Cô giáo rời Bắc vào Nam “cắm đảo” thương trò

GD&TĐ - Cô Phan Hồng An là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Cô cũng là giáo viên duy nhất của trường THCS Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận) được chọn là giáo viên để tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức tới đây.

Cô giáo Phan Hồng An và học trò.
Cô giáo Phan Hồng An và học trò.

Cô, trò đội mưa về nhà!

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp ra trường, tham gia công tác giảng dạy được vài năm, cô An đã lập gia đình. Đến khi con gái đầu lòng vừa tròn 5 tuổi, cô giáo trẻ đã rời xa quê hương, gia đình, người thân để cùng chồng vào miền Nam sinh sống.

Cô An may mắn được phân công giảng dạy ở trường Phổ thông &Trung học cơ sở Phước Thể (thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) .

Với đồng lương ít ỏi của cán bộ lúc đó, cuộc sống của hai vợ chồng cô rất khó khăn. Gia đình cô phải ở nhờ tại nơi thu mua hải sản của xã chứ không có điều kiện thuê nhà. Ít lâu sau, con gái thứ hai của vợ chồng cô chào đời. Dẫu biết rằng khó khăn chồng chất khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn bảo ban nhau để vươn lên.

Vì là người con xứ Bắc nên khi vào miền Nam, cô An cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ và nhiều lo lắng. Trường mới, đồng nghiệp mới và đặc biệt là học sinh mới khiến cô giáo trẻ không khỏi lo ngại.

Ngôi trường thuộc xã đảo mùa hè thì nóng nắng khó chịu, mùa mưa thì cô trò vừa học vừa nghe tiếng ếch nhái kêu. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn và phòng học cũ, ẩm thấp “có những hôm trời mưa to đột ngột, mỗi khi tan học, chờ rất lâu nhưng mưa vẫn không dứt, cô trò tôi phải băng qua hết các vũng nước trong sân trường rồi lại đội mưa về nhà.

Tôi chỉ ước, nhà nước đầu tư xây dựng cho trường tôi nói riêng và những trường vùng ven nói chung một nơi dành riêng cho các em học sinh vui chơi, giải trí hoặc là nơi để các em tập luyện thể dục thể thao. Để các em cảm nhận rằng “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” – Cô An chia sẻ.

Điều đáng nói có lẽ là sự bất đồng về giọng nói đã khiến cho cô gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy bởi học sinh nói còn khó nghe đối với cô giáo miền Bắc. Để khắc phục khó khăn đó, cô An đã gần gũi với đồng nghiệp, với học sinh và cả những người dân xung quanh.

Thời gian đó đã giúp cho cô giáo trẻ học được rất nhiều điều từ người dân nơi đây nói chung và các em học sinh nói riêng. Kể từ đó, cô An hiểu các em học sinh hơn và bắt đầu tập dùng từ ngữ, cách nói, giọng nói “địa phương” nhằm lấp khoảng cách giữa cô và trò.

Hai năm đầu dạy THCS, song do tách trường nên cô An chuyển xuống dạy Tiểu học. Thời gian đó có biết bao nhiêu bỡ ngỡ phần vì học sinh nhỏ, phần vì chưa quen với chương trình Tiểu học.

Lúc đầu cô cũng rất nản nhưng được sự quan tâm của bạn bè đồng nghiệp, được BGH trường và chính quyền địa phương động viên, khích lệ, thêm lòng yêu nghề, mến trẻ, cô An đã vượt qua những khó khăn để đứng lớp, tích cực tham gia các phong trào mũi nhọn do phòng giáo dục tổ chức.

Tự hào là nhà giáo!

Nhiều năm trong nghề nhưng kỉ niệm cô giáo An nhớ nhất đó là vào năm học 2005 - 2006, cô được trường phân công làm chủ nhiệm lớp 9A.

Vào những tuần đầu của năm học, nền nếp lớp do cô chủ nhiệm chưa được tốt, nhiều em thường lơ là, chán nản trong học tập và gây mất trật tự trong giờ học. Điều đó đã làm cho cô An trăn trở, lo lắng. Cô đã áp dụng rất nhiều biện pháp, nào là phạt các em quét lớp, lau bảng, tưới cây từ một đến hai tuần liền. Có khi cô An còn mời cả cha mẹ các em lên trường để gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau tìm ra giải pháp để giáo dục các em. Nhưng kết quả vẫn không được khả quan.

Cho đến khi cô giáo yêu cầu các em lên trường (2 buổi/ 1 tuần, vào khoảng 14 giờ 30 phút), thay vì phạt các em lao động, cô lại gần gũi trò chuyện, hỏi thăm các em.

“Có những buổi, tôi dạy ôn tập để bổ sung những kiến thức mà các em chưa nắm kĩ. Tôi cho một số bài tập dễ, vừa sức với các em; tuyên dương khi các em giải đúng. Sau hơn một tháng, các em đã có sự tiến bộ rõ. Các em không những không nghịch phá trong giờ học mà các em còn rất hăng say, tích cực trong lao động.

Để rồi mỗi khi gặp lại các em, nghe các em chào, được các em ân cần hỏi thăm, lòng tôi lại xúc động. Và vui hơn nữa vì biết rằng giờ đây các em đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Đó là những em như: Trần Văn Linh, Nguyễn Văn Quang, Võ Thành Tân. Những cái tên có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên” – Cô An chia sẻ.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với cô giáo An là người dân nơi đây còn lo “cơm, áo, gạo, tiền” nên thời gian dành cho con em không nhiều. Nhiều bậc cha mẹ thường phó mặc con em mình cho nhà trường, cho thầy cô.

Mỗi lúc gặp gỡ phụ huynh để thông báo những sai phạm của một số học sinh trong trường như là nói chuyện, không thuộc bài, trốn học, … thì các thầy cô làm công tác chủ nhiệm thường nhận được những câu nói thiếu thiện chí: “Cho nghỉ học”, “Cho ở nhà đi biển”. Lúc đó, cô giáo chỉ biết ngậm ngùi rồi tìm cách đến nhà dỗ học sinh, dỗ cả cha mẹ các em cho con đến lớp đều đặn. Và lớp học của cô hôm sau không vắng học sinh nào.

Cho đến giờ, khi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô An luôn mỉm cười: Tự hào vì được cầm phấn đứng trên bục giảng mỗi ngày”.

Cô Phan Hồng An là giáo viên nhiều tuổi nhất được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Chương trình được dự kiến tổ chức ngày 10/11. 42 thầy cô giáo trên khắp cả nước sẽ nhận được quà của chương trình và mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ