(GD&TĐ) - Tại điểm thi Trường THCS Hưng Bình (thành phố Vinh, Nghệ An), thí sinh và giám thị khá bất ngờ trước một thí sinh tóc đã điểm bạc bước vào phòng thi. Đó là thí sinh Nguyễn Thị Phong (Phong Thịnh, Thanh Chương), cán bộ hưu trí, dự thi vào Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Nhận được thông tin về thí sinh đặc biệt này, cả buổi sáng chúng tôi trực chốt trước cổng trường thi để được “diện kiến” phụ nữ gần 60 tuổi vẫn đi thi vào đại học. Mãi đến phút chót, sau tiếng trống thu bài khoảng 10 phút mới thấy chị từ cổng trường thi đi ra.
Thí sinh Nguyễn Thị Phong, sinh năm 1956 (áo kẻ sọc, ngồi) cùng các tình nguyện viên tại điểm thi Trường THCS Hưng Bình. |
Sinh năm 1956 trong một gia đình hiếu học ở Thanh Chương (Nghệ An), ông nội của chị là thầy đồ, bố là quân y sĩ. Học hết phổ thông, chị đậu vào Trường Đại học Thủy sản, nhưng rồi bị thất lạc giấy báo nên không thể nhập học.
Sau đó, chị lên làm công nhân cho Nông trường 3/2 Quỳ Hợp (Nghệ An). Từ đây chị đi học trung cấp kế toán và về làm kế toán cho Nông trường. Quãng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, vì hoàn cảnh gia đình, chị vào Đắc Lắc sinh sống.
Người con trai duy nhất của chị là Nguyễn Tử Ngọc Anh học rất giỏi, là học sinh giỏi quốc gia năm lớp 9 và lớp 12, thủ khoa Trường THPT Chuyên Thăng Long, tốt nghiệp đại học luật và hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Một mình nơi đất khách bươn chải nuôi con khôn lớn, nhưng lúc nào chị cũng đau đáu một ngày mình sẽ được ngồi trên ghế giảng đường đại học - ước mơ của tuổi 20 vẫn chưa bao giờ tắt. Sau một năm nghỉ hưu, chăm cháu nội thứ hai đã cứng cáp, chị làm hồ sơ thi vào đại học. Con trai và con dâu khá bất ngờ nhưng không ngăn cản, mà còn động viên mẹ cố gắng dự thi.
Không có thời gian ôn luyện nhiều, chỉ ôn bằng các bộ đề con dâu gửi về, nhưng chị rất tự tin vào vốn hiểu biết của mình. “Thật lòng cũng chỉ muốn dự thi để thử sức thôi, một phần là muốn được thực hiện ước mơ dang dở thời thanh niên, phần nữa xem kiến thức của mình có bị tụt hậu hay không. Trong môn thi Ngữ văn sáng nay, tôi rất tự tin với câu 2, câu đòi hỏi vốn sống thực tế và sự trải nghiệm. Tôi tự chấm cho mình khoảng 6 điểm. Tôi đặt nhiều hi vọng vào môn Lịch sử, bởi đây là môn sở trường, tôi ham thích lịch sử từ nhỏ, tìm hiểu lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại”.
Chị cho biết, nếu may mắn đậu đại học, chị sẽ khăn gói ra Hà Nội theo học, bởi đó là ước nguyện cuối cùng của chị. “Đã hưu trí, học thêm cũng không phải vì mục đích tăng lương, nâng bậc, nâng cấp gì. Chỉ là muốn thử sức mình, làm gương cho các cháu mà thôi”.
Vượt qua tuổi tác, niềm đam mê theo đuổi ước mơ vào đại họccủa chị đã trở thành động lực cho các thí sinh khác noi theo. Em Nguyễn Xuân Huy, thí sinh cùng phòng thi với chị cho biết: “Em thật sự cảm phục bác Phong, phục sự tự tin, ý chí và dám theo đuổi ước mơ đến cùng của bác”.
Đức Phúc