Cơ hội đầu ra quyết định nguồn tuyển đầu vào

GD&TĐ - Kết thúc đợt nộp Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 và làm thủ tục nhập học của những thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đợt 1, thống kê của nhiều trường CĐ cho thấy, có một lượng lớn thí sinh, dù có điểm thi bằng điểm sàn ĐH, vẫn chọn trường CĐ để nhập học. 

Cơ hội đầu ra quyết định nguồn tuyển đầu vào

Thị trường lao động đã tác động lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh và ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp...

Thí sinh quan tâm nhiều hơn đến đầu ra

Em B’Linh Hữu Phước - tân SV Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) trúng tuyển ngành Công nghệ ô tô với số điểm 21,75 điểm. Trong số 4 nguyện vọng của đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ 2016, ưu tiên số một của Hữu Phước là được vào học Trường CĐ Công nghệ, sau nữa mới đến Trường ĐH Bách khoa.

Theo như giải thích của em, “chọn theo học sửa chữa ô tô tại Trường CĐ Công nghệ vì theo như em tìm hiểu thì sẽ có điều kiện để học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển dụng lao động, thời gian học cũng ngắn hơn”.

Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến năm nay, Trường CĐ Công nghệ phải mở 5 lớp cho ngành Công nghệ ô tô thay vì 2 lớp như dự kiến ban đầu do số lượng thí sinh đăng ký học tăng đột biến.

Theo thống kê của Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), trong số 1.012 thí sinh nhập học đợt 1 theo hình thức tuyển sinh sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì, có 184 thí sinh có mức điểm từ 18 điểm trở lên, chiếm 18,2%; nếu tính mức điểm từ 15 điểm trở lên có 624 em, chiếm 61,6%.

Điểm thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học bình quân của Trường CĐ Công nghệ là 15,75 điểm, chưa tính điểm ưu tiên. Ngay trong đợt 1 của đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, số thí sinh xác nhận nhập học của Trường CĐ Công nghệ đạt 65% so với chỉ tiêu tuyển sinh. PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Đây là con số rất đáng trân trọng trong bối cảnh nhiều trường ĐH không đủ chỉ tiêu tuyển sinh như hiện nay”.

Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng có 539 thí sinh trong tổng số 1.009 thí sinh có tổng điểm 3 môn của Kỳ thi THPT quốc gia theo tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên, chưa tính điểm ưu tiên.

Không chỉ chọn theo học trường CĐ, nhiều thí sinh còn có xu hướng chọn các khóa đào tạo nghề ngắn hạn để học. Bà Trần Uyên Giang – Trung tâm Đào tạo nghề Reach Đà Nẵng cho biết: Hai năm trở lại đây, năm nào cũng có những học viên tuy đã đỗ ĐH, CĐ nhưng vẫn chọn theo học tại trung tâm: “Học phí thấp, thời gian thực hành nhiều và cơ hội tìm kiếm việc làm cao với mức thu nhập ổn định… là những ưu điểm khiến đào tạo nghề ngắn hạn trở thành xu thế nghề nghiệp mới.

Các học viên theo học tại REACH Đà Nẵng đều được giới thiệu việc làm, tỉ lệ có việc làm của mỗi khóa học đảm bảo từ 85 - 90%”. Hiện Trung tâm REACH Đà Nẵng đang triển khai đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên “yếu thế”, tập trung vào các ngành nghề: Nghiệp vụ buồng - phòng, nghiệp vụ bàn - bar, thiết kế đồ họa. Đây cũng là các nghề chủ yếu thị trường lao động của thành phố đang thiếu, nhất là lao động có tay nghề, doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường

Thầy Nguyễn Ngọc Lành – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Công nghệ - cho biết: “Trong tư vấn tuyển sinh chuyên sâu tại các trường THPT cũng như tư vấn trực tuyến, nhà trường chú trọng phân tích cho thí sinh thấy những ngành mà thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng cao như Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt, Công nghệ Hóa học, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - truyền thông, Hệ thống Thông tin quản lý…

Nhà trường thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng lao động, thực tập sinh của các doanh nghiệp với nhu cầu tương đối lớn nhưng chưa khi nào trường có đủ số lượng SV để giới thiệu. Sự kiên trì trong tư vấn tuyển sinh chuyên sâu đã ít nhiều có kết quả khả quan, năm nay số lượng SV đăng ký ngành Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt đủ để mở 2 lớp”.

Theo như thầy Nguyễn Ngọc Lành thì có một yếu tố trong tư vấn tuyển sinh mà các trường chưa mấy khi để ý đến, đó là “khóa trước mách nước cho khóa sau”: “Nếu những SV khóa trước sớm có việc làm, tỉ lệ có việc làm cao thì việc tuyển sinh của những khóa sau rất thuận lợi”.

Thị trường lao động đã tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết: “Các ngành có thương hiệu, thị trường có nhu cầu tuyển dụng lớn thường tuyển đủ dù tỉ lệ gọi dự phòng không nhiều. Rõ ràng, thị trường lao động đã có tác động lớn đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh và thông qua đó sẽ tác động đến công tác đào tạo của trường.

Ví dụ rõ nhất là vài năm trở lại đây ngành Tài chính ngân hàng, Tàu thủy… tuyển sinh khó khăn, trong khi ngành Cơ khí, Công nghệ ô tô… thì ngay cả bậc CĐ cũng rất được nhiều thí sinh chọn lựa”.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cho biết: “Chúng tôi chủ trương chuyển từ đào tạo cái mình có sẵn sang đào tạo những gì thị trường lao động cần. Nhà trường phải phân tích tình hình cũng như tự tìm hiểu thông tin về dự báo nguồn nhân lực để có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh như là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học, Trường CĐ Công nghệ còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế.

Các cuộc thi kỹ năng thực hành, thí nghiệm cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên như là một cách để gắn kết lý thuyết với thực hành, ứng dụng”.

GS.TS Trần Văn Nam khẳng định: “Việc kiểm định độc lập cơ sở giáo dục đại học, xếp hạng, phân tầng đại học, năng lực giảng viên, bao gồm cả giảng dạy và nghiên cứu, cơ sở vật chất và tỉ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp - thực chất - sẽ quyết định tất cả”. Tạo dựng thương hiệu trong đào tạo để cải thiện chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết tốt đầu ra cho SV là cách làm bền vững nhất trong thu hút tuyển sinh ĐH, CĐ mà các cơ sở đào tạo cần hướng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ