Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ

GD&TĐ - Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân - giáo viên bộ môn Hóa học của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - có rất nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, hướng dẫn học sinh giỏi. Cô cũng là 1 trong 6 đại diện của giáo viên Việt Nam tham gia chương trình học bổng HESA với thời gian trải nghiệm học tập đặc biệt tại Mỹ.

Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ
Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ ảnh 1Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ ảnh 2Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ ảnh 3Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ ảnh 4Cô giáo trẻ và lần thực hiện nhiệm vụ giả định trên vũ trụ đáng nhớ ảnh 5

Cô giáo của những “học sinh đạt giải thưởng”

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP HCM và hoàn thành thạc sĩ bộ môn Hóa vô cơ và ứng dụng tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM năm 2008, cô Vân bắt đầu tham gia giảng dạy từ năm 2003. Đối với cô giáo trẻ, mỗi ngày được dìu dắt từng thế hệ học sinh trưởng thành là một niềm hạnh phúc lớn.

Từ khi về trường, cô Vân đã hướng dẫn rất nhiều học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học các cấp và đạt nhiều giải cao. Trong năm học vừa qua, cô Vân đã hướng dẫn 4 học sinh giỏi thành phố chọn đội tuyển quốc gia, 2 học sinh thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải Nhì và giải Ba; hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề tài “Lọc tách và thu hồi kim loại quý hiếm –crom- sử dụng lignin trong nước thải và quy trình thủy luyện.” đã đoạt Giải khuyến khích quốc tế cuộc thi I-SWEEEP tổ chức tại Texas – USA và giải 2 (Huy chương Bạc) quốc tế cuộc thi INESPO tổ chức tại Holland.

“Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi đã đam mê nghiên cứu khoa học và đã có giải thưởng cấp quốc gia. Khi đứng trên bục giảng, tôi cũng muốn truyền lửa tình yêu với học trò của mình. Tôi muốn các em tìm tòi, chạy đua với khoa học kỹ thuật,…Đó cũng là lý do tôi đăng ký tham dự HESA tại Mỹ”. – Cô Vân chia sẻ.

Để khoa học đến gần với thế hệ trẻ

Trong 5 ngày tham gia chương trình, cô Vân cảm thấy mình đã học được quá nhiều điều. Mỗi ngày trôi qua là một trải nghiệm thú vị, được thử sức mình với các thử thách ngoài không gian, được tự tay lắp ráp tên lửa, được học về tàu vũ trụ và thám hiểm,…

Kỉ niệm mà cô Vân nhớ nhất là các giáo viên được học mô phỏng môi trường không trọng lực, trong đó nhiệm vụ vũ trụ giả định (mission) là phần hấp dẫn, gây cấn nhất. Giáo viên được vào nơi mô phỏng. Có 3 địa điểm chính: trạm liên lạc ở mặt đất, trạm ISS, tàu vũ trụ để thực hiện nhiệm vụ.

Giả định là trên trạm ISS có chi tiết bị hư hỏng, nên cần phải dùng tàu vũ trụ đưa phi hành gia lên trạm ISS để sữa chữa và trở về mặt đất an toàn.

Thời gian để thực hiện nhiệm vụ là 2 giờ. Giáo viên có một buổi tập thử trước, để làm quen với các thao tác. Các thành viên sẽ giữ liên lạc với nhau qua bộ đàm. Nếu các thành viên kết hợp ăn ý với nhau, và thực hiện các thao tác đúng theo hướng dẫn, chính xác trong khung thời gian quy định thì nhiệm vụ mới thành công được.

Đó cũng là kỷ niệm vui nhất đối với cô Vân. Mọi người đã cùng nhau làm việc và phối hợp ăn ý. Tuy nhiên, có những lúc chưa quen với các câu lệnh và nút điều khiển, nhóm đã có những trải nghiệm bên nhau rất thú vị, về việc đi chệch hướng điều khiển và cùng nhau sửa lỗi.

“Tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng tạo hứng thú cho học sinh và giảng dạy cho các em về khoa học nhất là khoa học vũ trụ và toán theo phương pháp tiên tiến trên thế giới. Tôi thật sự thấy tự hào và thích thú khi được là người được chọn đi học. Tôi sẽ áp dụng ngay cho các em học sinh mình, để khoa học tiến dần đến với tất cả thế hệ trẻ” – Cô giáo Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ