(GD&TĐ)-Không khí học tập sôi nổi, nghiêm túc; cứ 5-6 học sinh thành một nhóm nhỏ say mê thảo luận rồi sau đó thuyết trình, phản biện rất “chuyên nghiệp”... Chứng kiến một giờ dạy của cô giáo Phùng Thị Thạo – Trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội, không ai nghĩ, đó mới chỉ là những em học sinh lớp 7.
Cô giáo trẻ Phùng Thị Thạo. Ảnh: gdtd.vn |
Tốt nghiệp Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) về trường giảng dạy được 3 năm, cô giáo trẻ Phùng Thị Thạo đã đem đến lớp học một luồng gió mới. Các em học sinh thực sự cảm thấy hứng thú bởi mỗi phương pháp cô giáo sử dụng trong bài dạy đều hết sức mới mẻ, cuốn hút.
Học sinh cần được phát huy tính chủ động
Một trong những phương pháp cô giáo trẻ Phùng Thị Thạo hay dùng là cho học sinh làm việc theo nhóm. Với hoạt động này, trước tiên cần cho học sinh biết trong mỗi nhóm phải có trưởng nhóm, người phát ngôn viên, hỗ trợ viên... Bên cạnh đó, bài tập nhóm giáo viên đưa ra nên có yêu cầu rõ ràng, thời gian làm việc nhóm cũng phải được giới hạn rõ ràng để học sinh chủ động điều tiết kế hoạch làm việc trong mỗi nhóm của mình.
Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả hoạt động dạy học này giáo viên phải có khả năng tổ chức lớp học thuần thục. Nếu không khéo sẽ rất dễ bị “cháy” thời gian. Đặc biệt với học sinh mới vào cấp 2, việc cho các em làm quen với cách làm việc nhóm là cả một quá trình. Có thể trong một, hai tháng đầu cách làm việc theo nhóm sẽ chưa hiệu quả lắm, cũng có thể giáo viên sẽ bị quá giờ một vài phút hoặc phải cắt bớt đi phần trình bày của báo cáo viên để đủ tiến trình bài dạy. Kinh nghiệm của cô Thạo là sẽ dành 1-2 tuần đầu tiên khi nhận lớp để rèn học sinh các kỹ năng, trong đó có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đặt câu hỏi để chất vấn lại các nhóm khác trong quá trình thảo luận... Đồng thời đây cũng là thời gian để giáo viên cho học sinh của mình làm quen và biết đâu là phương pháp cô giáo mình thường xuyên sử dụng trong bài dạy
“Tuy nhiên, không phải bài học này cũng sử dụng được phương pháp làm việc nhóm. Những bài dài, giáo viên có thể sử dụng phương pháp phát vấn, đặt câu hỏi để học sinh trả lời, hoặc cho các con chuẩn bị trước thông tin ở nhà, đến lớp chỉ check lại kiến thức mà mình chưa hiểu. Ngoài ra, giáo viên cũng cần dành thời gian để cho học sinh làm bài tập củng cố ngay trên lớp để ghi nhớ sâu hơn thông tin. Với phần này, tôi thường dùng các phiếu trắc nghiệm nhỏ nhỏ, khoảng 5 câu để học sinh ôn lại kiến thức hoặc sử dụng trò chơi ô chữ hoặc yêu cầu học sinh điều các sơ đồ điền khuyết, tùy theo nội dung bài học. Nói chung, trong thời gian 45 phút của tiết học, người giáo viên cần bố trí thời gian hợp lý để làm sao vừa rèn được kỹ năng cho học sinh, vừa truyền tải được kiến thức trong bài” – Thạo cho biết.
Dạy học bằng vật mẫu
Nhận thấy việc dạy học bằng tranh ảnh chưa thực sự tạo được hứng thú cho học sinh, cô giáo Phùng Thị Thạo đã công phu đi tìm kiếm các vật mẫu thật mang đến lớp. Nhờ vậy mà không ít học sinh lần đầu tiên được nhìn thấy, sờ thấy những con cào cào, chấu chấu, bọ ngựa... thật ngoài thiên nhiên. Bài học không dừng lại ở những hình vẽ trong sách giáo khoa mà được trực tiếp phân tích trực quan mẫu vật, tự rút ra kiến thức, chủ động tiếp thu kiến thức giúp học sinh không chỉ ghi nhớ lâu hơn mà còn thực sự có được niềm hứng thú, say mê trong mỗi giờ lên lớp.
“Với bài 26 là bài Châu chấu trong sách giáo khoa Sinh học 7, để tìm hiểu về cấu tạo bên ngoài và hình thức di chuyển của châu chấu, tôi cho các con quan sát mẫu ép plastic của vật mẫu, qua mẫu vật đó học sinh sẽ quan sát và tìm hiểu cấu tạo bên ngoài bằng theo luận theo nhóm, đồng thời phân biệt được một phần con đực con cái thông qua cấu tạo ngoài. Khi tìm hiểu về cấu tạo trong, lúc này không có mẫu mổ cấu tạo trong nên thay vì sử dụng mẫu vật thật, tôi sử dụng các tranh vẽ hoặc các hình ảnh sưu tầm được trên mạng để học sinh quan sát, kết hợp với thông tin trong sách giáo khoa để các con chú thích thông tin hệ cơ quan này cấu tạo như thế nào, tiến hóa thế ra sao với các nhóm trước. Còn về cách dinh dưỡng và các tập tính, thông thường, tôi sẽ cho học sinh quan sát bằng clip về loài này sưu tầm được trên mạng. Qua đó, các em có thể thấy rõ châu chấu phá hoại mùa màng và hoa màu như thế nào”.
Cô thạo cho biết, với cách dạy học bằng vật mẫu, học sinh hứng thú hơn rất nhiều và khi đã hứng thú rồi thì các hoạt động học sẽ trôi chảy, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người giáo viên phải tâm huyết với bài dạy vì ngay việc tìm kiếm mẫu cũng không phải dễ dàng, việc cho học sinh làm quen với vật mẫu, vượt qua sự sợ hãi ban đầu cũng cần giáo viên thực sự kiên trì.
“Yếu tố cốt lõi để có phương pháp dạy học cuốn hút chính là kiến thức của người giáo viên, sau đó mới là việc biết cách sử dụng phương pháp phù hợp với nội dung của bài. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là tính cảm của mình dành cho học sinh trong bài giảng đó, nếu giáo viên gần gũi, thân thiện, học sinh cũng sẵn sàng chia sẻ với cô giáo những suy nghĩ của mình, từ đó cô trò sẽ hiểu nhau hơn, hiệu quả tiết học cũng sẽ cao hơn” – cô Thạo cho hay.
Đổi mới phải toàn diện
Nhấn mạnh tâm huyết của mỗi giáo viên nhưng cô Thạo cũng cho rằng, nếu chỉ phát động đổi mới nhưng nhà trường không hỗ trợ đầy đủ các phương tiện, thiếu trang thiết bị thì giáo viên sẽ rất khó khăn để thiết kế bài dạy. Ngoài vấn đề này, nguyên nhân xa hơn là cách đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm. “Hoạt động thực tập ở các trường sư phạm hiện nay dường như còn mang tính hình thức. Chỉ năm cuối cùng khi đi thực tập, sinh viên mới được đứng lớp giảng dạy, còn các năm trước chủ yếu là đến để xem trường phổ thông thế nào, tức là chỉ được đứng ngoài quan sát. Đây cũng là một nguyên nhân khiến rất nhiều sinh viên hiện nay khi thực tập vẫn chưa biết phải soạn một giáo án thế nào, hoặc không biết các sinh hoạt trong nhà trường như sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, cách quản lý lớp, quy chế vào điểm...” - cô Thạo cho biết.
Là người trực tiếp đứng lớp, thể hiện quan điểm về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, cô Thạo mong muốn sách giáo khoa Sinh học sẽ tăng kênh hình và kênh chữ rõ ràng hơn. Vì thực tế, hiện một số bài thực hành có nhiều phần học sinh phải chú thích nhưng nếu chưa được tìm hiểu kỹ hoặc chưa học qua thì các em không biết tự tìm thông tin để điền, trong khi nhiều mẫu vật thật học sinh chưa được tìm hiểu khiến việc thực hành rất khó khăn.
Tâm niệm nghề giáo là một nghề cao quý, cô Phùng Thị Thao cũng cho rằng, để giáo viên thực sự tâm huyết với nghề cũng còn không ít cản trở. Đó là mức lương giáo viên còn hạn hẹp; quy định về hồ sơ, sổ sách đôi khi còn quá nặng nề, mang tính chất lý thuyết... Tuy nhiên, cô giáo trẻ này vẫn khẳng định mình sẽ gắn bó trọn đời với công việc này và sẽ không ngừng phấn đấu trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học để mỗi giờ học của mình đều được học sinh đón đợi.
Hải Bình