt ngào

Hơn mười năm qua, không những nhận dạy kèm miễn phí, vợ chồng cô Châu còn nấu cơm trưa cho các em ở lại ăn và nghỉ trưa ngay tại nhà. Có những em ở lại nhà cô đến tận 6 – 7 giờ tối mới được ba mẹ đón về.

Ký ức những mùa hè tuổi thơ của Tuấn Kiệt đều gắn với ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp của cô giáo Châu. Gia đình em Tuấn Kiệt thuộc diện hộ nghèo của phường, mẹ em, chị Lê Thị Diễm Trang bị khuyết tật nên gần như mất khả năng lao động. Chồng chị đi bạn cho các tàu cá, mùa biển lặng thì mỗi tháng cũng có vài triệu đồng để trang trải cho một gia đình có 3 đứa con không may đều bị khuyết tật. Đến mùa biển động, tàu cá nằm bờ, cả nhà trông chờ vào công việc “thợ đụng” (ai gọi gì làm đó).

Chị Trang tâm sự rất chân tình: “Mấy mùa hè nay, cũng may nhờ có lớp học thêm miễn phí của cô Châu mà Kiệt được kèm cặp học chữ, lại có bạn bè chơi đùa, được đọc sách, không đi chơi lêu lổng nên tui cũng yên tâm, chứ giờ mình chữ được chữ mất, biết đâu mà bày vẽ cho con học hành”.

Mùa hè, để duy trì lớp học và tổ chức được bữa ăn trưa cho khoảng 20 HS, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình mình đều được cô Châu tính toán sít sao. “Cũng may là lớp học của mình còn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều phụ huynh, xóm giềng” – cô Châu kể. Phụ huynh xóm biển rất thật lòng. Sau mỗi chuyến đi biển, họ thường đem ít cá, mực đến nhà gửi cô để hỗ trợ bữa ăn của lớp. Biết hoàn cảnh của phụ huynh cũng không dư dả gì, cô Châu từ chối không nhận thì một phụ huynh nói: “Em không có tiền, cũng không có chữ để cho con. Thôi thì con cá là của em, chữ là của cô, cô chăm sóc giúp cho con em lớn khôn nên người”.

Ngoài việc dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo, cô Châu còn tham gia nhiều hoạt động trong khu dân cư. Cô như người vác tù và hàng tổng, trẻ em đến trường chưa kịp làm hồ sơ, cô đứng ra làm giúp. Học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô lại chạy ngược chạy xuôi xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và trích một phần nhỏ từ đồng lương hưu nhà giáo để giúp các em, có em thì cô tặng bộ bàn học, có em thì bộ áo quần mới hay chiếc cặp sách, một ít tiền học bổng để trang trải cho việc đến trường… mà theo như cô nói, nó “chẳng đáng là bao nhiêu nhưng giúp được các em là thấy vui lắm. Cuộc đời người giáo viên không có gì hạnh phúc bằng thấy học sinh của mình được đến trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.