Cơn bĩ cực của giáo dục Syria

GD&TĐ - Kể từ khi bùng phát nội chiến năm 2011, giáo dục Syria đã rơi vào cảnh trầm kha và giờ đây đứng bên bờ vực thẳm. Những nỗ lực gây dựng và phát triển giáo dục trong nhiều thập kỉ trước đây có nguy cơ “đổ sông đổ biển”.

Cơn bĩ cực của giáo dục Syria

Giáo viên bám trụ với trường

Vào một ngày nắng nóng oi bức tháng 8 năm ngoái, Mohammad Mustafa và vợ để con ở nhà và đi làm. Mohammad, làm giáo viên tại khu vực phía Tây thành phố, nhận được một cú điện thoại sau đó, thông báo căn nhà đã trúng tên lửa. Khi Mohammad trở về nhà thì đã quá muộn. Con gái đầu 17 tuổi vì che chắn cho 2 em, một 11 tháng tuổi và một 4 tuổi, đã thiệt mạng.

Ngay ngày hôm sau, Mohammad trở lại trường tiếp tục công việc giảng dạy các trẻ em Syria khác. “Tôi cảm thấy rằng tôi phải trả thù và cách duy nhất tôi có thể làm là dạy tri thức cho thế hệ trẻ để không sa chân vào con đường của những kẻ sát nhân”.

Ban đầu, những nỗ lực để giữ chân trẻ em tại khu vực do phe nổi dậy kiểm soát là rất khó khăn. Mohammad và những giáo viên chung chí hướng đều làm việc tình nguyện và chấp nhận khó khăn khi không đóng góp được thu nhập nuôi gia đình.

Đến cuối năm 2015, Vương quốc Anh hỗ trợ 15 triệu USD cho giáo dục tại khu vực xung đột. Từ nguồn tài trợ này đã giúp trả lương hơn 7.000 giáo viên tại 1.200 trường học, nhờ đó duy trì dạy học 350.000 học sinh tại khu vực do phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Aleppo và Idlib. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ hạ tầng như sưởi ấm, bảng…

Vượt lên khủng hoảng

Giáo dục Syria từ lâu đã rơi vào khủng hoảng. Kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011, nước này đã chứng kiến bước thụt lùi sâu nhất thành quả giáo dục khi số trẻ tới trường giảm đột biến. Ít nhất 1,7 triệu trẻ Syria trong độ tuổi đi học không được tới trường, 1,35 triệu trẻ khác có nguy cơ bỏ học. Trước khủng hoảng, Syria đạt tỉ lệ tuyển sinh 98% với giáo dục cơ bản.

Trong bức tranh giáo dục tối tăm như vậy, có những đốm sáng khích lệ tinh thần to lớn cho người dân Syria trong công cuộc giáo dục tri thức cho thế hệ tương lai.

Có thể kể tới lớp học trong hang động tại Idleb, Bắc Syria, giúp bảo vệ học sinh khỏi các vụ oanh kích. Lớp học có khoảng 120 học sinh ngồi học trên nền hang trải thảm.

“Mùa đông năm ngoái, hang động này bị ngập và chúng tôi phải ngừng toàn bộ việc dạy học. Tuy nhiên, vì trẻ quá khát khao học tập nên chúng tôi chuyển sang một khu lều học tạm cho tới khi hang động khô ráo trở lại” – Ahmad, một giáo viên của lớp học đặc biệt này, cho biết – “Trường học quá tạm bợ và tối tăm nhưng ít nhất nó bảo vệ cho trẻ khỏi bom đạn”.

Ahmad và vợ đều là giáo viên trước khi nội chiến nổ ra. Khi giao tranh buộc họ phải rời bỏ nhà cửa và công việc, họ tìm một hang động khô ráo, dọn dẹp và biến nó thành một lớp học.

“Ban đầu, chúng tôi nhận trẻ sống gần đó, sau đó học sinh vùng lân cận biết tới và xin học. Vì có quá nhiều trẻ đến xin học nên chúng tôi phải chia ca theo các độ tuổi. Chúng tôi chia thời gian riêng cho trẻ nhỏ nhất học bảng chữ cái, những trẻ lớn hơn thì học các môn học khác” – Ahmad cho biết.

Theo UNICEF, có hơn 4.000 vụ tấn công nhằm vào trường học kể từ khi nội chiến nổ ra. Cứ 3 trường thì có 1 trường bị hư hại, phá huỷ hoặc bị trưng dụng cho hoạt động phi dạy học bởi cả 2 phe tham chiến. Ít nhất 150.000 giáo viên bị giết hại hoặc chạy tị nạn ra nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.