Cô giáo vùng lũ

GD&TĐ - Trường cấp II của tôi vốn nằm ở mảnh đất cao ráo, quanh năm nước lũ không tràn được vào nhưng con đường đến trường của những học sinh nghèo như chúng tôi lại là một vấn đề khác. 

Cô giáo vùng lũ

Năm ấy, con đường tôi đi học có những khúc nước lũ dâng lên quá đầu gối. Những đoạn đường cạn nước, đất cằn và sỏi đá sắc nhọn nhô lên, rác thải bị lũ cuốn đến lổn nhổn khắp mặt đường; còn đoạn nào thấp hơn thì nước dâng dập dềnh như muốn nuốt chửng người qua đường.

Ngày ấy vào những buổi sáng sớm, tôi bảo bố chèo thuyền theo đường sông đưa em trai tới lớp vì trường em tôi và trường tôi ngược đường nhau, còn tôi và Yến - đứa bạn thân gần nhà, sẽ tự lội nước hoặc xin nhờ thuyền người khác để đi, bởi chúng tôi chắc mẩm mực nước ấy vẫn có thể lội được.

Kết quả, ngày đầu tiên trong mùa bão năm đó, hai đứa tôi đến lớp trễ. Cô Hường – cô chủ nhiệm lớp tôi mới chuyển từ trường khác về chưa được bao lâu nhưng học sinh của cả trường đều đã biết cô nổi tiếng là người hết sức nghiêm khắc với học trò. Vậy nên, chúng tôi đứng trước cửa lớp, lí nhí xin cô giáo cho vào học đồng thời chuẩn bị xong tinh thần để nghe mắng.

Thế nhưng lúc nhìn thấy chúng tôi, cô giáo ngừng giảng bài, ánh mắt dừng lại vài giây ở những chiếc ống quần ướt sũng nước dù đã xắn lên tận đầu gối của học trò, đôi mắt cô bất chợt đỏ hoe, rồi tôi chỉ nghe thấy một giọng nói nhẹ nhàng, hình như có cả thanh âm hơi run run xúc động: “Vào lớp đi hai đứa”.

Đến cuối buổi trưa, vì chiều học thêm nên tôi và Yến quyết định ở lại phòng học để tránh bị trễ như lúc sáng. Chúng tôi mua hai chiếc bánh mỳ ăn trừ bữa. Cô giáo chủ nhiệm về qua thấy cửa phòng mở nên dừng lại hỏi:

- Hiền, Yến, các em không về nhà à?

- Dạ, nước lũ to quá, nhà em lại chỉ có một chiếc thuyền mà bố em chở em trai rồi nên tối bọn em về luôn cho đỡ chiều đi muộn giờ ạ.

- Đường đi học chỗ hai đứa nước cao lắm không?

- Dạ, vẫn lội được cô ạ!

- Ừ, ngày mai đi muộn một tí cũng được, không sao đâu, nhớ là phải cẩn thận, không được vội!

- Dạ, vâng ạ!

Buổi trưa ngày hôm sau, nước vẫn chưa rút, do đó lịch trình của chúng tôi lại tiếp diễn như thế. Đầu giờ trưa, cô giáo chủ nhiệm tới chỗ chúng tôi. Lần này, cô xách hai cặp lồng cơm đầy ắp thức ăn ngon, cô đưa cho hai đứa tôi mỗi đứa một cái:

“Sáng cô nấu cơm nên nấu cho hai đứa luôn, gắng ăn uống đầy đủ, ăn bánh mỳ không có sức học mô. Quê mình nghèo lại thường lũ lụt khiến các em không có điều kiện học hành như học sinh các miền khác nhưng thấy các em chăm chỉ như vậy, cô vui lắm”.

Chúng tôi biết ơn nhận lấy hai phần cơm rồi vừa vui vẻ ăn bữa trưa vừa trò chuyện cởi mở với cô. Hôm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được, cô chủ nhiệm nghiêm khắc chỉ vì mong chúng tôi sẽ cố gắng hơn và thực ra trong tâm cô luôn quan tâm, lo lắng cho từng đứa học trò của mình.

Hoàn cảnh, sự khó khăn của mỗi bạn trong lớp cô đều nắm tường tận, dù cho cô mới về lớp tôi chưa được bao lâu. Đối với cả tôi và Yến, đó có lẽ là bữa trưa ngon nhất trong cuộc đời hai chúng tôi.

Thời tiết không thương người, cuối buổi học hôm ấy, trời lại đổ mưa xối xả. Có mấy cô chú phụ huynh đến đón con thông báo là đường về nhà tôi nước dâng tận thắt lưng rồi. Và tôi nhớ mãi giờ tan trường ngày đó, bố mẹ chúng tôi không đến đón được nên cô giáo nhất quyết đưa chúng tôi về nhà.

Đường trơn trượt, chúng tôi phải tháo dép ra, ngón chân cố bấm vào mặt đường để đi không bị ngã. Đoạn cạn nước, cô giáo đi trước, nhặt vứt rác và cành cây gãy sang hai bên cho chúng tôi. Đến đoạn nước cao, cô bảo chúng tôi lên lưng để cô cõng qua.

Thực ra cô giáo tôi dáng người không tính là cao, hơi gầy gầy, đôi chân và đôi tay khẳng khiu. Hai đứa chúng tôi nói là tự đi được nhưng cô bảo nhỏ tuổi lội nước sâu rất nguy hiểm. Thế nên từng đứa một được cô cõng qua dòng nước xiết.

Trong khi tôi đang dựa vào tấm lưng gầy gò ấy, đôi chân cô giáo phải mò mẫm từng bước chống chếnh trong con nước to dữ dằn nhưng đôi tay vẫn cố giữ chặt lấy học trò trên lưng mình, kiên quyết không để cho tôi gặp phải chút nguy hiểm nào.

Khoảnh khắc ấy, nước mắt tôi đã thấm ướt một mảng áo trên lưng cô và trong lòng tôi thầm quyết tâm nhất định phải chăm chỉ học tập để xứng đáng với tấm lòng của cô giáo.

Thế rồi năm đó, tôi thi đỗ vào trường chuyên cấp III của tỉnh. Sau này, mỗi khi gặp khó khăn, muốn bỏ cuộc, từng lời dạy và hình ảnh tận tụy của cô chủ nhiệm lớp 9 luôn là động lực thôi thúc tôi vượt qua và bước tiếp. Tôi từng bước tốt nghiệp cấp III, cầm trong tay tấm bằng đại học loại ưu và có được công việc nhiều người mơ ước.

Ngày hôm nay, một loạt hình ảnh như cuốn phim quay chậm chợt xuất hiện trước mắt tôi. Có lẽ cô sẽ rất vui khi biết học trò của cô đang làm công việc thiện nguyện và chắc hẳn ở một phương trời khác, người giáo viên đầy tâm huyết ấy cũng vẫn đang miệt mài giúp đỡ từng đứa học sinh của mình chống chọi với bão lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ