Cô Đoàn Thị Minh = Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Quảng - là người gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” từ gần hơn 30 năm nay. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đông Hà (lúc đó còn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên), sự nghiệp trồng người của cô Minh gắn bó với những nơi khó khăn nhất của miền núi Quảng Bình là Phong Hóa (28 năm), trước đó là Minh Hóa, Đồng Hóa…
Từ tháng 9/2016 cô Minh về Cao Quảng. Chưa kịp hoàn hồn bởi đường sá gian nan hiểm trở thì đã xanh mặt cùng các thầy cô trong trường lo chống lũ .
Cô Minh kể: “Hôm lũ về, tôi với cô Lý (một giáo viên trong trường) lên bến đò sang Phú Ninh. Nước dâng cao, chảy xiết, nên người dân không dám chèo đò.
Bên kia bờ là mấy em học sinh của trường đang tuyệt vọng nhìn sang. Tôi nhìn các em mà chảy nước mắt. Các em nghỉ học mất một tuần. Khi nước rút thì chúng tôi động viên phụ huynh Phú Ninh cho các con sang bên này ở trọ để còn đi học, đợi bao giờ hết hẳn lũ thì về”.
Nhưng điều mà cô Minh ám ảnh hơn cả là cảnh nghèo của các học trò. Cả trường có 206 học sinh thì 177 em thuộc hộ nghèo, trong đó gần 20 học sinh gia cảnh cực kỳ khó khăn.
Rất nhiều em hoặc là con của mẹ đơn thân, hoặc mồ côi cha. Có em đã mồ côi mẹ, có được người anh lớn trong nhà làm chỗ dựa thì gần đây anh cũng vì một tai nạn mà mất nốt.
Trong khi đó, bản thân các thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trường có 24 người thì quá nửa trong số đó nhà ở xa. Cả tuần các thầy cô sống trong khu nhà công vụ, cuối tuần mới đoàn tụ gia đình.
Mà đường đến Cao Quảng thì quá cơ cực. Từ trường sang xã lân cận (Châu Hóa) chỉ khoảng 10 km thôi, nhưng đi xe máy gần cả tiếng đồng hồ mới tới tới do phải vượt một cái đèo hiểm.
"Nhà" của một em học sinh Trường Tiểu học Phong Hóa 2
Nói về ngày 20/11, cô Minh bùi ngùi: “Xã cũng quan tâm, sang chúc mừng các thầy cô, rồi còn tổ chức tọa đàm. Trường cũng động viên các cô mỗi người suất quà khoảng 100.000 đồng.
Nhưng các thầy cô cũng khó mà vui, vì cứ nhìn thấy học trò là thương, thấy mình có cố gắng mấy thì những gì mình mang đến được cho các em quá bé nhỏ” - Cô Minh tâm sự.
Nỗi niềm của cô Minh cũng là chia sẻ của nhiều thầy cô khác đang dạy học trong các xã nằm ở lưu vực sông Gianh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Cô Phạm Thị Lệ Thủy, phụ trách Trường Tiểu học Phong Hóa 2 (nằm trên địa bàn xã Phong Hóa nhưng ở bờ nam sông Gianh, nhân dân phải đi lại trên cầu phao dân sinh hoặc đi đò) cho biết, trường có 146 em học sinh thì có 95 gia đình hộ nghèo.
Tài sản của gia đình các em vốn dĩ rất ít ỏi, sau mỗi năm gặp lũ lại càng thêm khánh kiệt. Bản thân nhà trường có 16 thầy cô thì có 9 thầy cô gia đình bị ngập lụt mất nhiều tài sản , có nhà còn lại mỗi cái giường.
Thầy Hoàng Minh Định - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Thạch - cũng chia sẻ: “Hàng năm nhà trường vẫn có những đợt quyên góp của chính thầy cô trong trường giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.
Vừa rồi cũng góp được một ít, nhà trường tặng cho 22 em, mỗi em được một phần quà (sách vở, đồ dùng học tập) giá trị khoảng 300.000 đồng. Nhưng những gì mà chúng tôi làm được chỉ là muối bỏ bể. và chì có tính chất động viên".
Theo thầy Định, trong trường hiện có 5 trường hợp đặc biệt rất thương tâm, các em mắc bệnh nặng, mà gia đình các em lại rất khó khăn.
"Chẳng hạn như mẹ em Hoàng Gia Hưng (lớp 2B, bị một khối u ở vùng bẹn), gần đây gặp cô giáo chủ nhiệm và khóc, nói là ca phẫu thuật của con chỉ cần 10 triệu thôi nhưng nhà tôi không có cô ơi. Cứ hàng ngày phải đối mặt với những số phận đó thì có người thầy người cô nào mà không xót xa!” - Thầy Định nói.