Đây được xem là một cơ hội khởi nghiệp đầy triển vọng đối với các bạn trẻ yêu thích Công nghệ thông tin.
Nhu cầu nhân lực ngày một tăng
Báo cáo về hiện trạng bảo mật mới đây của Symantec cho thấy, Việt Nam đứng vị trí 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet đông nhất trên thế giới và đứng thứ 11 trên toàn cầu về các nguy cơ tấn công mạng. Số lượng các vụ tấn công có chủ đích gia tăng từ 77 cuộc tấn công mỗi ngày lên 82 cuộc tấn công mỗi ngày.
Với thực trạng các hacker đang tung hoành hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải thận trọng hơn về bảo mật thông tin và đầu tư cho lĩnh vực này. Chỉ số an toàn thông tin đang ở dưới mức trung bình, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đang khiến nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành an toàn thông tin bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh cần từ 10.000 đến 15.000 nhân sự CNTT, trong đó, ngành Hệ thống thông tin - An ninh mạng được đặt ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia, an ninh mạng là ngành học liên quan đến cả phần cứng, phần mềm, mạng, nguyên tắc tổ chức thông tin cũng như yếu tố con người. Ngành này yêu cầu sinh viên có tư duy toán học và tư duy hệ thống tốt vì công việc của chuyên gia an toàn thông tin là làm việc trong môi trường số hóa, nhiều công việc liên quan đến việc giải mã và xây dựng các thuật toán phòng thủ hoặc tấn công trong môi trường số. Ngành này hiện mới chỉ có một số ít các trường ĐH, CĐ tổ chức đào tạo, do đó nguồn nhân lực hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu chung của xã hội.
Khuyến khích đào tạo
Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, căn cứ Điều 49 của Luật: Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; Cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin mạng được bố trí, tạo điều kiện làm việc phù hợp với chuyên môn, được ưu tiên bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thông tin mạng; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết với tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức.
Liên quan đến việc cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin mạng, Luật An toàn thông tin mạng cũng quy định: Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin mạng; Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, bộ, ngành có liên quan công nhận văn bằng giáo dục đại học về an toàn thông tin mạng do tổ chức nước ngoài cấp Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, bộ, ngành có liên quan công nhận văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp về an toàn thông tin mạng do tổ chức nước ngoài cấp.