Cô giáo trẻ và công trình nghiên cứu “vẽ đường cho hươu chạy... đúng“

GD&TĐ - 3 công trình tiêu biểu trong cuộc thi ‘Tri thức trẻ vì giáo dục” đã được vinh danh và trao thưởng, trong đó có sáng kiến “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của cô giáo Lê Thị Bé Nhung – Trường THPT Phan Ngọc Tòng (Bến Tre).

Cô giáo Lê Thị Bé Nhung (giữa) nhận giải thưởng công trình, sáng kiến tiêu biểu trong lễ trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục".
Cô giáo Lê Thị Bé Nhung (giữa) nhận giải thưởng công trình, sáng kiến tiêu biểu trong lễ trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục".

Ba tháng thực hiện công trình

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Chương trình đã nhận được 267 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, giáo viên, trí thức trẻ trong cả nước. Ban giám khảo đã chọn ra 16 công trình tiêu biểu để trao giải và vinh danh, trong đó, chọn 3 công trình xuất sắc nhất để trao kỷ niệm chương và giải thưởng là 100 triệu đồng cho mỗi công trình.

Đã từ lâu, cô Lê Thị Bé Nhung nung nấu ý định làm điều gì đó để các em học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, được học về cấu tạo cơ thể của chính bản thân mình một cách bài bản... Và cô đã nảy ra ý tưởng đưa môn học giáo dục giới tính vào nhà trường. 

Sau khi biết về cuộc thi "Tri thức trẻ vì Giáo dục", cô Nhung mừng “như bắt được vàng” và bắt tay vào thực hiện ý tưởng là đưa môn Giáo dục giới tính vào nhà trường để dạy học sinh những kiến thức về giới tính. Đề tài này được làm trong 3 tháng ( từ tháng 5 đến tháng 8/2016) với sự phấn đấu không ngừng của cô giáo Nhung.

Do điều kiện giảng dạy của cô Nhung còn hạn chế, hơn nữa huyện Ba Tri – nơi cô Nhung đang công tác - còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất, vốn tài liệu không nhiều,…nhất là những hình ảnh thiết kế cho nội dung các mô đun cũng hiếm khiến việc tìm kiếm tài liệu thích hợp mất khá nhiều thời gian.

Có những lúc tưởng chừng như nhiều khó khăn không vượt qua được nhưng cô Nhung nghĩ đến những em nhỏ mù mờ về kiến thức giới tính, không biết cách bảo vệ bản thân, gặp phải kẻ xấu rồi dang dở cuộc đời không thể vươn lên, cô Nhung lại tiếp tục và cuối cùng cũng hoàn thành công trình.

Hãy định hướng để hươu chạy đúng đường

Qua quá trình nghiên cứu, cô Nhung nhận thấy: "Trong gia đình, cha mẹ thường ngại và lúng túng khi trả lời những câu hỏi của con cái liên quan đến giới tính vì có thể chính cha mẹ cũng chưa có nhiều kiến thức về giới tính. Thậm chí cha mẹ la mắng con cái vì cho rằng trẻ con mà đề cập đến vấn đề giới tính là hư hỏng, hay nói chuyện này với con là "vẽ đường cho hươu chạy".

Còn ở trường học, giáo viên còn phải né tránh, đỏ mặt, tía tai, ấp úng với các câu hỏi “khó đỡ”của học sinh về giới tính. Chính vì vậy mà các bạn trẻ phải tự giáo dục mình qua internet. Nhưng thông tin trên mạng rất nhiều, mỗi người lại hiểu theo một cách khác nhau, thậm chí còn nhiễu thông tin. Dẫn đến sự mụ mị về kiến thức giới tính và những hệ luỵ từ điều đó ngày một tăng.

Hiện nay, Việt Nam chưa có môn học riêng biệt có tên giáo dục giới tính trong phân phối chương trình các cấp học từ tiểu học cho tới phổ thông. Chính vì vậy, trong đề tài của mình, cô Nhung đã làm rất chi tiết về các mô đun giảng dạy cho từng cấp học, từng lứa tuổi, từng lớp, rất cụ thể.

Các mô đun phân tích rõ và chỉ ra tâm lý lứa tuổi cụ thể,  cần dạy cấp Tiểu học thì nội dung như thế nào và cấp THPT thì kiến thức cần ra sao cho phù hợp. Ban giám khảo đã đánh giá rất cao đề tài này và thống nhất chọn là một trong ba công trình, sáng kiến xuất sắc được trao giải.

Vui mừng trong lễ vinh danh, cô Nhung nói: Thay vì để "hươu chạy lạc đường", chúng ta hãy định hướng cho thế hệ trẻ đi đúng hướng và sống đúng đắn. Chúng ta hãy để cho các em được học về chính bản thân mình, học cách để sống tốt và giúp xã hội phát triển hơn. Tôi chỉ mong rằng đề tài này sẽ được đưa vào thực tiễn để học sinh được học một môn học của chính mình chứ không phải né tránh hay e ngại khi nói về nó.

Nhận xét của Ban giám khảo về sáng kiến đưa môn học giáo dục giới tính vào nhà trường:

Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đây là đề tài học để sống, thiết thực và ý nghĩa.

Ông Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Các tài liệu mô đun rất cẩn thận, hợp lý, có đầu tư. Đây là đề tài cần thiết và nên sớm được đưa vào chương trình học tập hiện nay.

Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: đây là đề tài rất công phu, logic. Tuy nhiên, để thành công, khi áp dụng vào thực tế cần phải tập huấn giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.