Có nên kiêng kỵ trong “tháng cô hồn“?

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh nhấn mạnh: “Mọi việc kiêng kỵ trong tháng cô hồn đều thiếu cơ sở khoa học. Đây chỉ là thói quen và tâm lý “có kiên có lành” của người Việt”.

Có nên kiêng kỵ trong “tháng cô hồn“?

Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm là ngày xá tội vong nhân khi Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho ma quỷ đi xin ăn trên dương thế. Vì thế nhiều nơi còn gọi tháng 7 là "tháng cô hồn”.

Để lý giải về nguồn gốc của tháng cô hồn trong phong tục, tập quán của người Việt Nam và hiểu đúng hơn về ngày này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh.

Tháng cô hồn, Rằm tháng 7

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh. Ảnh: Diệu Bình

Ông Trịnh Sinh cho biết, nhiều người gọi Rằm tháng 7là “Tết quỷ” nhưng thật ra khái niệm này xuất phát Trung Quốc. Trong dân gian, người Việt gọi đây là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.

Từ xưa người Việt thường quan niệm, con người khi sinh ra bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác.

Khi chết đi, phần hồn vẫn còn tồn tại, người nào khi sống ăn ở hiền lương, tích đức thì được đầu thai thành kiếp khác, ngược lại người nào tạo nên nhiều nghiệp (làm việc ác) thì bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói và chịu nhiều hình thức tra tấn.

Theo đó, cứ đến ngày Rằm tháng 7 (15-7 âm lịch), Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát.

Đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì các ma quỷ phải quay trở về địa ngục. Vì thế vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch người Việt thường sắm cỗ cúng “cô hồn” để các hồn ma không quấy phá.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh đây là tập tục được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các gia đình nên coi như đây là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện chứ không nên sa đà, hoang phí đốt vàng mã, mâm cao cỗ đầy. 

Một số gia đình khá giả còn lập đàn cầu cúng... đó là những hành vi biến tướng một tập tục dân gian thành mê tín dị đoan.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cũng nhấn mạnh: “Việc kiêng kỵ trong tháng cô hồn là thiếu cơ sở khoa học, đây chỉ là thói quen và tâm lý “có kiêng có lành” của người Việt”.

Ông cho biết, người Việt quan niệm rằng "tháng cô hồn” là tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn nên không thuận tiện với việc cưới hỏi, mua sắm, khai trương, đi xa...

Cùng với đó, mọi người truyền tai nhau những điều cấm kỵ trong "tháng cô hồn”, qua nhiều đời dần trở thành phong tục riêng của dân tộc.

Một số điều cấm kỵ như: Không treo chuông gió ở đầu giường; không ăn đồ cúng; phụ nữ và trẻ em không phơi đồ ở ngoài vì ma quỷ đi qua sẽ ướm thử và để lại “quỷ khí” làm người mặc đau ốm; không chụp ảnh ban đêm vì như vậy sẽ dễ thấy ma quỷ trong bức ảnh; không bơi lội…

Tuy nhiên một số điều cấm kỵ không có căn cứ, số còn lại là những lời truyền miệng xuất phát từ những đặc điểm thời tiết của tháng 7.

Tháng 7 là tháng mưa nhiều không thuận tiện cho việc tổ chức cưới hỏi, khởi công. Vì mưa nhiều nên việc bơi lội, phơi đồ ở ngoài cũng dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến đau ốm.

Đồ cúng để ngoài trời nguội lạnh khi ăn cũng không tốt cho sức khỏe. Việc kiêng chụp ảnh là do thời xưa chưa có máy ảnh, người dân chỉ đi tìm người vẽ chân dung khi chuẩn bị qua đời cần ảnh để bày lên bàn thờ. Còn lại những điều kiêng kỵ khác đều phi thực tế.

Theo nhà nghiên cứu này, mâm cỗ cúng cô hồn thường có: 1 đĩa muối, gạo, cháo trắng loãng, giấy áo, giấy tiền, mía, bánh kẹo tiền mặt (tiền thật), trái cây 5 màu, khoai lang lục, 3 ly nước, 3 cây nhang và 2 ngọn nến.

Ông cho biết, sở dĩ  không thể thiếu cháo loãng vì dân gian quan niệm rằng, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường mang ý nghĩa tiễn cô hồn đi.

Theo Vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ