(GD&TĐ) - Một trong những khâu quan trọng trong vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đó là đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường. Mỗi hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục luôn gánh trên vai trọng trách lớn lao đó là làm sao nâng cao được chất lượng giáo dục. Một mô hình trường công lập tự chủ về tài chính toàn phần ngay giữa lòng thành phố Hà Nội được đánh giá là mô hình điểm – một cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hoạt động sinh hoạt ngoại khóa giúp HS phát triển toàn diện hơn Ảnh T. Anh |
“Mạnh dạn đổi mới trong việc đánh giá GV thông qua cách lấy ý kiến HS của nhà trường đã góp phần hoàn thiện công tác quản lý của BGH và công tác giảng dạy của GV. Tuy nhiên việc lắng ng he ý kiến của HS chỉ là một phần trong vấn đề đánh giá về năng lực trình độ của thầy cô bên cạnh việc lấy ý kiến của đồng nghiệp và của lãnh đạo nhà trường.” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Mềm dẻo sáng tạo khi xây dựng mô hình mới
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), là một khuôn viên xanh, sạch với một không khí học tập nền nếp, thân thiện. Với mô hình Công lập tự chủ tài chính toàn phần theo quyết định của UBND thành phố, nhà trường được cấp cơ sở vật chất ban đầu song không được cấp ngân sách, đồng nghĩa với đó là nhà trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Việc chi cho mọi hoạt động của nhà trường trong 12 tháng đều lấy từ nguồn quỹ học phí của học sinh trong 9 tháng, kể cả lương và bảo hiểm xã hội của đội ngũ biên chế cũng như sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cơ sở vật chất. Như vậy để duy trì ổn định và làm tròn sứ mạng giáo dục thì việc nâng cao chất lượng dạy và học là một bài toán buộc ban giám hiệu nhà trường phải trăn trở để tháo gỡ.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Với mong muốn xây dựng một ngôi trường sư phạm thân thiện, biết yêu thương và chia sẻ nên mỗi hành động, việc làm của thầy và trò đều bắt đầu từ chính trái tim nhân hậu và lòng say mê. Các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua của GV và HS luôn được đặt ra với tiêu chí sáng tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục thì yếu tố chủ động sáng tạo trong tự học, chủ động sáng tạo trong dạy học, trong các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt chuyên môn luôn được thầy trò tìm tòi áp dụng. Thực tế cho thấy muốn sáng tạo thì phải tự học, càng tự học thì càng sáng tạo, có sáng tạo này lại nghĩ ra sáng tạo khác.”
Để thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Hội thi sáng kiến nhỏ đã tạo ra sân chơi bổ ích cho cả thầy và trò. Các em được thỏa thích sáng tạo với những ý tưởng trong học tập và vui chơi. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt tổ chuyên môn, các hội thảo chuyên đề của từng tổ bộ môn hướng đến tiêu chí tích cực, sáng tạo. Không phải là những lý thuyết giáo điều khô cứng mà các sáng kiến, chuyên đề đều hết sức thiết thực phục vụ cho công tác giảng dạy của thầy. Học sinh được phát huy tính chủ động sáng tạo trong các hoạt động học tập cũng như vui chơi. Công tác chuyên môn luôn luôn được BGH và nhà trường đặt lên hàng đầu. Các hội thảo “Dạy văn theo xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá”; “Đổi mới dạy học phải bắt đầu từ tạo sinh khí trong dạy và học”... được sự hưởng ứng tích cực của thầy và trò.
Cô giáo Nguyễn Kim Anh chia sẻ: “Nghề dạy học có thuận lợi đặc thù vì người thầy như nghệ sĩ sân khấu, chứ không phải nghệ sĩ điện ảnh. Có thể điều chỉnh khi không ưng ý, không giống phim quay xong là thôi. Sân khấu bục giảng tiếp tục cho cơ hội sửa cái sai sau một phút, sau nửa tiết, sau một vài ngày. Dạy mấy tiết liền thấy không ổn lắm, thầy có thể tìm chiêu thức mới để “khuấy động”, “tiếp lửa tạo sinh khí”.
Từ trái tim đến với trái tim
Vận hành cả cỗ máy cùng chạy cho đúng để không có một bánh xe nào chệch ray đòi hỏi người hiệu trưởng phải có tâm và có tầm nhìn xa về phía trước. Là người kế nhiệm trọng trách còn dang dở của đồng nghiệp đi trước, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng hiện tại của Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa không khỏi băn khoăn đó là làm sao giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường? Chính cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” mà ngành GD&ĐT phát động là gợi ý sâu sắc để nhà trường phát huy được thế mạnh của đội ngũ các nhà giáo. Theo hiệu trưởng nhà trường, không phải là những khẩu hiệu hô hào hình thức mà cả tập thể sư phạm của nhà trường đã cùng cố gắng thay đổi cách tiếp cận thiết thực và ý nghĩa nhất. Động lực là sự quý mến của học sinh cộng với cái tâm với nghề cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã làm cho ngôi trường có diện mạo mới mà ở đó không có sự cào bằng chủ nghĩa, mọi cá nhân đều phải vượt qua chính mình từng ngày từng giờ. Việc lấy ý kiến học sinh và tôn vinh những giáo viên được kiên trì thực hiện theo lộ trình từng năm không nóng vội nhưng vẫn đủ kiên quyết để tự mỗi giáo viên đều thấy cần phải điều chỉnh mình cho ngày một hoàn thiện hơn về chuyên môn, năng lực sư phạm và sự yêu mến nể phục từ trò.
Tuy nhiên để có được sự đổi thay theo chiều hướng tích cực như hiện tại BGH nhà trường đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường không khỏi có những trăn trở, những nỗi buồn riêng. Tâm sự về điều này cô Nguyễn Thị Nhiếp đã chia sẻ trong nỗi xúc động dường như đây cũng là dịp để những đồng nghiệp của mình hiểu và cùng chung vai với sự nghiệp trồng người của cô hơn: Cô thực sự thấy cảm thông và chia sẻ với đồng nghiệp chưa đạt được uy tín trong lòng học sinh, đặc biệt là những đồng nghiệp cao tuổi. Bản thân cô luôn phải vượt qua những cảm xúc khó khăn, trái chiều. Vui khi thấy ánh mắt rạng ngời của những đồng nghiệp được trò tôn vinh; Yên tâm khi thấy nhiều đồng nghiệp buồn, trăn trở vì chưa được trò tôn vinh; Tin tưởng khi thấy nhiều đồng nghiệp có ý thức điều chỉnh khi trò góp ý và buồn khi còn số ít ý kiến bài xích việc góp ý của học trò; gọi điện dò xét trò; Buồn khi còn số ít ý kiến cố tìm lỗi của những đồng nghiệp được tôn vinh. Nhiều khi cũng rất cô đơn và chông chênh khi đồng nghiệp được tôn vinh ngại gần mình vì sợ bị tiếng là “tình cảm riêng” hay khi nghe thấy lời không tin tưởng của đồng nghiệp về những ý kiến và số liệu tổng hợp. Cô còn cảm nhận được tiếng thở dài, nước mắt chảy vào của những đồng nghiệp tâm huyết nhưng chưa được học sinh ghi nhận…Và rồi tự an ủi: Mình cô đơn một chút nhưng có được ngôi trường đang chuyển biến mà ở đó mỗi người làm thầy đều nỗ lực mỗi ngày. Mình chông chênh một chút còn hơn sự êm ấm, vui vẻ theo cách kéo tay nhau lùi lại.
Chính cách làm sáng tạo đó đã mang lại hiệu quả giáo dục và sinh khí mới cho ngôi trường. BGH đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh qua từng năm học đồng thời nắm chắc hơn về đội ngũ giáo viên, nhân viên. Cũng chính từ đó mà BGH, đội ngũ GV và công nhân viên nhà trường đã tạo được uy tín, niềm tin trong lòng học sinh và phụ huynh về đội ngũ và cách quản lý của nhà trường. Và hiệu quả mang lại lớn lao hơn rất nhiều đó là nhà trường đã xây dựng được một môi trường dân chủ nhưng rất thân thiện giữa thầy với trò, thầy với thầy, trò với trò, phụ huynh và thầy cô giáo. Bản thân giáo viên xóa bỏ dần lối tư duy cố hữu “Thầy cô luôn đúng”, có ý thức tự điều chỉnh mình, thể hiện nhu cầu và khao khát để được trò tin yêu. Ban giám hiệu cũng điều chỉnh và đổi mới cách quản lý để đạt tầm cao mới.
Những bước đi theo định hướng của một suy nghĩ mới, dám nghĩ, dám làm cộng với việc lấy ý kiến của HS để điều chỉnh các hành vi và cách dạy của thầy cô đã tạo nên một động lực để toàn thể hội đồng sư phạm cũng phấn đấu vươn lên. Và hiệu ứng từ sự đổi mới đó là nhà trường đã nhận được lòng tin ngày càng lớn hơn của phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố.
Minh Châu