Dù công việc của GV có phần bận rộn hơn, nhưng ai cũng hài lòng khi thấy học trò của mình vui vẻ, tiến bộ sau mỗi ngày tới trường.
Linh hoạt thực hiện
Cô Giang Thùy Hải Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ rằng, giống như nhiều trường TH ở TPHCM, Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển đã có một năm học trước thực hiện việc không chấm điểm ở khối lớp 1, nên khi triển khai khối lớp 2, 3, 4, 5 cũng không có quá nhiều khó khăn hay bỡ ngỡ của GV.
“Sau khi được Phòng GD quận tập huấn, chúng tôi triển khai tới tất các GV trong ở tất các các bộ môn khác nhau. Ngay từ đầu năm học 2014-2015, trường cũng đã dần dần áp dụng và đến ngày 15/10 khi Thông tư 30 có hiệu lực và cho đến bây giờ các GV đều đã quen với công việc này.
Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra tập vở HS, các tổ bộ môn thường dự giờ các GV ở nhiều môn khác nhau để đúc rút những kinh nghiệm cho bản thân về hình thức đánh giá mới này”.
“Tôi nghĩ rằng thực hiện một thông tư mới ban đầu dĩ nhiên sẽ có những khó khăn nhất định, đó chính là bỏ thói quen cho điểm đã tồn tại bao nhiêu lâu nay đối với GV, rồi còn cả phụ huynh và HS nữa, có người sẽ tiếp nhận nó nhẹ nhàng, có người hơi nặng nề, nhưng có thực hiện, có qua thực tế mới đúc rút ra những cách làm tốt, cách làm hay… Và từ thực tiễn các trường thực hiện gặp vướng mắc ở đâu, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời giúp các GV làm tốt hơn”.
Chia sẻ về cách vận dụng Thông tư 30, cô Hải Minh cho biết: Mặc dù theo quy định của Bộ, của Sở là không nhất thiết phải nhận xét tất cả các em HS trong một lớp, vì có thể thấy HS sĩ số hiện nay ở các trường TH ở TPHCM vẫn khá cao, nhưng nhiều GV trong trường không rập khuôn theo điều đó và họ đều cố gắng để nhận xét càng nhiều HS càng tốt.
Nguyên do thứ nhất là xuất phát từ trách nhiệm cũng như tấm lòng của người thầy đối với học trò; thứ hai, HS cũng rất hào hứng đối với lời nhận xét của cô hôm nay ra sao, về cha mẹ các em cũng đón đọc những lời nhận xét góp ý của cô nên nhiều GV trong trường đã nỗ lực để nhận xét trúng và đúng càng nhiều em càng tốt.
Có nhiều GV nhận xét trực tiếp kết hợp với nhận xét vào vở và nếu cần sẽ trao đổi với phụ huynh HS qua điện thoại đối với những HS cần lưu ý.
Thầy Hiệu trưởng Bùi Ngọc Phi cho biết thêm: Tùy vào từng GV, từng trường và với từng HS, cách đánh giá nhận xét phải thật linh hoạt và phù hợp. Ví dụ, có thể ở tiết Tập đọc, hôm nay cô giáo nhận xét là em A đọc lưu loát nhưng chưa thực sự diễn cảm. Cũng là tiết Tập đọc nhưng hôm nay cô để ý đến cách ngắt dòng, tốc độ đọc của em A… chứ không nhất thiết phải rập khuôn là nhận xét tất cả các chi tiết và nhận xét tất cả các em.
Trò phấn khởi
Nhiều em HS lớp 5 học giỏi thích cách đánh giá theo hình thức nhận xét. Các em chia sẻ: Khi con học xuất sắc, con được nhiều điểm 10, nhưng hôm nào con làm bài được 9, ba mẹ lại hỏi: Tại sao hôm nay con được 9? Còn khi cô nhận xét: Con làm Toán rất tốt, chữ viết đẹp, vở sạch sẽ. Con cố gắng phát huy hoặc có thể chỉ đơn giản là: Con làm bài rất tốt. Con phát huy nhé thì chúng con không bị áp lực nữa.
Em Nguyễn Minh Trí - HS lớp 5/5, Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển - cho biết: “Con rất thích cách nhận xét của cô giáo, nhờ nhận xét của cô mà con biết mình sai ở đâu để sửa sai và mỗi ngày tiến bộ hơn. Về nhà ba mẹ cũng thường xuyên xem tập vở của con và ba mẹ cũng nhắc nhở con những điều cô giáo lưu ý để con học tốt hơn. Con cảm thấy rất vui”.
Em Trần Đăng Khôi, HS lớp 2/3 nói: “Con rất thích những lời của cô khen và nhận phần thưởng khi làm bài tốt”.
Theo thầy Bùi Ngọc Phi, với việc thực hiện Thông tư 30, phụ huynh có điều kiện để quan tâm con em mình hơn, đồng hành cùng nhà trường trong việc học của con nhiều hơn. Vì phụ huynh cũng là một kênh thông tin để đánh giá HS, có thể phản hồi lại những lời phê, nhận xét của GV.
Ví dụ cô giáo phê, con đọc còn đôi chỗ sai chính tả, đọc chậm, con phải luyện tập đọc thêm ở nhà, nhưng ngay tối hôm đó, khi phụ huynh kiểm tra bài ở nhà, cháu lại đọc lưu loát và diễn cảm. Thì điều này phụ huynh có thể trao đổi lại với GV để GV kiểm tra lại hoặc sẽ có những lời khen kịp thời….
Hiện tại Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển đã hoàn thành việc sơ kết học kỳ I. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trường sẽ dựa vào đánh giá từ cái nhìn bao quát của GV qua 1 học kỳ với từng em HS về lực học, về tham gia các hoạt động khác, về sự tiến bộ… Từ đó, GV cũng hướng dẫn các em bình bầu những bạn đạt thành tích nổi bật để từ đó lập danh sách gửi lên hiệu trưởng khen thưởng.
Về giấy khen, theo hướng dẫn của Thông tư, sẽ không xếp loại HS Xuất sắc, Giỏi, Khá… mà sẽ linh hoạt về nội dung được ghi vào giấy khen ví dụ như: Em rất năng nổ tham gia các hoạt động của lớp. Em rất tích cực trong công tác Đội. Em có tiến bộ vượt bậc ở môn Toán…