Cái tình với nhau đã sâu đậm rồi
Từng dự nhiều buổi lễ ra trường của học sinh lớp 5 tuổi trường mầm non Sơn Ca (quận Hà Đông, Hà Nội), nhưng lần nào, tôi cũng thấy cay mắt. Trên sân khấu trong sân trường, các cháu múa hát tưng bừng. Nhưng đến phần trao quà, giấy khen, dặn dò các cháu trước khi về nghỉ hè để chuẩn bị vào lớp 1, thì nhiều phụ huynh cũng rơm rớm, nhiều cháu mếu máo khóc khi biết từ ngày mai không học ở đây nữa.
Các cô cũng vậy, mắt đỏ hoe…Đâu phải họ là những người “mau nước mắt”, mà vì cái tình với nhau đã sâu đậm rồi.
Còn mới đây, trong hội diễn văn nghệ mừng 60 năm giải phóng Thủ đô, cô và trò trường mầm non Sơn Ca với tiết mục ca kịch “Hà Nội trong tôi” đã “lấy” được nhiều nước mắt của người xem, cao trào là khi cô giáo Hạnh trong vai cô gái Hà Thành xinh đẹp trẻ trung ngã xuống giữa tiếng bom rơi đạn nổ.
Bài hát “Hà Tây quê lụa” nổi tiếng một thời, vắng bóng từ khi Hà Tây nhập về Hà Nội, được cất lên trong tiết mục này cũng lay động bao trái tim người nghe
Trung tâm hội tụ và kết nối những tình cảm ấy, cũng là người “nhạc trưởng” của những sự kiện ấy, là cô giáo hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Oanh – người gắn với ngôi trường này suốt 20 năm qua, từ ngày trường mới tách khỏi mẫu giáo Văn Yên “ra ở riêng”.
Bà Đinh Thị Minh, nguyên hiệu trưởng trường mẫu giáo Văn Yên (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây) nhớ lại: Năm 1994, theo chủ trương của Phòng, để giảm số học sinh và rút ngắn khoảng cách đến trường của các cháu, trường Văn Yên tách ra thành 4 trường. 3 trường mới là: Sơn Ca ở Phúc La, Hoa Sen ở Văn Quán và Búp Sen Hồng ở Mỗ Lao.
3 cô của trường Văn Yên được cử làm hiệu trưởng 3 trường mới, trong đó có cô Oanh lúc đó là hiệu phó của trường chúng tôi về làm hiệu trưởng trường Sơn Ca. Tôi thì tiếc đứt ruột, vì các cô đều là những người giỏi, chị em đã sát cánh bên nhau hơn chục năm trời. Các cô thì dù được đề bạt nhưng chẳng ai vui, vì phải xa ngôi trường đã gắn bó, và có lẽ là vì tình cảm với tôi nữa.
Cô Oanh bảo: Em không thích làm hiệu trưởng, chỉ thích làm phó cho chị thôi. Cả 3 cô đều khóc như mưa, đến nỗi ông Chủ tịch phường Văn Mỗ phải gắt lên: Cái Minh đã chết đâu mà chúng mày khóc.
Sau khi tách được ra rồi, Trưởng phòng giáo dục Bùi Thị Thiện mới thở phào, vì tưởng không thể nào tách nổi.
Mong cô đưa tiếp đò đầy qua sông...
Và hôm nay, trong trời mưa rào đột ngột cuối đông, cái cảnh chia ly này lại lặp lại ở mái ấm Sơn Ca, trong buổi gặp mặt thân mật chúc mừng cô hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Oanh hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ chế độ. Kẻ ở, người đi đều không cầm được nước mắt. Mọi lời phát biểu và cả những bài hát đều có nhiều phút lặng dừng.
Áp Tết, ai cũng bộn bề công việc, vậy mà toàn bộ ban lãnh đạo phường Phúc La, ban lãnh đạo và chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) đều có mặt.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông - xúc động chia sẻ: Quận Hà Đông ở trong tốp 5 về trường chuẩn quốc gia của Hà Nội, điểm thi đầu vào lớp 10 cũng đạt mức cao trong thành phố, luôn đạt xuất sắc trong các cuộc thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi.
Trong các thành tích chung của giáo dục Hà Đông, có đóng góp quan trọng của Trường mầm non Sơn ca, mà đứng đầu là hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Oanh, suốt 20 năm qua đã chèo lái con thuyền này vượt qua khó khăn, trưởng thành vượt bậc, tạo được niềm tin yêu với phụ huynh học sinh, làm cho nhà trường trở thành một mái ấm yên vui, đầy yêu thương. Chị Oanh về hưu, chúng tôi buồn nhưng vô cùng tự hào vì có một hiệu trưởng tài năng và tâm đức sáng ngời.
Cô Nguyễn Thị Hồng Ánh, nguyên phó hiệu trưởng trường Sơn Ca, nay là Hiệu trưởng trường mầm non Ánh Dương (thành lập từ phân hiệu 2 của trường Sơn Ca) tâm sự trong nước mắt: Cô Oanh không chỉ là người thầy về chuyên môn của lớp lớp thế hệ cán bộ giáo viên Sơn Ca, mà còn là người mẹ, người chị luôn chỉ bảo dạy dỗ chúng tôi trưởng thành mọi mặt. Thời gian được là đồng nghiệp của cô Oanh là thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm việc của chúng tôi.
Người rơi nhiều nước mắt nhất có lẽ là cô Đỗ Thị Thanh Hà – người nhận bàn giao từ hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Oanh để phụ trách nhà trường từ 1/3/2015. Cô Hà nói: Suốt mấy tháng nay rồi, cứ nghĩ đến ngày này là chúng em lại rơi nước mắt. Không chỉ vì đạo lý tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, mà còn vì một tình cảm sâu đậm khó nói nên lời với cô giáo hiệu trưởng.
Từ lúc nhập hai điểm lẻ của Văn Yên thành trường Sơn Ca với 5 cán bộ giáo viên và 50 học sinh, đến nay trường đã có 65 GV và trên 1000 HS, đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nói đến Sơn Ca suốt 21 năm qua là nói đến hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Oanh. Với chúng tôi, cách tốt nhất để thể hiện lòng tri ân với cô là chúng tôi cố gắng gìn giữ và phát huy những thành quả mà cô đã dày công gây dựng.
Quả thật, cô Oanh đã có một đời làm việc thật ý nghĩa, thể hiện ở tình cảm mà các cấp lãnh đạo, các thế hệ đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh nơi đây đã dành cho cô hôm nay. Niềm hạnh phúc quá lớn lao cũng khiến cô không thể không trào nước mắt. Hai câu thơ mà vị trưởng ban phụ huynh nhà trường – chị Vũ Thúy Quỳnh đọc lên đã nói hộ lòng người:
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Mong cô đưa tiếp đò đầy qua sông
Và cả sự nhắn nhủ của mọi người nữa, như lời hát chia tay của Trưởng phòng giáo dục Phạm Thị Lệ Hằng:
“Cho dù có đi nơi đâu, ta vẫn không quên được nhau…”