Cô hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm

Cô hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm

Rèn kỹ năng cho trò với nhiều tiết học mới lạ

Từng là cựu học sinh của trường, rồi trở thành giáo viên, Phó hiệu trưởng và nay với cương vị Hiệu trưởng, cô Vũ Thị Ngọc Dung đã dành trọn tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người của nhà trường. Cô chia sẻ, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, là những thế hệ học trò khác nhau, đòi hỏi nhà trường phải có định hướng, mục tiêu riêng, trong đó vai trò của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng.

Theo cô, ngày nay, học sinh có cuộc sống khá đầy đủ về vật chất, được tiếp cận với sự phát triển của công nghệ, các em sáng tạo, thông minh, năng động nhưng khi hỏi về những kỹ năng cơ bản, một số em gần như không biết gì. Cô kể: Nhiều lần tiếp xúc với học trò, có em bảo “từ bé đến lớn con chưa bật bếp gas lên để nấu. Cô ơi con không biết gấp chăn màn. Con gần như chưa phải rửa rau, chế biến thịt cá…”.Những câu nói thật thà của trò khiến nữ hiệu trưởng trăn trở. “Dám nghĩ, dám làm”, năm học 2017 - 2018, trong cuộc họp với phụ huynh đầu năm, cô hiệu trưởng đã xin ý kiến và quyết tâm đưa tiết học Nấu ăn vào thời khóa biểu cho học sinh khối 12 của trường. Chương trình học được nhà trường phân công cho tổ Công nghệ soạn thảo.

Cụ thể, các em có 13 tuần để học, trong đó 3 tuần học lý thuyết và thời gian còn lại sẽ thực hành. Bài học đầu tiên khi “nhập môn nấu ăn” là kỹ năng sử dụng bếp, cách xử lý khi gặp sự cố. Tiếp theo, học sinh sẽ học cách chọn thực phẩm, bảo quản và sơ chế thực phẩm, những mẹo hay nhà bếp. Học xong phần lý thuyết, các em sẽ thực hành nhiều món ăn đơn giản như các món ăn gỏi, tôm chiên, súp, chả giò, chè…

Không dừng lại ở đó, bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2018 - 2019, Trường THPT Bùi Thị Xuân tiếp tục tạo bất ngờ cho học sinh khi đưa môn Yoga vào thời khóa biểu của khối 12. Cô Ngọc Dung chia sẻ: Khi đưa môn nấu ăn rồi Yoga cho học sinh khối 12 học, một số phụ huynh ban đầu cũng lo lắng, băn khoăn bởi theo họ “khối 12 rồi, phải dành thời gian tập trung ôn tập cho các em thi THPT”. Nhưng qua quá trình thực hiện, các em rất thích thú, hào hứng tham gia nên phụ huynh yên tâm và ủng hộ.

“Học sinh cuối cấp, học tập căng thẳng, nhiều gia đình lại đặt kỳ vọng vào con cái rất lớn, nên không ít em… stress, vì vậy học mỗi tuần 2 tiết Yoga sẽ giúp các em biết cách thư giãn, giảm căng thẳng mệt mỏi… Ngoài ra, nó còn giúp cải thiện sức khỏe, giúp các em học cách kiềm chế cảm xúc”, cô Dung lý giải.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong tiết học nấu ăn. Ảnh: NVCC
 Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân trong tiết học nấu ăn. Ảnh: NVCC 

Góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh

Cô Ngọc Dung chia sẻ: Làm công tác quản lý, bản thân cô không đặt nặng những tấm giấy khen, những giải này, giải kia của trò… mà chỉ mong các em có 3 năm học thật thú vị, nhiều kỷ niệm đẹp với mái trường. Các con được học về tri thức, trải nghiệm, rèn kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn để trưởng thành, tiến bộ, trở thành những công dân tốt.

Chính vì vậy, cô cùng với ban giám hiệu nhà trường chủ động tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để mang đến cho học trò những tiết học vui, hiệu quả, những giờ chơi bổ ích. Cô cũng lên ý tưởng cho các tổ chuyên môn để vừa kết hợp việc giáo dục kiến thức vừa giáo dục kỹ năng, tăng sự trải nghiệm cho học sinh. Đơn cử như, thời điểm các em học môn GD Quốc phòng - An ninh, nhà trường phối hợp với Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 (tỉnh Đồng Nai) để cho các nam sinh tham gia trải nghiệm cuộc sống quân ngũ trong 3 ngày.

Bên cạnh học tập kiến thức liên quan đến bộ môn, hiểu được cuộc sống của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, các em đã học được việc chấp hành giờ giấc, lao động, chăm sóc vườn rau, cách gấp chăn mền ngay ngắn đúng “chuẩn”, tác phong đi đứng, quần áo chỉnh tề…

Học sinh của nhà trường cũng có nhiều buổi trải nghiệm hướng nghiệp đi đến các trường ĐH, nhà máy… Ở các tổ bộ môn đều có những ngày hội trải nghiệm, ngoại khóa với các chuyên đề hấp dẫn, thu hút sự tham gia của học trò. Trong nhà trường, rất nhiều CLB học thuật, năng khiếu cho học sinh được thành lập và sinh hoạt có hiệu quả.

Từ học kỳ II năm học 2019 – 2020, trường đưa chuyên đề Văn hóa vào thời khóa biểu của khối 10, 11. Nội dung gồm văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Trong đó văn hóa truyền thống thể hiện ở các nội dung như văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, văn hóa ẩm thực, trang phục, thưởng thức nghệ thuật dân tộc. Văn hóa hiện đại gồm các nội dung: Văn hóa giao tiếp ứng xử ngoài xã hội, ứng xử với môi trường, bản thân, thưởng thức nghệ thuật đương đại...

Theo cô Ngọc Dung, giáo dục toàn diện cho trò, không chỉ dừng lại ở kiến thức, kỹ năng, mà vấn đề giá trị văn hóa truyền thống xưa và nay cũng được nhà trường trăn trở từ lâu. Khi các em hiểu và cảm nhận được những giá trị này sẽ có những hành vi ứng xử văn hóa, văn minh.

Những kiến thức sẽ là hành trang cho học sinh hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em để trở thành những người có tri thức, đạo đức, lối sống đẹp, trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm như triết lý giáo dục của chúng tôi.
                                                                        Cô Vũ Thị Ngọc Dung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ