Cô giáo và nhóm bạn năm người của tôi

GD&TĐ - Anh Hồng ơi, cô Quỳnh mất rồi. Sáu giờ chiều nay an táng. Nhóm năm người tụi mình thì không thể nào vắng mặt được nhen.  

Cô giáo và nhóm bạn năm người của tôi

Đó là cú điện thoại gấp gáp tôi nhận được của chị Đẹp, một người bạn học cũ.

Tôi hết sức bàng hoàng. Mới tuần rồi về quê, chúng tôi đến thăm, cô Quỳnh còn cười nói rộn ràng, còn lăng xăng hỏi thăm từng đứa kia mà!

Tôi nhẩm tính và lo lắng: “Chỉ còn tám tiếng đồng hồ nữa thôi là an táng cô Quỳnh, liệu mình có về kịp không?”.

Năm người mà chị Đẹp nói đó là chị, tôi, anh Các, anh Đức và chị Chinh.

Khác với các bạn trong lớp, chúng tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc với cô Quỳnh, đến nỗi chúng tôi nghĩ rằng suốt đời mình không thể nào quên được.

*
* *

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó lắm! Tôi nhớ tôi chỉ có duy nhất một bộ đồ lành lặn để mặc đi học và cái cặp cũ mèm của chị tôi đã nghỉ học để lại. Trường tôi cũng nhỏ và nghèo.

Nói là trường, thật ra chỉ là hai phòng học bằng cây lá đơn sơ, mỗi lần giông gió cô trò phải xúm nhau ôm gốc cột để cho gió đừng bay. Vách phên thì toang hoác, chúng tôi mặc sức chui ra, chui vào.

Để cho đủ phòng học, thầy cô phải dạy tạm trong chái đình bên cạnh trường, đã tả tơi hoang phế sau cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Những phòng học không ra phòng học, ngôi trường cũng không ra trường đó lại là nơi tôi có nhiều kỷ niệm nhất trong đời học sinh.

Ngày nào cũng vậy, cứ trưa trưa, bóng nắng soi đầy trên mặt bàn, cũng là lúc chúng tôi nhốn nháo đòi về. Mỗi lần trời mưa, chúng tôi đều phải trùm áo mưa co ro ngồi học…

Có lần tôi ráng mắt, leo cưỡi lên lưng con hạc gỗ trong đình, ông Từ đình đã mách cô Quỳnh. Tôi tưởng cô Quỳnh sẽ đánh tôi; nhưng không, cô chỉ cười, dặn không được như thế nữa rồi còn bảo: “Em ráng học giỏi đi, sau này không những cưỡi hạc mà còn cưỡi cả xe hơi và máy bay nữa”. Không ngờ chuyện ấy bây giờ đối với tôi đã trở thành sự thật!

Cái Xóm Cò nơi tôi sinh ra còn quê mùa, nghèo khó hơn! Quê mùa đến nỗi cả xóm ít ai đặt cho con một cái tên đẹp đẽ! Thường là thằng Năm, con Sáu, thằng Đực, thằng Đẹt, con Gái, con Đèo.

Anh Đức, anh Các ở lớp tôi thì ai cũng biết ngày xưa chính là thằng Đực, thằng “C….”; còn chị Đẹp, chị Chinh là con Thẹp, con Chim! Tên tôi cũng không đẹp đẽ gì. Nào có phải tên Hồng như bây giờ mà là tên Hòn! Toàn là tên của giới tính nam và nữ.

Hồi học lớp một, mỗi lần cô giáo đọc tên chúng tôi thì cả lớp cười ồ, còn chúng tôi đỏ mặt tía tai, phải cúi gầm mặt xuống bàn rơm rớm nước mắt! Mấy lần tôi đòi nghỉ học vì bị bạn bè trêu chọc nhưng ba tôi kiên quyết không cho…

Lên lớp hai, tôi được học với cô Quỳnh. Cô Quỳnh không những tận tụy dạy chữ mà còn lo lắng cho chúng tôi nhiều chuyện nhỏ nhặt khác. Tóc chúng tôi dài, cô bảo về xin tiền đi hớt, móng tay chúng tôi dài chính cô đã nhiều lần cắt cho.

Cũng chính cô Quỳnh là người đã sửa tên tôi và các bạn trong nhóm năm người có những cái tên xấu xí ấy. Cô còn cấm cả lớp không ai được gọi chúng tôi bằng những cái tên cũ, kể cả lúc ở nhà. Cô còn dọa bạn nào gọi tên thật của chúng tôi thì cô sẽ đuổi học. Có lẽ nhờ thế tên cũ của chúng tôi mau chóng được các bạn quên dần!

Ngày ấy, cô Quỳnh đã đến xin phép cha mẹ chúng tôi rồi cô liên hệ với công an xã cho cô được sửa tên trong sổ hộ khẩu. Cũng may, hồi mới giải phóng, trẻ con quê tôi chưa ai có giấy khai sinh. Sổ hộ khẩu ở công an xã cũng chỉ là những quyển sổ chép tay mà các anh công an đã nhờ thầy cô trong trường chép lại dùm nên việc xóa sửa cũng không khó gì.

Cô Quỳnh đã thêm bớt tên tôi, thằng Đực, thằng C… và chị Chim một cái dấu hoặc một vài nét là thành chữ Hồng, chữ Đức, chữ Các, chữ Chinh như bây giờ.

Chỉ tên chị Đẹp là hơi khó sửa. Cô phải xóa bỏ cả phụ âm “Th” của chữ “Thẹp” thật kỹ lưỡng và thay vào bằng phụ âm “Đ”.

Những cái tên cũ xấu xí ấy, đối với những người mới thì không ai biết, còn đối với bạn bè xưa, ai cũng thương bạn nên đều muốn cho vào quên lãng.

Bây giờ chúng tôi đã lớn, một số người lại có địa vị cao trong xã hội, nếu những cái tên ấy còn tồn tại thì thật là trái tai và chắc chắn sẽ làm cho nhiều người châm biếm! Thậm chí ngay cả vợ tôi bây giờ, mỗi lần nghe ai gọi tôi tên Hòn là đỏ mặt tía tai.

Từ ngày có cái tên mới, chúng tôi không còn bị bạn bè trêu chọc. Tôi rất vui vẻ và không còn đòi nghỉ học nữa…

*

* *

Rồi tôi cũng về kịp trước khi an táng. Nhóm bạn năm người của tụi tôi đều đủ mặt cùng với nhiều bạn học năm xưa. Ai nấy vẻ mặt rầu rầu. Tất cả đều trang trọng mang mảnh vải tang đen trên cánh tay do chị Đẹp chu đáo lo từng chút.

Tôi khẽ gật đầu chào bè bạn rồi đi thẳng vào bên trong đứng cúi đầu bên linh cữu cô giáo nghe lòng buồn vô hạn. Tôi lặng nhìn di ảnh cô Quỳnh thật lâu không chớp mắt. Cũng khuôn mặt rộng thật phúc hậu.

Cũng đôi mắt ngời sáng chứa chan yêu thương. Tuổi thơ nghèo khó và mái trường quê yêu dấu cạnh chái đình làng, được cô Quỳnh chăm sóc từng li từng tí bỗng vùn vụt hiện về. Nào thầy cô, nào bè bạn.

Nào tiếng giảng bài, tiếng cười nói ngọt ngào của cô Quỳnh như còn vang bên tai tôi. Ánh nến trước quan tài lung linh hay mắt tôi nhòe nước mà tôi thấy tấm ảnh cô Quỳnh như chập chờn ẩn hiện.

Tôi khe khẽ nói lời từ biệt và cám ơn cô giáo. Cô ơi! Bây giờ em mới nói lên lời cảm ơn cô thì đã quá muộn màng. Cô đã ra người thiên cổ!

Giờ tiễn biệt cô giáo thật là cảm động. Chị Đẹp được anh chị em ủy thác đọc điếu văn. Giọng chị chùng xuống, chốc chốc lại nghẹn ngào im lặng. Chị cố gắng nuốt nước mắt vào trong nhưng cứ liên tục lấy khăn chấm mắt làm ai cũng phải ngậm ngùi.

Nắng trưa như đổ lửa, con đường từ nhà ra huyệt mộ dài gần một cây số, thế mà khách khứa và học sinh đủ mọi lứa tuổi chen nhau chật kín. Ai nấy cúi đầu lặng lẽ. Có mấy cô gái chắc cũng là học sinh của cô Quỳnh mắt đã đỏ hoe...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ