Cô giáo trẻ tâm huyết với vùng cao

Cô giáo trẻ tâm huyết với vùng cao

(GD&TĐ) - Tháng 8/2000 cô sinh viên trẻ Vũ Thị Tứ, rời quê hương Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu khăn gói lên huyện miền núi cao Qùy Châu dạy học trong sự đón tiếp nhiệt tình của thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Hải Ninh và Hội đồng sư phạm nhà trường. Với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Đại học Sư phạm chuyên ngành Sinh học, cô giáo Tứ luôn tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng hết sức để đáp lại công lao của gia đình và thầy cô. 

Năm học 2010 - 2011, cô Tứ được phân công làm chủ nhiệm lớp 10C3 - lớp có 100% học sinh vùng sâu, vùng xa, có điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô giáo Tứ đã đăng ký nội dung “Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cố gắng vươn lên trong học tập”.

Vào học được vài tuần đầu năm học, lớp 10C3 có em Vang Thị Hồng Yến đã bỏ học. Yến là người dân tộc Thái ở bản Na Cống, xã Châu Hoàn, một trong những xã xa nhất của huyện Quỳ Châu. Qua tìm hiểu, cô giáo chủ nhiệm Tứ được biết, vì nhà quá nghèo nên Yến bỏ học, cô đã gặp gỡ em và gia đình, phân tích, động viên gia đình cho em trở lại trường; đồng thời hứa sẽ giúp đỡ. Vũ Thị Tứ đem những suy nghĩ, băn khoăn và nguyên vọng của mình bàn bạc với chồng – cũng là giáo viên của trường. Rất phấn khởi, được chồng ủng hộ và động viên, cô Tứ đã chủ động gặp Ban lãnh đạo trường báo cáo về trường hợp của em Vang Thị Hồng Yến và đăng ký nhận nuôi em, vượt qua khó khăn để tiếp tục học tập. Từ ngày được cô giáo chủ nhiệm chăm nuôi, xem như con, Yến rất cảm động và chăm ngoan, học tập tiến bộ. Học kỳ 1 năm lớp 10 Yến đạt học sinh tiên tiến của trường. Sau khi con gái trở lại trường học tập và tiến bộ, bố của Yến đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm nói lời “biết ơn cô giáo nhiều lắm” và cảm động rơi nước mắt. Sang năm lớp 11 Yến được nhận học bổng vì có thành tích học tập tốt. Hiện nay Yến là hạt nhân của lớp trong mọi hoạt động. Sau khi cô giáo Tứ sinh cháu thứ hai, Yến ra sinh hoạt và ăn ở tại ký túc xá của trường, nhưng hàng ngày vẫn nhận được sự chăm sóc ân cần của cô giáo. Ba năm học vừa qua Yến luôn là học sinh tiên tiến. Khi gặp chúng tôi, Yến kể về những ngày đã bỏ học và trở lại trường trong sự đùm bọc, thương yêu của gia đình cô giáo Tứ cũng như bạn bè và thầy cô khác… và em đã khóc vì sung sướng. Vang Thị Hồng Yến, nói với chúng tôi: “Em sẽ học tập, tu dưỡng tốt và thi đạt kết quả cao, để không phụ lòng của cô giáo…”

Cô giáo trẻ tâm huyết với vùng cao ảnh 1
Cô giáo Vũ Thị Tứ - Giáo viên Trường THPT DTNT Quỳ Châu (Nghệ An), điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  Ảnh: Việt Dũng

Một trường hợp khác, em Vi Văn Bằng - xã Châu Phong, bố mẹ li dị khi em còn nhỏ. Sau đó, em theo mẹ về ở với bố dượng. Cuộc sống khó khăn khi mẹ sinh em bé, gia đình bắt em nghỉ học. Bằng ý thức rằng, muốn thoát nghèo thì phải học, để đạt ước mơ của mình em phải tự mưu sinh: vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải các chi phí học tập. Khó khăn chồng chất hơn khi em bước vào lớp 10, không những phải chi phí tiền học, mà còn tiền ăn, tiền trọ, tiền đi lại  trong khi việc làm thêm không nhiều, em đã quyết định bỏ học, bán chiếc xe đạp mưu sinh lấy tiền làm lộ phí đi làm ăn xa. Cô giáo Vũ Thị Tứ không thể để những học sinh như thế bỏ học, nên đã khuyên em ở lại trường tiếp tục học tập. Cô đã vận động sự giúp đỡ của tập thể lớp, sự đóng góp từ thầy, cô giáo và các bạn học sinh trong trường. Đặc biệt, cô giáo chủ nhiệm đã tranh thủ sự chia sẻ đáng quý của các bậc phụ huynh trong lớp 10C3. Đó là sự lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến tập thể lớp, đến phụ huynh học sinh, hiện nay em Bằng được một phụ huynh của lớp ở xã Châu Bình giúp đỡ các chi phí học tập và sinh hoạt. 

Ngoài việc chăm lo cho em Vang Thị Hồng Yến hay Vi Văn Bằng, cô giáo Vũ Thị Tứ cùng các học sinh của lớp đã mua một con lợn đất, gây quỹ tiết kiệm để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tuần cô trò cùng nhau tiết kiệm, tùy theo điều kiện, người 500 đồng hay dăm ba nghìn bỏ vào “nuôi lợn”, cuối tháng “mổ lợn” giúp đỡ những bạn nghèo, khó khăn. Những việc làm trân trọng biết bao, vừa giúp đỡ được những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vừa là bài học giáo dục đạo đức cho các em. 

Cô giáo Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Thảo nhận xét: Tứ là một tấm gương điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trường THPT DTNT Quỳ Châu được đi dự và báo cáo tham luận tại Hội nghị biểu dương của Đảng bộ huyện Quỳ Châu. Hiện tại, noi gương cô giáo Vũ Thị Tứ, nhiều giáo viên của Trường THPT DTNT Quỳ Châu đã có những việc làm cụ thể, thiết thực. Xem hồ sơ đăng ký “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác của cán bộ giáo viên nhà trường, chúng tôi càng trân trọng đối với các thầy, cô giáo nơi đây.

Chia sẻ với chúng tôi về những việc làm của mình, cô giáo Vũ Thị Tứ chỉ mỉm cười, nói rằng: “Những việc làm của em là từ tấm lòng và bản thân cũng chưa làm được gì nhiều…”. Chúng tôi đã động viên chia sẻ với cô giáo Tứ - những nghĩa cử, việc làm cụ thể ấy chính là học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ đấy. Cô chỉ mỉm cười bẽn lẽn: “Hạnh phúc đôi lúc cũng thật đơn giản phải không thầy?”

Tôi bỗng thầm ước ao, và mong sao có nhiều tấm gương như cô giáo Vũ Thị Tứ.

Trần Hữu Hy