Cô học trò nghèo chăm ngoan học giỏi

Cô học trò nghèo chăm ngoan học giỏi

(GD&TĐ) - Có lẽ không còn ai trong ngôi trường THCS xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu này lại không biết đến và không thương cảm cho tuổi thơ thiệt thòi của em Lò Thị Pản học sinh lớp 9A. Cho đến bây giờ, em vẫn không biết được bố mẹ đẻ của mình là ai? Bù lại, em có một sự may mắn đó là có được cha mẹ nuôi. Em được chăm sóc, dạy dỗ như con đẻ.

Tưởng như số phận đã cho em một mái ấm gia đình trọn vẹn, vậy mà trớ trêu thay, khi em được 8 tuổi thì cha nuôi em mãi mãi ra đi trong một vụ tai nạn xe máy. Mẹ nuôi em cũng bị gẫy tay trong vụ tai nạn ấy. Thế mà từ đó gánh nặng gia đình lại đè cả lên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ đã nuôi em khôn lớn, được học hành như chúng bạn cùng trang lứa.

Góc học tập của em
Góc học tập của em Lò Thị Pản

“...Đến trường, đến lớp, em được thầy cô hết lòng thương yêu, dạy dỗ. Bên cạnh đó em cũng nhận được sự thân ái, sẻ chia của bạn bè. Quả thật trường học là cái nôi thứ hai nuôi dưỡng em khôn lớn, trưởng thành. Cũng như với cha mẹ nuôi, em chưa một lần thốt lên được lời cám ơn với thầy cô, với bạn bè về sự yêu thương, chăm sóc và thông cảm đó. Tất cả, tất cả cứ chất chứa trong lòng em và nó như một động lực thôi thúc em phải học tập, rèn luyện thật tốt để đền đáp những tấm lòng và công lao trời biển đó..."

Đó là bài phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua học tốt của em Lò Thị Pản - học sinh lớp 9A, Trường THCS xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Thấy tôi tỏ ý quan tâm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Tú cho biết:" Pản là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng rất ngoan, lại học giỏi toàn diện."

Sau đó một tháng, tôi cùng thầy Tú đến thăm nhà Pản tại bản Pắc Ta. Như nhiều bản Thái khác, bản Pắc Ta của Pản cũng nằm bên bờ suối. Con suối Pắc Ta mùa này ít nước, đá cuội lớn bé thi nhau phơi mình dưới nắng thu vàng nhạt. Nhà Pản ở cuối bản, tận sát chân núi. Đó là một ngôi nhà sàn nhỏ làm theo lối truyền thống của người Thái, đã được lợp ngói xi măng.

Pản đi chăn trâu chưa về. Ở nhà chỉ có mẹ nuôi và dượng nuôi của Pản,(Sau khi bố nuôi của Pản qua đời, mẹ nuôi của em đã đi bước nữa) và hai cậu em nhỏ, đứa bé 2 tuổi và đứa lớn 4 tuổi. Cả nhà đang bị cúm, ai cũng khật khừ.

Cả gia đình làm nghề nông, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài con trâu 2 tuổi và vài con lợn chỗn. Giúp đỡ gia đình bây giờ là trách nhiệm không thể thay thế của Pản. Sáng đi học, chiều dắt trâu đi chăn, lấy rau lợn, lấy củi, làm ruộng, trông em...Pản không nề hà. 

Em Pản giúp đỡ gia đình
Em Pản giúp đỡ gia đình

Tôi tranh thủ quan sát việc bài trí ngôi nhà và dừng mắt ở những tờ giấy khen. Quanh khu vực tiếp khách dán cả thảy 15 giấy khen thì hai tấm của anh Xương, còn lại 13 tấm là của Pản. Từ năm học lớp một, Pản đã là học sinh giỏi. Năm học nào em cũng được nhận giấy khen của các cấp về thành tích học tập và hoạt động Đội. Tấm giấy khen của giám đốc sở GD & ĐT Lai Châu được lồng khung kính, với nội dung "Có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua ngành GD & ĐT giai đoạn 2005 - 2010". Thầy Tú chỉ cho tôi tấm giấy khen " Học sinh giỏi toàn diện năm học 2009 - 2010" được Pản lồng trong khung kính của một chiếc đồng hồ điện tử bị hỏng, treo ở vị trí trang trọng nhất.

Pản đã lùa trâu về. Cô bé 14 tuổi mà đã phổng phao, rắn rỏi và nhanh nhẹn. Vai đeo ớp, tay cầm dao, tay dắt trâu, Pản tươi tắn chào hỏi chúng tôi rồi buộc trâu vào gầm sàn. Chúng tôi được biết, chiều nay em vừa thả trâu vừa tranh thủ phát cỏ bờ ruộng lúa và còn lấy cả rau lợn.

Xong việc, Pản mau mắn lên nhà rót nước mời chúng tôi. Qua giao tiếp, tôi được biết thêm một bé Pản nết na, nói năng lễ độ.

Thầy Tú động viên:" Năm học vừa qua em đã đạt giải khuyến khích học sinh giỏi môn văn cấp huyện. Năm học này, nhà trường hi vọng em sẽ có tên trong đội tuyển học sinh giỏi Văn cấp Tỉnh, em cố gắng nhé!

- Thưa thầy! Em sẽ cố gắng ạ!- Pản bẽn lẽn đáp.

Khi tôi hỏi: Học xong lớp 9, cháu sẽ làm gì? Pản trả lời ngay:

- Dạ ! Cháu sẽ tiếp tục học lên cấp ba chú ạ ! Cháu mơ ước mai sau sẽ trở thành bác sĩ để được chăm sóc sức khoẻ cho người thân và đồng bào các dân tộc địa phương mình.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Tú còn cho biết thêm:"Từ những nỗ lực, cố gắng trong học tập, từ đức tính ngoan hiền mà Pản luôn được thầy cô quý mến, bạn bè tin yêu. Pản thường xuyên nhận được học bổng của ngành Giáo dục và các nhà tài trợ dành cho học sinh nghèo vượt khó.

Chỉ chừng ấy thời gian tiếp xúc, tôi đã cảm nhận được chân dung một học sinh đầy tự tin, xứng đáng với câu:"Con ngoan - trò giỏi". Một tấm gương sáng biết tự mình vượt qua số phận để khôn lớn nên người.

Tương lai còn ở phía trước. Để học hết THPT, rồi những năm chuyên nghiệp và trở thành bác sĩ, với Pản là muôn vàn thử thách. Nhưng với những đức tính tốt đẹp vốn có và quyết tâm cùng lòng khát khao cháy bỏng, tôi tin rằng Pản sẽ thành công.

Phạm Hoàng