Phương Anh xinh xắn, đáng yêu |
Ông trời có nghe con nói không hả mẹ?
Năm 1996, Nguyễn Phương Anh cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng, chào đón của ông bà, cha mẹ. Cô bé xinh xắn, đôi mắt to tròn, trông rất đáng yêu. Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được lâu, thì gia đình được bác sĩ thông báo “Phương Anh bị gẫy xương đùi trái”.
Ngỡ rằng do sơ xuất của y tá, hộ lí bệnh viện, gia đình than trách rồi vội vàng đưa em đi bệnh viện Việt Đức bó bột. Sau đó 50 ngày, Phương Anh lại gẫy xương đùi. Từ đó về sau cứ trung bình 2 tháng, em gẫy xương một lần. Chỉ cần những cử động đơn giản như nhoài người, lẫy, với … cũng có thể làm em gẫy xương. Lúc này mọi người trong gia đình lờ mờ nhận ra rằng có thể Phương Anh đang mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng nào đó.
Tình thương yêu vô bờ dành cho cô con gái bé bỏng tội nghiệp đã thôi thúc bố mẹ Phương Anh đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa trị cho con. Cứ ai mách ở đâu, có bác sĩ giỏi điều trị về xương là cả gia đình lại rồng rắn dẫn nhau đưa Phương Anh đi khám. Nhưng gần 2 năm trời, không phát hiện ra bệnh của Phương Anh.
Năm 1998, Phương anh được xác định mắc bệnh “Xương cốt không hoàn bị”. Đó là một căn bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam. Trên thế giới cứ 30.000 người lại có một người mắc căn bệnh này. Còn ở Việt Nam đã có 100 cháu mắc căn bệnh lạ này.
Mang trong mình căn bệnh quái ác, sự đau đớn gần như buộc chặt lấy Phương Anh từ khi em cất tiếng khóc chào đời. Tính đến bây giờ Phương Anh đã trải qua gần 30 lần phẫu thuật xương đùi bị gẫy nhiều nên teo lại như đùi ếch. Để có thời gian và tiện cho việc chăm sóc cô con gái bé bỏng của mình, bố mẹ Phương Anh phải chia nhau nghỉ việc.
Chị Đào Thị Thục Anh (mẹ của Phương Anh), tâm sự: “Vì phải sống chung với bệnh tật, nên tâm sinh lí của cháu có nhiều thay đổi. Với cháu điều cần nhất lúc này là tình yêu thương. Cháu không có khả năng tự đi lại. Từ cách bế, đến cách chăm sóc con, chúng tôi đều hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng. Vì chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể làm cho con gẫy xương. Nhiều lần bế con lên cầu thang bị trượt chân ngã, tôi phải ôm chặt con vào lòng để tránh va chạm cho cháu. Còn tôi sao cũng được. Bao vất vả, bao tủi cực, tôi chỉ biết khóc thầm một mình. Vì nếu tôi gục ngã, cháu sẽ mất chỗ tựa”.
Nhưng Phương Anh nhạy cảm và rất yêu mẹ. Càng yêu mẹ, em càng trở nên lạc quan, yêu đời. Nhiều lần mẹ vắng nhà hoặc bận, Phương Anh tự sắp xếp những chiếc ghế thành từng hàng như đoàn tầu để bò, lết vào nhà tắm tự gội đầu. Phương Anh, nói: “Mẹ rồi sẽ già, không thể lo mãi cho em được nên em phải tự học cách chăm sóc cho mình”.
Chị Thục Anh, kể: “Có lần cháu viết thư để dưới gối cho tôi. Trong thư cháu viết “Mẹ ơi con yêu mẹ lắm! mẹ có mệt không?”. Đọc thư con, tôi có cảm giác tim mình nhói đau như bị ai bóp nghẹt. Tôi không dám khóc, chỉ có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của con qua từng ánh mắt, từng tiếng khóc, từng cái nhíu mày. Tôi ôm ghì con vào lòng, mong con truyền cho mình thêm sức mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thấy vậy, Phương Anh đã khóc, rồi nói: “Mẹ ơi, ông trời có nghe con nói không hả mẹ”.
Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần, là tình yêu thương to lớn giúp Phương Anh vững bước trên con đường chinh phục căn bệnh hiểm nghèo, thực hiện ước mơ |
Ước gì tớ được như bạn
Mặc dù bệnh tật nhưng Phương Anh ham học hỏi và học rất giỏi. Suốt từ năm lớp 1 đến nay, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Phương Anh học tập rất có kế hoạch và kỉ luật, góc tập của em sách vở luôn được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Em lên kế hoạch học tập cụ thể cho từng ngày, từng tuần và từng tháng.
Chị Thục Anh kể: “Khi cháu đủ tuổi đi học, tôi sợ cháu bệnh tật nên không dám cho cháu ra nhập học. Phương Anh nằng nặc đòi đến lớp. Thương con, tôi đã đến trường tiểu học Trần Quốc Toản xin nhà trường giúp đỡ, nhận cháu vào học”.
Cảm động trước khát khao được đến trường và nghị lực phi thường của Phương Anh, trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã đồng ý nhận em vào lớp. Hàng ngày, Phương Anh đến trường trên đôi tay của mẹ. Phương Anh, tâm sự: “Hàng ngày mẹ phải bế em đến trường, đưa em vào tận lớp, ngày nắng cũng như ngày mưa. Mẹ rất mệt, nhưng chưa bao giờ, mẹ bắt em bỏ học. Bố mẹ mong em học thật giỏi để có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình”.
Năm nay, Phương Anh đã tốt nghiệp lớp 9, nhưng em chỉ cao chưa đầy 1 mét, nặng hơn 20 kg. Nhờ sự tận tuỵ chăm sóc của các thầy cô giáo, sự quan tâm của bạn bè và gia đình, Phương Anh luôn lạc quan và đầy nghị lực. Ở trường, Phương Anh được thầy yêu bạn quý, trở thành tấm gương sáng để các bạn học tập.
Cô Nguyễn Kiều Duyên, Phó hiệu trưởng trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết: “Ở trường Phương Anh phát triển rất tốt, ngoan và có ý thức vươn lên. Tuy khó khăn về sức khoẻ nhưng em rất tự tin trong học tập. Vì vậy, em luôn là tấm gương của các bạn ở trường”. Với thành tích học tập đáng nể (9 năm liền là học sinh giỏi), Phương Anh còn là học sinh có năng khiếu kể chuyện, ca hát của trường. Hiện em đang là cộng tác viên thường xuyên cho chuyên mục kể chuyện của chương trình thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phương Anh được biểu dương là Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm học 2009-2010, Phương Anh được chọn là học sinh tiêu biểu Thủ Đô, được Chủ Tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen “Vượt khó tích cực tham gia hoạt động xã hội”. Là một trong 2 gương mặt tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm nhận cúp lưu niệm “Cháu ngoan Bác Hồ, Chủ nhân Thăng Long – Hà Nội”… Công ty Cổ phần Sữa Việt Mỹ đã trao học bổng “Kappi cùng em đến trường” để động viên em.
Chỉ có tình yêu thương vô bờ của cha mẹ với cô con gái bé bỏng, sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ hết lòng của Nhà trường, sự xẻ chia, đồng cảm của bạn bè, người thân và đặc biệt hơn nữa chính là nghị lực vươn lên phi thường của Phương Anh đã giúp em vượt lên căn bệnh quái ác, cống hiến sức lực của mình cho cộng đồng và trở thành chủ nhân của mảnh đất Thăng Long 1000 năm văn hiến.
Cao Hòa