(GD&TĐ) - Một buổi tối cách đây 3 ngày, con trai tôi tự nhiên hỏi: “Sáng nay mẹ có coi thời sự trên Truyền hình không? Trẻ em nước Nhật tội nghiệp thật!”. Nó kể cho tôi nghe câu chuyện có một bé 9 tuổi bỏ khẩu phần ăn do một cảnh sát người Nhật gốc Việt cho riêng mình vào thùng cứu trợ rồi lặng lẽ xuống xếp hàng chờ đến lượt mình và một vài câu chuyện cảm động khác.
Tôi thật sự ngạc nhiên: Từ trước đến nay, tôi vẫn lấy làm âu lo vì trong gia đình, con trai tôi là đứa duy nhất dường như lãnh cảm, ít để tâm đến những gì diễn ra hàng ngày. Vậy mà từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3 vừa qua của nước Nhật, nhiều lúc tôi thấy nét mặt con trai tôi đượm vẻ suy tư, thương cảm.
Một em bé 5 tuổi thoát chết trong thảm họa động đất và sóng thần Nhật Bản |
Thế mới biết tác dụng lớn lao của các phương tiện thông tin đại chúng khi truyền phát những cảnh thực, người thực. Người ta không chỉ nhìn thấy ở đó những mất mát, thương đau kinh hoàng của đồng loại, mà còn nhận ra bài học lớn về tấm gương giàu đức hi sinh, nhân ái, bản lĩnh vượt khó đi lên của người Nhật ngay từ tuổi ấu thơ.
Riêng tôi, từ góc độ một nhà giáo, thấm thía thêm về kinh nghiệm giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Thật sai lầm khi ai đó cho rằng, người Việt Nam luôn bảo thủ quan niệm giáo dục của mình. Ngay từ thập niên trước, chúng ta đã lấy nền giáo dục của nước Nhật làm gương khi không còn cho học sinh ra rả học thuộc lòng “Đất nước ta rừng vàng, biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu” đó sao? Rồi khi thiên tai, bão lũ hàng năm diễn ra, các em học sinh ở mọi miền đất nước (chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng cứu trợ) đều thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách đó sao? Không ít những tấm gương học sinh Việt Nam dũng cảm cứu giúp bạn trong nguy khốn mà báo chí, truyền hình cũng đã đưa tin.
Gần đây nhất, tôi được chứng kiến cảnh tượng một học sinh của Trường Tư thục Quang Trung-TP Đà Nẵng bị bệnh nan y phải nằm trên giường bệnh. Hoàn cảnh gia đình em: bố đi xe ôm, mẹ bán hàng rong để nuôi 5 miệng ăn, nhưng gần một năm nay, không một ngày nào em không có bạn bè cùng lớp đến thăm, giúp đỡ, làm các y, bác sĩ ở bệnh viện cũng phải động lòng.
Và hiện tại, ở các ngôi trường trong cả nước đã bắt đầu dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào và trẻ em, học sinh, sinh viên Nhật Bản bị thiệt hại sau thảm họa. Việc nhân rộng những tấm lòng nhân ái, đức hi sinh là việc nên làm, nhưng nên tranh thủ lấy đó làm bài học kinh nghiệm về cách giáo dục đạo đức cho mỗi người từ tuổi thơ, hơn lấy đó làm cơ hội để chỉ trích theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, “mượn gió bẻ măng” của một tờ báo nào đó khi cho rằng, ở nước ta: “Các giáo viên không thể dành thời gian dạy cho các em những điều cần thiết trong việc đối nhân xử thế để cuộc sống tốt đẹp hơn”. Tôi chắc chắn tác giả bài viết này từ lâu đã thoát ly giáo dục, nên mới không biết có một phong trào đầy tính nhân văn và khoa học của ngành giáo dục, đó là “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo chuyển biến rõ nét trong hướng đến 4 trụ cột hình thành nhân cách “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người” mà UNESCO đã đề ra. Cũng khá nhiều tấm gương các nhà quản lý, thầy cô giáo giỏi mà khi đi thực tế ở những ngôi trường trên khắp mọi miền của đất nước, tôi thật sự thán phục họ.
Trở lại câu chuyện riêng về sự chuyển biến trong thái độ, nhận thức của cậu con trai tôi từ sau thảm họa của trẻ em Nhật Bản, tôi vẫn muốn dùng từ “cơ hội” khi rút ra cho mình và cho cả các đồng nghiệp của tôi bài học quý giá về giáo dục nhân cách: nên cho trẻ thơ tiếp cận nhiều hơn với môi trường sống, những câu chuyện chân thực, những bài thực hành về ứng xử hơn là lối dạy thiên về lý thuyết. Nước Nhật đứng đầu về Khoa học và Công nghệ nhưng cũng rất hạn chế cho trẻ chơi các trò chơi trực tuyến, chơi game online ở trên mạng. Học sinh đã đến trường thì việc cốt lõi vẫn là để tiếp thu kiến thức, nhưng trong mỗi bài dạy, rất cần năng lực của từng giáo viên trong việc “tích hợp” giáo dục hành vi đạo đức và ứng xử cho học sinh.
Nguyễn Thị Thúy Hồng