Trong thời gian qua, các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế của trung ương và địa phương luôn có nội dung định hướng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đây thật sự là cơ hội của sinh viên tốt nghiệp các ngành nông nghiệp sau năm 2021 để tìm kiếm việc làm phù hợp.
Các chính sách và đề án phát triển nông nghiệp
Theo Quyết định số 179/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ đến năm 2020, mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 là đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ra đời, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn, từ đó sản xuất nông nghiệp đã có những bước chuyển biến tích cực.
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ trương liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy, mà điển hình là sự thành công bước đầu của mô hình “Cánh đồng lớn”.
Với thực tế sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình “Cánh đồng lớn” đang được xem là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mô hình này không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà còn được áp dụng đối với nhiều mô hình sản xuất khác như: mía đường, cà phê, điều, chè, nuôi trồng thủy sản, rau quả an toàn.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 40.000km2 chiếm khoảng 12% diện tích đất cả nước. Sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long, đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.
Một trong những nguyên nhân tạo nên thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long là nhờ người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ.
Để đáp ứng sự phát triển của ngành nông nghiệp thì đào tạo về nhân lực cho lĩnh vực này cũng là một việc làm hết sức cần thiết của các trường đại học.
Riêng đối với tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp đã và đang chuyển dần sang sản xuất quy mô lớn, nhiều cánh đồng liên kết đã hình thành, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch giúp hạ chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Đồng Tháp đã và đang tiến hành lập đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, đề án đang tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của tỉnh.
Nội dung cốt lõi của Đề án này là dựa vào các yếu tố "hợp tác", "liên kết" và "định vị lại sản xuất theo nhu cầu thị trường"; tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, xoài, cá tra, vịt và hoa kiểng, với 2 ngành hàng thuộc sản phẩm chiến lược quốc gia là gạo và cá tra; thí điểm các chính sách mới và đổi mới thể chế, thực hiện các giải pháp như: chính sách đất đai, chính sách thu hút đầu tư tư nhân – hỗ trợ liên kế doanh nghiệp và nông dân, đổi mới thể chế, tăng qui mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác (cánh đồng liên kết); đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút và đào tạo tri thức, xây dựng nông thôn mới, ...
NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp (phải ảnh) nhận Quyết định của Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo ngành Nông học |
Thêm cơ hội cho sinh viên các ngành học về nông nghiệp tại Đồng Tháp
Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định giao cho Trường ĐH Đồng Tháp đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Nông học với mã số: 52620109, bắt đầu từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2017.
Theo chương trình đào tạo, sinh viên theo học ngành này sẽ được cấp bằng Kỹ sư Nông học, với thời gian đào tạo là 4 năm.
Mục tiêu của chương trình là đào tạo người học có kiến thức chuyên môn cơ bản và từng bước chuyên sâu, có năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, có ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc;
Đồng thời, đào tạo cán bộ trình độ đại học có có kiến thức và kỹ năng về nông học, có khả năng làm việc tại các thành phần kinh tế, các cấp chính quyền, các tổ chức và đoàn thể xã hội liên quan đến nông nghiệp, cây trồng, khuyến nông.
Người học sẽ được đào tạo bài bản để đạt được chuẩn đầu ra về: kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Bên cạnh hệ thống kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, liến thức bổ trợ, người học sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn về: quá trình sản xuất cây giống, trồng cây, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản nông sản sau thu hoạch; chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, quản lý dịch hại; sử dụng bền vững đất và hệ thống cây trồng; phát triển nông thôn; quản lý nông trại; quản lý tài nguyên đất và nước; các nguyên lý thực tập, giảng dạy ngoài đồng (lớp học nông dân ngoài đồng, lớp không học chính quy) …
Kỹ sư ngành Nông học có thể công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp như: Ban Nông nghiệp xã, phòng Nông nghiệp quận/huyện, các Sở Nông nghiệp, khoa học công nghệ, các cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật; hoặc tại các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trên cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp (các công ty sản xuất - kinh doanh giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, các dịch vụ kỹ thuật về giống, các công ty sản xuất hoa, nhà vườn…).
Tốt nghiệp ngành Nông học, sinh viên cũng có thể tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường nghề.