Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô

GD&TĐ - Nhiều kinh nghiệm triển khai các hoạt động quốc tế hóa giáo dục đã được chia sẻ trong không khí cởi mở và thắm tình hữu nghị giữa Hiệu trưởng gần 40 trường THPT trên địa bàn Thủ đô và cán bộ giáo dục, các Hiệu trưởng bang Victoria (Australia) tại Hà Nội trong 2 ngày 6 - 7/11.

Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô
Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô ảnh 1Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô ảnh 2Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô ảnh 3Cơ hội rộng mở từ diễn đàn quốc tế hóa giáo dục Thủ đô ảnh 4
Với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục - thực tiễn và các vấn đề”, diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và bà Sue Christophers – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc tế (Bộ Giáo dục & Phát triển trẻ em bang Victoria).

Đây được coi là sự kiện rất quan trọng và đầy ý nghĩa, đánh dấu một sự khởi đầu tốt đẹp cho quan hệ hợp tác của ngành GD&ĐT Hà Nội với Bộ Giáo dục và Phát triển mầm non bang Victoria (Australia), tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác giáo dục cụ thể giữa các trường học của hai thành phố Hà Nội và Victoria.

Rất nhiều nội dung đã được trao đổi, thảo luận, hướng đến quốc tế hóa giáo dục như các mô hình hợp tác, phương thức tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới và giáo dục.

Ngành GD&ĐT Thủ đô cũng đã có kế hoạch hội nhập quốc tế rất cụ thể. Trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác quốc tế. 

Đồng thời, xây dựng nguồn thông tin liên quan đến GD&ĐT của các nước, khai thác các quan hệ quốc tế trong GD&ĐT; chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài để xây dựng các Dự án phù hợp với chiến lược phát triển của giáo dục Thủ đô…

Đặc biệt, thông tin từ nhà quản lý giáo dục bang Victoria, trong đó trọng tâm là hướng đi về quốc tế hóa giáo dục của Bang này thực sự là bài học thực tiễn sinh động cho định hướng triển khai các hoạt động quốc tế hóa giáo dục thành công của ngành Giáo dục Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Ngành GD&ĐT Hà Nội đã và đang tích cực, chủ động triển khai các chương trình công tác nhằm thực hiện đúng những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về phát triển GD&ĐT trong quá trình hội nhập quốc tế, tăng cường động lực, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Trong đó, chương trình tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác với nước ngoài cũng là một trong những kế hoạch trọng tâm của Ngành GD&ĐT Hà Nội.

Khẳng định tầm quan trọng của quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh hiệnn nay, bà Lê Tuệ Minh – Chủ tịch Hệ thống Trường Wellspring Hà Nội - cho rằng: 

Quốc tế hóa giúp tăng cường khả năng tiếng Anh, tiếp cận các chương trình học, cách thức giảng dạy và kiểm tra theo chuẩn quốc tế; tăng cường khả năng giải quyết các vấn đề và kỹ năng thực hành cũng như có nhận thức về các vấn đề toàn cầu để kỹ năng học tập và làm việc tốt hơn.

Về văn hóa - xã hội, quốc tế hóa giúp tăng cường khả năng nhận thức và tự tin, kết nối tới nhiều văn hóa khác nhằm tăng cường sự hiểu biết, cảm thông và chấp nhận sự khác biệt, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, củng cố khả năng lãnh đạo.

Nhân dịp này, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội và đại diện đoàn công tác của Bang Victoria đã cùng ký kết vào biên bản ghi nhớ về quốc tế hóa hợp tác giáo dục giữa hai bên đánh dấu sự thống nhất kết quả của diễn đàn, mở ra những bước phát triển mới về sau trong lĩnh vực ký kết.

Sau thời gian tham gia diễn đàn, đoàn đại biểu hai bên có cơ hội quan sát, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm thực tế tại trường THPT của Hà Nội: Hà Nội- Amsterdam; Việt Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Phan Đình Phùng, Wellspring.

Đúng như mục đích ban đầu, sự kiện này đã thực sự tạo ra một cơ hội, một diễn đàn chính thức để các trường học hai thành phố Hà Nội và bang Victoria được gặp gỡ, trao đổi, thiết lập các mối quan hệ, tiến tới triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể dựa trên nhu cầu hợp tác của từng trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ