“Cò” nghệ thuật: Nghề kiếm bộn tiền

“Cò” nghệ thuật: Nghề  kiếm bộn tiền

Theo báo cáo từ Arts Economics, ước tính doanh thu của “cò” nghệ thuật toàn cầu năm 2018  khoảng hơn  67 tỷ USD.

Được ăn cả, ngã về không

“Những người như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ biết mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng”, Lisa Schiff, bà chủ của Công ty môi giới nghệ thuật SFA Advisory tại New York (Mỹ) cho biết. “Nó có thể là cả triệu USD, cũng có thể chỉ 5 USD”.

Thuở thanh niên, Schiff mơ ước trở thành giảng viên nghệ thuật. Sự đời không như mong muốn, cô phải tạm làm “cò” kiếm sống qua ngày. Ban đầu, Schiff xin làm nhân viên của một công ty tư vấn nghệ thuật. Dần dà, cô đủ năng lực tài chính mở công ty riêng.

“Tôi rất yêu công việc của mình”, Schiff hào hứng - “Làm môi giới nghệ thuật cũng có nghĩa là trở thành một phần của lịch sử nghệ thuật. Và điều đó rất tuyệt vời”.

Công việc của Schiff bao gồm tư vấn cho khách hàng, thay mặt khách hàng thương lượng mua bán, tham gia các buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật, gặp gỡ họa sĩ, hỗ trợ quản lý các bộ sưu tập, buổi triển lãm, giới thiệu khách hàng với các phòng trưng bày và nghệ sĩ…

“Làm người môi giới nghệ thuật không phải là chuyện dễ”, Susannah Pollen.
“Làm người môi giới nghệ thuật 
không phải là chuyện dễ”, Susannah Pollen.

Trong thế giới Internet kết nối rộng khắp, khoảng cách địa lý là vô nghĩa. Dù có đang ở đâu, mọi người cũng có thể cập nhật tin tức, ngắm nhìn các tác phẩm, theo dõi buổi triển lãm.

Những bảo tàng nghệ thuật lớn như Gagosian, David Zwirner, Hauser & Wirth, Pace… tới tấp tỏa chi nhánh khắp toàn cầu. “Đánh hơi” được mùi “dễ kiếm chác”, “cò” nghệ thuật sản sinh.

Chỉ đếm sơ sơ trong nội thành London (Anh), cũng có trên dưới 100 người. Đa phần đều là phụ nữ, chiếm khoảng 80%. Tất cả đều có bằng cấp liên quan đến ngành nghề nghệ thuật, kinh nghiệm đấu giá.

Bước vào văn phòng môi giới nghệ thuật bất kỳ và xin tư vấn, nhân viên của họ sẽ giải đáp đầy đủ, từ giá thành bức tranh cho đến nơi ở của họa sĩ … Thế giới nghệ thuật vô cùng bao la, còn khách mua tranh không nhất thiết phải là người am tường hội họa.

“Tại sao bạn lại cưỡi ngựa xem hoa trong khi có thể chọn một người hướng dẫn đáng tin cậy”, Steven Murphy, ông chủ của Đại lý Mua bán Tác phẩm Nghệ thuật Murphy & Partners (London) niềm nở.

“Cò” nghệ thuật luôn mập mờ về thu nhập của mình. Họ chỉ bảo, “ăn hoa hồng” trên mỗi giao dịch. Tùy vào giá trị của bức tranh, khả năng “trả giá” và hiệu suất bán, thu nhập có thể là hàng triệu USD/tháng, cũng có thể chẳng được đồng nào.

Nghề mới, kiếm bộn tiền

Murphy & Partners có 1/3 khách hàng là người Mỹ, 1/3 là người châu Âu và 1/3 là người châu Á. Trong đó cả giới siêu giàu, sẵn sàng chi hàng chục triệu USD cho một tác phẩm ưa thích. “Vâng, chúng tôi may mắn có được vài ‘khách sộp’ như thế”,

Murphy thừa nhận: “Họ nhắm thu mua các kiệt tác nổi tiếng”. Murphy từng đứng ra làm trung gian cho cuộc mua bán một tác phẩm phong cảnh của cố họa sĩ Claude Monet (Pháp). Khách hàng là nhà sưu tập người châu Á mang nó đi với giá 25 triệu USD (khoảng 580 tỷ đồng). Còn người bán đã ra giá bao nhiêu thì Murphy xin bí mật.

Ngoài ra, ông còn bán bức tranh chân dung nhà triết học Francis Bacon (Anh) cho một người mua khác với giá 4 triệu USD (khoảng 93 tỷ đồng). Vì người bán cần tiền gấp, vụ bán mua đã diễn ra chóng vánh, chỉ trong vòng 2 tuần.

Vào năm 2016, Sotheby’s (một hãng đấu giá nổi tiếng của Mỹ) quyết định mua Art Agency, Partners, công ty “cò” nghệ thuật mới thành lập được 2 năm. Họ trả 50 triệu USD (khoảng 1.160 tỷ đồng), còn trích thêm 35 triệu USD (812 tỷ đồng) làm “tài khoản thưởng”, khuyến khích các nhân viên tiếp tục “cò” tích cực hơn.

Rất ít người biết được giá trị đồng tiền chính xác của các tác phẩm nghệ thuật. Một bức tranh có thể chẳng hơn gì tấm giấy lộn, cũng có thể đáng giá hàng ngàn tỷ đồng.

Ngay - gian khó phân biệt

“Một môi giới nghệ thuật có thể kiếm cả triệu đô/tháng, cũng có thể chỉ 5 dollar”, Lisa Schiff.
“Một môi giới nghệ thuật có thể kiếm cả triệu đô/tháng, cũng có thể chỉ 5 dollar”, Lisa Schiff. 

Ngoài việc mở rộng “nghề môi giới”, Internet cũng phần nào đưa “thị trường nghệ thuật” vốn “mờ ám” ra ngoài ánh sáng. “Cò” nghệ thuật trung thực chào đời. Họ bảo mình là những nhà tư vấn đặt mục tiêu “kiếm tiền một cách có đạo đức, giao dịch rõ ràng” lên hàng đầu.

Susannah Pollen là một trong số các nhà môi giới nhận mình là “cò trung thực”. Bà bắt đầu sự nghiệp từ năm 2004, làm việc tự do. Hiện tại, Pollen có gần 20 khách quen.

“Phải hết sức thận trọng. Thận trọng cả 100%”, Pollen khẳng định. Bà yêu cầu khách hàng phải thật sự yêu nghệ thuật, còn mình hỗ trợ họ mua được tác phẩm yêu thích với giá thấp nhất, hoặc bán đi với giá cao nhất.

Tuy là “cò”, nhưng đôi lúc Pollen cũng lỗ vốn. Bà từng bỏ ra 5 triệu bảng để “tậu” một bức tranh của họa sĩ Peter Doig (Anh), sau đó phải bán đi với giá thấp hơn. Tuy giấu tên bức tranh, Pollen buồn bã đoán giá trị của nó bây giờ khoảng 25 triệu bảng.

Tương tự với Jo Baring. Cô “hành nghề” từ năm 2013, cũng có một danh sách khách quen lâu năm. Baring phân tích, nhiều người mua tranh là kẻ “cuồng” hội họa. Vì không nắm rõ giá cả cũng như hiểu biết nghệ thuật, họ “đốt tiền” mà không hay.

Mục tiêu của Baring là “hãm phanh” giúp những “con chiên ngây thơ” này. Cô thay mặt họ tham gia đấu giá, đảm bảo chỉ trả đúng giá trị của tác phẩm chứ không bị “hớ”.

Các “cò” nghệ thuật thường kiếm cớ để “cắt đuôi” khách hàng, ngăn họ tiếp cận với họa sĩ hoặc nhà sưu tập để bí mật giá cả, đút túi mức chênh lệch.

Riêng các tư vấn như Baring hay Pollen thì ngược lại. Họ thoải mái đứng ra làm người giới thiệu cho đôi bên gặp nhau. “Nhiều người cứ nghĩ làm cò nghệ thuật là dễ lắm”, Pollen nói; “nhưng sự thật thì không phải vậy”.

Để làm một người môi giới nghệ thuật đích thực, cần phải có cả hiểu biết chuyên môn lẫn sự nhiệt huyết. Trong suốt 16 năm cộng tác với nhà môi giới nghệ thuật David Bowie, Beth Greenacre nhận ra thầy của mình không lúc nào nghỉ ngơi. Ông liên tục thu thập thông tin, tìm hiểu mọi động tĩnh và trực tiếp tham gia đấu giá.

“Tại sao đa phần cố vấn nghệ thuật ngày nay đều là phụ nữ ư?”, Greenacre cười. “Bởi vì chúng tôi luôn luôn lắng nghe, hợp tác, tận tụy và kiên trì”.

“Cò” là một thế giới “vàng thau lẫn lộn”. Có những “cò” nghệ thuật làm việc vì đam mê, thật lòng muốn trở thành “một phần trong thế giới nghệ thuật”. Nhưng cũng có nhiều “cò” chỉ lợi dụng lòng tin của người khác trục lợi. Ai ngay, ai gian, chỉ bản thân họ là rõ.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ