Cốc nước đường thầy pha

GD&TĐ - Ngày đó đã lâu, cũng gần 20 năm rồi, khi đó tôi là một cô học trò lớp 8A của Trường THCS Yên Thạch. Tôi đứng trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi Văn do thầy phụ trách giảng dạy, bồi dưỡng để đi thi cấp huyện.

Cốc nước đường thầy pha

Ngoài buổi học trên lớp ra thầy còn dạy ba đứa học sinh chúng tôi là Hạnh, Hồng và tôi vào các buổi chiều. Tôi nhớ một hôm tôi một mình đi bộ hơn 4 km đến nhà thầy để học bồi dưỡng. 

Trời hôm đó nắng gay gắt nhưng sắp đến ngày thi nên tôi vẫn cố đến nhà thầy để học, vừa bước chân vào đến nhà thầy tôi bị cảm nắng người cứ nôn nao khó chịu.

Thầy lo lắng nhìn tôi và bảo tôi lại giường nằm nghỉ, rồi thầy đi đâu đó một lúc thầy về cầm trên tay gói đường đỏ và một quả chanh. Thì ra thầy đi ra quán cóc mua đường về pha cho tôi uống. 

Bưng cốc nước chanh đường trên tay ,thầy  bảo tôi cố uống cho tỉnh táo người rồi nằm nghỉ ngơi cho khỏe để còn học. Tôi nhìn thầy với sự biết ơn và uống hết cốc nước đường chanh thầy pha.

Nằm nghỉ được khoảng 15 phút tôi tỉnh táo hẳn ra rồi nhanh nhẹn lấy sách vở ra để học. Thầy nhìn tôi và nói như dặn dò “Em cố gắng, chỉ cần duy trì sức học đó, thầy tin em sẽ đỗ vòng thi huyện lần này”.

Tôi im lặng như  hứa với thầy nhất định tôi sẽ đỗ. Đang say sưa giảng bài cho ba đứa chúng tôi thì thầy lên cơn ho dữ dội, thầy chạy vội ra góc thềm che miệng ho liên tiếp, tôi nhìn ra thấy bàn tay thầy đầy máu. Tôi chạy đến đỡ thầy tay vuốt nhẹ sau lưng thầy.

Chao ôi, tấm lưng thầy gầy toàn xương nhô ra, đôi tay thầy run run, mắt thì thâm quầng vì thiếu ngủ. Mới hơn bốn mươi tuổi mà thầy già đi nhiều, tóc đã nhiều sợi bạc. 

Tôi hiểu và có lẽ ai cũng hiểu bởi thầy vất vả, với đồng lương giáo viên thời đó đâu đủ chi tiêu cho gia đình có đến sáu miệng ăn, ngày thầy đi dạy, tối về lại ngồi cạo dây quang cùng vợ con, để sáng mai phơi dây cho khô phần nhựa và đến trưa thì ngồi tết thành những đôi quang gánh, sáng hôm sau mang ra chợ bán.

Cuộc sống của gia đình thầy vất vả là vậy, nhưng có lẽ là sung túc hơn nhiều gia đình khác trong xóm, hơn hẳn gia đình tôi gấp nhiều lần. 

Có lẽ vậy mà thầy quý và thương tôi nhất, thầy thường hướng dẫn tôi những bài văn khó rất kỹ càng và thường tìm ra câu hỏi chẳng có trong sách vở nào để hỏi tôi, thầy bảo đó là kiến thức thực tế, là vốn sống mà những ai yêu văn thì mới thực sự hiểu và biết được.

Không phụ công thầy vất vả bồi dưỡng dạy bảo, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm đó tôi giành giải nhất toàn huyện. Niềm vui như vỡ òa, tôi đã mừng đến chảy nước mắt khi nghe thầy hiệu trưởng thông báo trong giờ chào cờ đầu tuần chỉ duy nhất mình tôi đỗ.

Tôi ngồi ở dưới cờ cứ ngớn người lên ngó nghiêng nhìn xem thầy đâu để được chứng kiến khuôn mặt rạng ngời của  thầy, nhưng tôi không nhìn thấy thầy đâu, có lẽ nào thầy ốm chăng? 

Niềm vui xen lẫn nỗi lo lắng đến nao lòng, xót ruột. Tan buổi chào cờ, tôi lầm lũi bước về lớp và hình ảnh thầy ho ra máu hôm trước cứ ám ảnh tôi mãi. Căn bệnh viêm phổi cứ hành hạ thầy luôn.

Tự dưng tôi có cảm giác sợ sợ một điều gì đó và thế là nước mắt ứa ra. Cái cảm giác sung sướng hãnh diện ban nãy giờ tan biến đâu mất. Tôi mong cho chóng hết giờ bốn tiết học, nhất định lúc về tôi sẽ rẽ qua vào nhà thầy để giải tỏa nỗi lo sợ ban nãy.

Đúng như linh cảm khi đi đến ngõ có cái dốc cao lên nhà thầy, tôi gặp vợ thầy đang đi xuống dốc, tay xách một túi đồ vừa đi vừa khóc, tôi chào thì vợ thầy nói luôn: “Hậu ơi, thầy Toàn ốm nặng lắm, thầy đang trong bệnh viện…”.

Tôi đứng sững người, chân tay như muốn rụng ra. Tôi cất tiếng gọi “thầy ơi” trong tuyệt vọng.

Sáng hôm sau, khi đến lớp tôi nhận ra không khí tang thương bao trùm lên ngôi trường cấp bốn nhỏ bé, nghèo nàn, hàng cây dứa ma từng lá như oặt xuống, khóm hoa giâm bụt đang gục gãy bởi trận mưa rào tối qua.

Tin thầy mất như mũi kim đâm xuyên trái tim tôi, người học trò mà thầy hết lòng yêu quý, dạy bảo. Thầy Minh, Hiệu trưởng gọi tôi vào văn phòng nhà trường, thầy đưa tôi tờ giấy trắng và bảo rằng: 

“Em đại diện cho học sinh toàn trường viết một vài cảm tưởng để đọc sau điếu văn của nhà trường trước lúc đưa thầy giáo Toàn về nơi an nghỉ cuối cùng”. Nghe thầy hiệu trưởng nói xong, tôi bỏ chạy một mạch về lớp ngồi gục xuống bàn khóc nức nở.

Thầy ơi! 20 năm vắng thầy trên bục giảng, từng thế hệ học sinh chúng em nay đã trưởng thành nối tiếp con đường thầy đã chọn, chúng em đã soạn tiếp trang giáo án dang dở của thầy năm xưa như một sự ghi nhớ công ơn của thầy đã cho em tương lai và cuộc sống ngày hôm nay. Và, cốc nước đường thầy pha đã mãi ngọt ngào trong cuộc đời em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ