Cô giáo từng được Bác Hồ tặng Huy hiệu

Cô giáo từng được Bác Hồ tặng Huy hiệu

(GD&TĐ) - Những năm 1991 - 1992, ngành Giáo dục đang rộ lên cuộc vận động tinh giản biên chế các trường phổ thông. Lúc đó Thủy là giáo viên dạy giỏi. Nhưng nếu cô ở lại thì sẽ có cô giáo khác phải ra đi, trong khi hoàn cảnh cô giáo đó rất nghèo, chỉ sống bằng đồng lương giáo viên. Còn Thủy, ngoài giờ lên lớp, cô còn tranh thủ làm thêm nghề thủ công, sau đó lại mở tiệm uốn tóc, cho thuê áo cưới nên cũng không khó khăn về kinh tế gia đình. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Vì thương đồng nghiệp, vì nghĩ mình có ra ngoài vẫn có thể làm ăn được, thế là cô xin được giảm biên để cho chị bạn ở lại ngành. Sau khi giảm biên,  Thủy đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất đồ chơi, quà lưu niệm. Cô thuê chuyên gia hướng dẫn làm các loại khuôn để chế tác các loại đồ chơi, quà lưu niệm bằng thạch cao. Những nàng Bạch Tuyết, công chúa, các con giống được đổ bằng thạch cao được kẻ vẽ, sơn bóng rất đẹp, một thời đã chiếm lĩnh thị trường đồ chơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Trong vài năm thôi, từ  buổi ban đầu một mình cô thồ hàng đi giới thiệu, gửi bán đến khi khách phải đến nhà chờ đợi lấy hàng, cô đã có thương hiệu về sản phẩm đồ chơi bằng thạch cao. Trong nhà cô, lúc cao điểm có đến vài chục thợ làm nhưng vẫn không đủ hàng bán. Cô đã có tiền mua đất xây nhà mới đàng hoàng ở ngay đầu làng Đình Bảng. Tôi hỏi Thủy:

- Nếu cứ đà làm ăn như thế có lẽ em sắp thành đại gia rồi, sao em lại xin tái tuyển, từ bỏ giàu sang để quay lại nghề nghèo như nghề dạy học?

- Khi  em mới quyết định quay trở về với nghề, nhiều người gàn lắm anh à. 

Lúc ấy cũng hoang mang nhưng đến bây giờ em cho đó là một việc làm hết sức đúng đắn, vô cùng cần thiết. Bỏ nghề đã gần 8 năm rồi, em vẫn nhớ, vẫn yêu mái trường và các em học sinh lắm. Nhà em làm nghề thủ công, cả nhà lao vào công việc không kể thời gian. Ba cô con gái của em ngoài giờ học ở trường về nhà cũng lăn vào làm, chẳng có thời gian để học bài. Thế là em quyết trở lại nghề, phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi để làm gương cho con, để có điều kiện giúp con học tập. Không có quyết định đúng đắn đó thì làm sao đến bây giờ cô con gái lớn của  em vào được Đại học Ngoại thương, cháu lớn đã làm ở Ngân hàng Quốc tế, cháu thứ hai đang học năm cuối Học viện Ngân hàng, năm nào cũng được học bổng. Còn cô út học giỏi đã được cấp học bổng  sắp tới du học bốn năm tại Singapore. 

Trên đời này có gì quý hơn, có gì giàu hơn sự ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, thành đạt của con cái, phải không anh!

Qua chia sẻ của Thủy, qua bạn bè kể lại, tôi biết: Do lăn lộn lao động vất vả, do lo lắng nhiều cho gia đình, cho các con mà cô  không may mang trong mình nhiều trọng  bệnh. Cô bị viêm đại tràng phải mổ, khối u ở cổ phải đi xạ trị ở viện Bạch Mai. Chưa hết, chưa khỏi bệnh này, Thủy lại mang thêm bệnh khác: Cô bị viêm gan C rồi lại có khối u túi mật. Chạy chữa hết các bệnh viện lớn ở Thủ đô mà bệnh cứ mỗi ngày một xấu hơn. Cơ thể cô mất hết sức đề kháng, tưởng như không còn hy vọng sống. Đến lúc bệnh viện trả về, mọi niềm tin về cuộc sống trong cô tưởng chừng như lịm tắt. Cô đã bí mật chuẩn bị hậu sự cho mình. Tất cả những việc đó Thủy đều giấu chồng con. Cô không muốn các con phải đau khổ trước căn bệnh nan y của mình. Nhưng rồi cô con gái lớn thấy mẹ buồn, sức khỏe giảm sút đã phát hiện ra bệnh tật của mẹ. Con gái cô đã liên hệ sang một bệnh viện lớn ở Singapore. 

Thủy ngần ngừ sợ tốn kém nhiều mà không có kết quả. Nhưng chồng con cô thuyết phục cô nghe theo gia đình, Thủy đã sang Singapore hai lần kiểm tra bệnh và chữa trị. May mắn lớn, đó là khối u ở túi mật mới phát triển ở giai đoạn đầu, cắt bỏ nó, đều đặn dùng thuốc là ổn định. 

Bốn mươi năm trước có một cô bé học lớp 4 đạt danh hiệu  học sinh giỏi miền Bắc. Cô bé ấy được về Hà Nội dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ, được nhận Huy hiệu của Bác do Bác Tôn trao tặng. Rồi cô bé ấy đã trở thành cô giáo. Hơn hai mươi  năm đứng trên bục giảng, cô cũng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Đau ốm, bệnh tật là thế nhưng cô vẫn tranh thủ  đến lớp, trong sự yêu quý của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Cô vẫn thi giáo viên dạy giỏi. Thủy bảo: “Đứng trước học trò, cơn đau của em như dịu lại”. Đặc biệt là dịp chuẩn bị đi giao lưu với thầy trò trường Victoria của Singapore, mặc dù đang  đau ốm, Thủy vẫn say sưa dạy các em học sinh của trường mình tập hát một canh hát Quan họ. Cô dẫn đầu đoàn học sinh của trường sang nước bạn giao lưu. Canh hát Quan họ của Trường THPT Lý Thái Tổ được bạn bè hoan nghênh nhiệt liệt. Mùa xuân vừa qua, Thủy đã khỏe mạnh vui tươi trở lại. Cô  đưa các em học sinh của trường Lý Thái Tổ  về thăm, tặng quà, chia sẻ tình yêu thương với những trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Ngòi, huyện Lương Tài. Thủy thấu hiểu hết nỗi bất hạnh của các em nhỏ. Nguyễn Hồng Thủy đã từng đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đứng giữa bao biến cố cuộc đời, cô phải tự chọn hướng đi cho mình. 

Nhưng nghị lực mạnh mẽ và tình yêu thương sâu sắc với mọi  người, với cuộc sống đã giúp Thủy thành công, giúp cô giành lại niềm vui và hạnh phúc.

Mã số: 1038

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ