Giáo viên là lực lượng chính thực hiện thành công nhiệm vụ năm học, cũng là lực lượng chính quyết định chất lượng giáo dục. Thế nhưng từ trước tới nay các quy định chỉ cho ngành giáo dục tuyển người có hộ khẩu TP. Có năm ngành giáo dục tuyển đủ nhưng cũng có năm tuyển không đủ.
Như năm học mới 2017-2018 này, ngành giáo dục TP còn thiếu hơn 7.000 giáo viên mầm non. Trong khi đó, người từ các địa phương khác ao ước được về TPHCM dạy học lại không được vì không có hộ khẩu. Vài năm gần đây, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, TP mở hé cánh cửa cho người ngoài TP vào nhưng với điều kiện phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tốt nghiệp đại học loại giỏi…
Còn giờ đây, cánh cửa tuyển giáo viên mở toang. Người từ các nơi tìm đến. Ngành giáo dục TP hy vọng không chỉ tuyển đủ mà còn có điều kiện “cân đong đo đếm” để tuyển người giỏi hơn do nguồn tuyển dồi dào.
Quyết định thứ hai còn mở thẳng cánh cổng tuyển dụng giáo viên đến các trường. Ngày trước nhà trường thiếu giáo viên nhưng không được trực tiếp tuyển mà chờ cấp sở (hoặc cấp huyện) tuyển, sau đó trường “xin” về.
Việc tuyển giáo viên gián tiếp này làm cho nhà trường không chủ động được về cả số lượng và chất lượng. Nay được tuyển trực tiếp, những bất cập này đã được loại bỏ.
Khi nguồn tuyển được “cởi trói”, đội ngũ giáo viên được bổ sung kịp thời và chất lượng hơn thì chất lượng giáo dục TP chắc chắn sẽ đi lên, ngành GD&ĐT TPHCM chắc chắn sẽ có bước phát triển mới.
Nhưng liệu rằng công tác tuyển dụng giáo viên mới của TP không có những băn khoăn, lo ngại?
Khi mở rộng tuyển dụng giáo viên ra cả nước, sẽ có thêm một số sinh viên sư phạm hộ khẩu TP không có chỗ dạy, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Trong khi đó tại các địa phương, người giỏi rủ nhau đi khỏi đẩy các nơi này vào tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực.
Người ta không hy vọng có sự chảy ngược nguồn nhân lực về các địa phương vì điều kiện kinh tế, xã hội không thể bằng TPHCM để “rủ rê” họ.
Khủng hoảng thừa-thiếu giáo viên sẽ tác động làm cho chất lượng giáo dục trong phạm vi cả nước không đồng đều, thậm chí khoảng cách ngày càng xa.
Tất nhiên đây chỉ là dự đoán ban đầu và có thể không xảy ra vì còn tùy thuộc nỗ lực giữ người giỏi của các địa phương. Còn nếu xảy ra thì đây là bài toán khó đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục trong thời gian tới.
Mặt khác, dư luận nghi ngại việc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng có nguy cơ tạo ra sự độc quyền, độc đoán nếu hiệu trưởng kém năng lực, kém phẩm chất.
Nhưng dù sao cũng phải thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên theo kiểu vòng vo như trước nay. Và người ta tin rằng những hiệu trưởng có tâm huyết vẫn là số đông. Họ được tin tưởng trao quyền quyết định tuyển dụng nên không thể nhắm mắt chọn bừa vì sau lưng họ là số phận của cả ngôi trường với bao nhiêu học sinh. Sự thành công hay thất bại của ngôi trường đặt thẳng trách nhiệm lên vai họ.
Tôi có người bạn làm hiệu trưởng một trường tư thục và anh cho biết cơ chế trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng đã được trường thực hiện từ lâu. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Vấn đề là tạo cơ chế để những lợi ích của ngôi trường mang lại cũng là lợi ích thiết thân của tập thể sư phạm đó; để ngôi trường là một phần máu thịt họ.
Được biết, sau tự chủ về tuyển dụng, nhà trường cũng được trao tự chủ về ngân sách, trên cơ sở đó tính toán nhân sự hợp lý để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục và nâng thu nhập cho giáo viên.
Vấn đề còn lại là xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn và quy trình tuyển dụng giáo viên mới để không có cửa cho người yếu kém len lỏi vào.