GS Đào Trọng Thi khẳng định nhà trường đã có sự khác biệt lớn trong hệ thống trường ngoài công lập. Chủ trương xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn trong quá trình đổi mới. Trường ngoài công lập là loại hình mới và từng bước phát triển về cơ chế và mô hình.
Hiện nay, số lượng trường ngoài công lập chiếm 20% trong tổng số trường đại học trên khắp cả nước với số lượng sinh viên theo học chiếm khoảng 14%. Đây là một nỗ lực lớn, rất đáng hoan nghênh.
GS Đào Trọng Thi phát biểu tại buổi làm việc |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây rất nhiều trường khó khăn trong việc tuyển sinh cũng như không có định hướng phát triển, dẫn đến việc đóng cửa hoặc sang/bán trường.
Việc này có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, các trường NCL vốn ít, thiếu các nhà đầu tư chiến lược;
Thứ hai, nhiều trường ĐH NCL không chịu đầu tư cho chất lượng mà cứ chạy theo lợi nhuận, do đó chất lượng và uy tín bị sút giảm làm cho xã hội có cái nhìn không tốt về hệ thống GD NCL;
Thứ ba, không xác định được hướng phát triển, chỉ lo tăng quy mô để thu hút học sinh và thu học phí thay vì phải đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy để thu hút con em những gia đình có khả năng đầu tư học phí cao để được học chất lượng cao…
Chính những điều đó làm cho trường NCL mất khả năng cạnh tranh với các trường công vì học phí cao hơn trường công mà chất lượng lại kém hơn.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong số ít trường NCL có nhiều thay đổi và có sự đầu tư vững chắc cho cơ sở vật chất, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, trong đó có dự án đầu tư một nghìn tỷ vào Khu Công nghệ cao TPHCM. Thành công của Trường chính là hướng đi đúng đắn trong xã hội hóa giáo dục.
Hiện nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có đề án về việc xây dựng trường đại học trọng điểm trình lên chính phủ để xin cơ chế. Đây là một hướng đi mới có tính khả thi. Nếu đề án được duyệt thì đây sẽ là trường ĐH NCL đầu tiên của cả nước thành trường ĐH trọng điểm mà không dựa vào sự đầu tư ngân sách của chính phủ.