Có một bảo tàng chiến tranh thời máu lửa

Có một bảo tàng chiến tranh thời máu lửa

(GD&TĐ) - Nằm lặng lẽ ngoài đê sông Hồng (số 144/2 đường An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), do Bảo tàng cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp tạo dựng. Ông vừa làm giám đốc, lại kiêm phần việc của người hướng dẫn viên. Không hoành tráng như những bảo tàng tầm cỡ nằm  trong thành phố nhưng bảo tàng chiến tranh một thời máu lửa từ lâu đã là địa chỉ đỏ của các cháu học sinh, của những cựu chiến binh…

Hơn 3000 hiện vật: Từ những chiếc áo trấn thủ của bộ đội ta mặc ở Mặt trận Điện Biên Phủ năm nào cho đến những chiếc mũ tai bèo, mũ cối, bình tông đựng nước, tranh ảnh… về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Những hiện vật là những kỷ niệm vô giá cứ ùa về làm xúc động người xem. 

Tại sao lại bỏ thời gian, tiền bạc vào Nam ra Bắc trong bao năm trời để sưu tầm, vận chuyển "một núi" hiện vật về làm bảo tàng? Ông Hiệp nói cứ như không: "Mình làm vậy, để tri ân những đồng đội nhất là đối với những anh em đã hy sinh vì Tổ quốc ngoài mặt trận. Rồi những thứ đó là "dụng cụ trực quan" để thế hệ con cháu nhớ lấy mà làm hành trang vào đời, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta! 

Những vỏ quả bom, đuôi máy bay của giặc được vận chuyển từ Mặt trận Quảng Trị ra
Những vỏ quả bom, đuôi máy bay của giặc được vận chuyển từ Mặt trận Quảng Trị ra

Năm 1967, khi mới 18 tuổi, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có anh trai là Nguyễn Chí Ninh đã hy sinh, thể trạng của ông hồi ấy thấp bé không đủ cân nặng, nhưng với khát vọng của tuổi trẻ, với mong muốn được tham gia vào cuộc chiến đấu đang rất ác liệt của cả dân tộc, Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn tình nguyện vào bộ đội. Năm đó, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 420, Sư đoàn 320B. 

Sau 3 tháng huấn luyện tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình, ông cùng đơn vị được lệnh đi B. Hành quân ròng rã bằng đường bộ, vượt qua bom rơi, đạn nổ, vượt qua cái đói luôn thường trực và những cơn sốt rét dai dẳng, đơn vị ông đã đến được A Lưới (Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông được biên chế về mặt trận 7 (nam Thừa Thiên) với nhiệm vụ trinh sát. Ở đó hơn 1 năm, ông lại được biên chế làm chiến sĩ trinh sát bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên.

Lúc này, Mặt trận Trị Thiên và đơn vị ông nói riêng gặp muôn vàn khó khăn. Thiếu vũ khí, lương thực, kẻ địch tập trung hỏa lực ngày đêm đánh phá ác liệt, bộ đội thương vong nhiều do chiến sự diễn ra căng thẳng, do đói, sốt rét… nhưng ông và đồng đội đã giữ vững ý chí, dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công. Một trong những chiến công ấy là cùng với Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 làm nên chiến thắng vang dội tại đồi Abia (còn gọi là đồi Thịt băm), đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch (trong đó có 8 tiểu đoàn lính dù thuộc Sư đoàn 101), khiến cuộc hành quân có cái tên rất lãng mạn "Tuyết rơi trên đỉnh núi" của Mỹ biến thành "Máu rơi trên đỉnh núi". 

Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục đến xem bảo tàng
Vợ chồng nhạc sĩ Huy Thục đến xem bảo tàng

Cuối năm 1969, ông bị thương, điều trị tại Đoàn 580. Sau khi an dưỡng ở Quảng Bình, ông được phân công làm cán bộ khung, huấn luyện và tuyển quân bổ sung cho cả đơn vị. Cuối năm 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa. Hơn 20 năm trước, mặc dù đã trở về đời thường, những kỷ niệm về một thời máu lửa, về đồng đội luôn luôn hiện hữu trong ông. Ý định xây dựng một bảo tàng để lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống của mình và của những đồng đội đã từng chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên hình thành từ đó. Thời gian ấy, kinh tế gia đình còn khó khăn nên ý định vẫn chỉ dừng lại ở ý định. Tuy vậy, ông vẫn bỏ công sức thu thập được nhiều hiện vật, ảnh… từ đồng đội, hay từ những chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa. Chưa có nhà trưng bày riêng, ông đã biến luôn nhà ở của mình thành nơi trưng bày. Thế là căn nhà nhỏ, nơi ở của hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ, nay lại càng chật chội hơn khi có thêm rất nhiều "đứa con tinh thần" mà ông đã bỏ bao tâm sức thu nhận về. Có những kỷ vật chưa mang về được ngay, ông phải để lại nơi đã tìm thấy và phần lớn đã bị thất lạc. Điều đó, đến bây giờ ông vẫn cảm thấy áy náy, tiếc nuối.

Khi kinh tế gia đình khá giá hơn nhờ trồng và kinh doanh cây cảnh, các con cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, ông quyết định biến ý định năm xưa thành hiện thực. Năm 2009, ông đã xây dựng một ngôi nhà 2 tầng khang trang với diện tích mặt sàn 50 mét vuông tốn hơn 10 cây vàng để làm nhà trưng bày những hiện vật đã có. Mỗi năm, ông đều tổ chức 4 - 5 chuyến đi lặn lội về các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… vừa để thắp hương cho các đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang, hay giúp đỡ các gia đình đồng đội còn gặp khó khăn (năm 2011, ông đã đi vận động được gần 100 triệu đồng để trao tặng gia đình Anh hùng Can Lịch) vừa để sưu tầm thêm hiện vật. Có hiện vật do đồng đội trao tặng, nhưng đa phần là ông phải mua với giá cao bằng tiền túi. Thật may mắn, ông được người bạn đời là bà Phan Hồng Liên hết lòng ủng hộ. Mỗi lần ông đi, bà đều chuẩn bị chu đáo tiền nong để ông có thể tạm trú vài ngày và tìm mua "hàng". Ông đã từng lê la ở rất nhiều cửa hàng buôn bán phế liệu để tìm kiếm. Đến đâu, ông cũng để lại số điện thoại để khi có hiện vật mới, chủ cửa hàng sẽ liên hệ với ông. Với cách này, vừa qua, ông đã sưu tầm được một vỏ quả bom 500 cân Anh. Ông nhớ lại, một lần vào Khe Sanh, ông đã đến một cửa hàng buôn bán phế liệu, và để lại số điện thoại. Tháng 7/2011, ông nhận được cuộc điện thoại từ cửa hàng đó, thông báo là có 1 vỏ quả bom lớn. Nghe vậy, ông thuê ngay xe tải đi vào. Thời gian đó, miền Trung đang phải đối mặt với cơn bão số 3, nên gia đình có ý can ngăn, nhưng ông vẫn quyết định đi vì sợ rằng mình không đến kịp, họ sẽ bán mất. Và kết quả là sau ba ngày vượt mưa bão, ông đã đưa được nó về bảo tàng của mình. Chuyện đi sưu tầm hiện vật chiến tranh của ông thì có thật nhiều, ông nhớ nhất một lần, từ trên rừng Trường Sơn do bị mưa lũ mắt kẹt chưa về được, khiến cho người vợ ở nhà lo lắng, mãi khi ra đến Khe Sanh mới có sóng điện thoại, ông liền liên lạc về để người vợ yên tâm.

Nguyễn Văn Thế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.