(GD&TĐ) - 11 tuổi, tôi sống một mình. Sinh ra chẳng biết bố mẹ mình là ai, tôi nghe kể bố mẹ tôi li dị khi tôi mới được 3 tháng tuổi, mẹ bế tôi gửi bà ngoại rồi bỏ đi biệt tích. Ngoại một mình tần tảo với gánh hàng rau nuôi tôi lớn lên. Rồi ngoại cũng "ra đi" trong một cơn bạo bệnh, bỏ lại tôi một mình bơ vơ trên cõi đời. Năm đó tôi 9 tuổi.
Ảnh minh họa/internet |
Tôi định bỏ học, nhưng trước lúc lâm chung ngoại dặn "Hứa với ngoại, dù thế nào đi chăng nữa cùng đừng bỏ học nghe con". Vậy nên tôi vẫn theo học bằng chút tiền ngoại gửi tiết kiệm cho tôi.
Đã 2 năm ngoại mất, tôi đã làm quen với cách sống một mình, những đêm bão bùng tự nhiên ập đến tôi rất lo sợ và cảm thấy tủi thân, nước mắt cứ trào ra. Lúc đó tôi bỗng nghe tiếng gọi và đập cửa: "Tùng ơi, mở cửa nhanh lên!". Tôi nhảy xuống, lội bì bõm dò dẫm ra mở cửa. Thật bất ngờ, qua ánh chớp loé lên giữa cơn giông bão, tôi nhận ra đó là cô giáo Mai, chủ nhiệm lớp 6A của tôi.
- Nhanh lên em, ra mau! - Cô Mai nắm lấy tay tôi kéo đi, vừa ra khỏi nhà khoảng mươi bước chân tôi bỗng nghe cái rầm, ngoái lại đã thấy căn nhà mình đổ sụp và nhanh chóng bị dòng nước cuốn trôi.
Trận bão lũ đó mất nửa số nhà trong xóm tôi bị đổ, tôi may mắn được cô giáo đến cứu kịp thời.
Ở lớp 6A ngày đó tôi là học sinh cá biệt, bởi hay đánh nhau. Tôi tính hiền lành nhưng khi bị đứa nào đó nói rằng tôi là con không cha, không mẹ, chạm vào nỗi đau đó, kiểu gì cũng bị tôi đánh. Tôi có lúc đánh được bọn chúng chạy re, nhưng cũng nhiều khi bị bọn chúng đè đầu cưỡi cổ đánh cho sưng đầu mẻ trán. Tôi mặc cảm và sống lầm lì, ít giao tiếp.
Chính cô giáo Mai đã sớm biết được hoàn cảnh của tôi và giúp tôi sống hoà đồng với bạn bè. Cô bảo: "Không việc gì phải mặc cảm và tự ti, hãy sống chan hoà và cố gắng học giỏi em sẽ thấy cuộc đời thật đáng yêu". Và trong buổi sinh hoạt lớp cô cũng nói: "Ai cũng muốn sinh ra trong một gia đình giàu có, danh giá và hạnh phúc, nhưng cuộc đời không như vậy. Trường hợp bạn Tùng là một ví dụ. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát thiệt thòi trong cuộc đời, chúng ta không được vô tình hay cố ý làm tổn thương bạn. Làm tổn thương người khác đó là tội ác”.
Mặc dầu được sự giúp đỡ của cô giáo, tôi đã cố gắng sống hoà nhập và học tấn tới nhưng rồi tiền tiết kiệm cũng hết, tôi có ý định bỏ học. Một lần nữa cô giáo lại thuyết phục động viên tôi đi học tiếp. "Chỉ có học mới có kiến thức, có kiến thức thì mình có thể làm được nhiều việc cho mình và cho mọi người. Tâm nguyện của ngoại em cũng mong muốn cho em phải học đó sao".
Cô chân thành mời tôi đến nhà cô ở nhưng nhà cô giáo cũng rất nghèo. Chồng cô mất trong một tai nạn giao thông, cô một mình nuôi 3 đứa con. 2 người con đầu học cấp 3 và người con gái út học cùng lớp với tôi nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Tôi biết cô vẫn thường xuyên nhịn ăn sáng để đến trường. Vậy nên khi ở với gia đình cô được mươi ngày, tôi nằng nặc đòi về. Biết không thuyết phục được tôi, cô đã vận động các thầy cô giáo trong trường và chính quyền địa phương cất cho tôi gian nhà ngói trên nền đất cũ.
Tuy gia cảnh nghèo khó một lúc nuôi 3 con ăn học nhưng cô giáo Mai vẫn luôn là cô giáo dạy giỏi được các thế hệ học sinh, và phụ huynh yêu mến, kính trọng. Cô nắm được tâm lý, hoàn cảnh của từng đứa để quan tâm, động viên đúng lúc và có biện pháp giáo dục thích hợp. Mỗi bài giảng cô đều lồng ghép những câu chuyện, mang tính giáo dục dễ cảm, dễ nhớ.
Cô đúc rút những kinh nghiệm của bài học để ứng dụng trong cuộc sống. Nói chung, những tiết học của cô, chúng tôi đều thuộc bài ngay trên lớp. Không những thế, cô còn giáo dục cho chúng tôi về cách sống. Cô thường nói: "Tiên học lễ, hậu học văn". Ngày đó cô đã dạy cho chúng tôi như thế nào là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; sống phải đoàn kết thương yêu nhau và thấm nhuần 5 điều Bác Hồ dạy.
Học với cô Mai chỉ 1 năm lớp 6 nhưng lực học của tôi phát triển vượt bậc. Tôi một buổi đi học, buổi đi chăn trâu thuê, gặt thuê, đêm đi soi, cá, soi lươn để kiếm tiền ăn học. Cô Mai vẫn thường xuyên đến thăm tôi, khi thì ít cân gạo, lúc chiếc áo ấm, hay một ít tiền cô cho tôi.
Đặc biệt là những quyển sách cô mang cho tôi đọc: "Chiến tranh và hoà bình" bộ tiểu thuyết sử thi của Lev Nikolayevich Tolstoy; "Thép đã tôi là thế đấy" của Nikolai A.Ostrovsky... Những tri thức quý giá qua sách đã thấm vào tuổi thơ tôi, làm dịu đi những nỗi đau thương bất hạnh của cuộc đời và giúp cho tôi hành trang bước vào đời sau này.
Tốt nghiệp lớp 12, thi đại học bị trượt, tôi chán nản bỏ nhà đi lang thang và tham gia vào đội quân phụ hồ, đi đào đá đỏ ở Quỳ Châu… Một lần gặp tôi cô bảo: "Lực học của em rất tốt, ở nhà như thế này cũng phí. Nếu thi năm nữa chắc đỗ. Em đừng đi lang thang nữa, nghề đó nguy hiểm lắm". Tôi tâm sự với cô rằng: Hoàn cảnh của em bây giờ nếu có thi đỗ cũng không có tiền học. Cô bảo: "Em cứ thi đi, trường đại học có học bổng, vả lại cô sẽ giúp em".
Thấy tôi không mặn mà lắm với chuyện thi cử. Cô nói: "ở đời không chuyện gì là không thể làm được. Miễn là mình có ý chí hay không. Nếu em cam phận, thì cô rất thất vọng về em".
Câu nói của cô là nguồn động lực giúp tôi ôn thi và thi đỗ vào trường Đại học. Và chính cô giáo Mai đã giúp tôi, những lúc gian khó nhất những năm học đại học cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lớp 6A của tôi ngày đó, mỗi người mỗi phương, bây giờ người tiến sĩ, kĩ sư, bác sĩ, người là nông dân nhưng ai cũng luôn nhớ về cô. Mỗi dịp ngày 20/11 hay các ngày lễ tết chúng tôi lại đến thăm cô giáo Mai như những đứa con đi xa trở về với mẹ.
Mùa thu năm ngoái, một nỗi mất mát vô cùng lớn lao đã đến với tôi và các thế hệ học sinh của trường. Cô giáo Mai đã qua đời vì căn bệnh ung thư.
Sắp đến ngày giỗ cô 20/10, tôi viết bài này gửi đến miền sâu thẳm nào đó trong tâm khảm của mình một nén nhang của lòng tri ân! Gửi đến cô - người cô giáo tuyệt vời - người mẹ kính yêu của lòng của con.
Mã số 2107