Đó là lý do tại sao mà các kênh truyền hình liên tục cập nhật tình hình thời tiết và không phải bỗng dưng mà chiếc đồng hồ chúng ta đeo trên tay hay chiếc điện thoại di động luôn kè kè bên mỗi người lại có thêm ứng dụng dự báo thời tiết, nhiệt độ. Trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, không khó để chúng ta dự báo chính xác thời tiết nhờ vào các phương tiện quan sát.
"Nắng mưa là chuyện của trời" - Vậy mà cứ ra khỏi nhà là vẫn muốn biết hôm nay nắng hay mưa.
Thế nhưng trước đó, khi các phương tiện truyền thông chưa phổ biến, người dân đã có những cách dự báo thời tiết bằng cách quan sát thiên nhiên xung quanh, những biến đổi của các hiện tượng tự nhiên. Qua quá trình lâu dài, hàng chục năm, thậm chí là vài thế kỷ người dân đã đúc kết được những quy luật, biết được những dấu hiệu có thể dự đoán được thời tiết tốt hay xấu đi, trời nắng ráo hay mưa bão, hạn hán hay lũ lụt... Để rồi từ đó những câu ca dao tục ngữ ngắn gọn, súc tích, dễ đi vào lòng người, được ra đời và lưu truyền trong dân gian.
Chẳng hạn như mỗi khi thời tiết thay đổi thì một số loài thực vật “nhạy cảm với thời tiết” nên hoạt động sinh thái biến đổi hoặc hình dáng, màu sắc bên ngoài khác đi. Ví dụ như cây cỏ gà, người dân có câu: “Cỏ gà mọc loang, cả làng đầy nước”, “Trời đang nắng cỏ gà trắng thì mưa” hoặc cây tre cũng có thể dự báo thời tiết, bằng chứng là có câu ca dao: “Đầu măng ngã gục vào hè/Nương nhờ vào mẹ kẻo e bão về”.
Cỏ gà cũng giúp người dân dự báo trời sắp mưa.
Vậy cỏ gà là loại thực vật gì mà lại như “thánh dự” vậy? Cỏ gà là loài thực vật hòa thảo rất nhạy cảm với độ ẩm không khí, khi độ ẩm không khí tăng, khí áp giảm (tức là trời có thể sắp mưa) thì cỏ gà non đâm ra trắng, hoặc mọc loang lổ trắng, xanh. Do vậy mà người ta có thể dự đoán được trời sắp mưa.
Đối với một số loài hoa cũng vậy, nếu chịu khó quan sát, bạn cũng có thể nhận ra sự thay đổi của chúng như một dấu hiệu dự báo thời tiết cực hiệu quả.
Cây tóc tiên nở nhiều hoa, nở hàng loạt và đều là trời sắp có mưa to.
Hoa bìm bìm có vẻ rất ghét mưa bởi chúng sẽ khép cánh lại nếu như sắp có một cơn mưa ập tới để tự bảo vệ mình khỏi nước mưa.
Hoa Lily nước màu trắng cũng vậy, nếu “cảm thấy mùi mưa”, chúng sẽ chẳng ngoi lên mặt nước đâu, nếu có thì loài này cũng “ương bướng” không chịu mở cánh hoa ra cho đến khi nào những cơn mưa dứt hạt.
Cây mâm xôi lại có cách dự báo mưa khác. 15-20 giờ trước khi những hạt mưa bắt đầu rơi xuống, lá của loài cây này sẽ uốn cong lại.
Nhà bạn có trồng cây thông hay cây bách xù không. Nếu có thì hãy để ý chúng một tý nhé, chiếc đài báo mưa hiệu quả đấy. Giống như cây mâm xôi, trước những trận mưa, lá của chúng đều uốn cong lại.
Loài hoa có cái tên mỹ miều Mimosa lại dự báo những cơn mưa sắp tới bằng mùi hương của nó. Trước mỗi trận mưa, bạn sẽ thấy loài hoa này tỏa một mùi hương rất thơm thu hút rất nhiều những con côn trùng kéo đến.
Cây liễu quen thuộc với chúng ta tưởng chừng như chẳng có tác dụng gì ngoài việc tỏa bóng mát những ngày hè oi bức. Tuy nhiên ít ai biết được khả năng dự báo những cơn mưa của loài này. Trước những thay đổi bất thường của thời tiết, những cây liễu sẽ “khóc” theo đúng nghĩa đen của nó.
Trong thời tiết bình thường, những hạt giống bồ công anh dễ dàng bị mang đi bởi ngay cả những cơn gió nhẹ thổi qua. Tuy nhiên, trước những cơn mưa, nhụy hoa sẽ “không cho phép” chúng rời đi.
Dựa vào kinh nghiệm đúc kết từ lâu, người dân cho rằng khi cây tre trổ hoa, cây chuối nước trổ hoa thì năm đấy sẽ mưa nhiều và có khả năng là lụt.
Có những dấu hiệu bạn phải thực sự tinh mắt, chú ý quan sát với nhận ra. Cho đến ngày nay, dù đã có các phương tiện dự báo chính xác hơn thì những kinh nghiệm dân gian này vẫn còn giá trị vì vẫn có những cơ sở khoa học của nó. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ bản chất hoặc lý giải chính xác.