“Cô giáo” ở lớp học ...“đặc biệt“

GD&TĐ -Năm lên 7 tuổi, sau một cơn sốt cao co giật dẫn tới di chứng ở mắt, em bị thoái hóa võng mạc và bị khiếm thị. Thế nhưng, dù tổn thương rất lớn cả thể chất lẫn tinh thần nhưng Đỗ Thu Hà đã vươn lên trở thành “cô giáo” của lớp học đặc biệt.

Đỗ Thu Hà.
Đỗ Thu Hà.

Bóng tối không làm mờ nghị lực sống

Cô bé Đỗ Thu Hà sinh năm 1996 hiện đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Sư phạm, trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH QG HN). Trong một cơn sốt năm lên 7 tuổi, Hà bị thoái hóa võng mạc và bị khiếm thị từ đó.

Thời gian ấy, cô gái nhỏ lầm lũi nhìn cuộc sống bằng cảm nhận của trái tim. Từ một cô bé vui chơi, hiếu động, Hà phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. Những tưởng cuộc sống đã mờ nhạt đi ý chí và ước vọng của cô gái này, thế nhưng, chị Nguyễn Thị Hằng - mẹ của Hà - luôn động viên con gái từng ngày.

Chị Hằng thương con nhưng giấu nỗi niềm riêng để truyền cảm hứng và nghị lực sống vươn lên cho cô con gái nhỏ. Chị dắt con đến trường, hướng dẫn con làm những công việc mà mình có thể chủ động được. Chị kể cho con nghe câu chuyện của những người khuyết tật, có nhiều hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh nhưng họ vẫn làm được và chị luôn tin con gái mình có thể làm được những điều lớn lao.

Nói là vậy, nhưng sinh hoạt hàng ngày của cô gái khiếm thị không dễ dàng gì. Bao nhiêu lần Hà đánh rơi bát đĩa hay va vào tường, việc học hoàn toàn phụ thuộc vào chữ nổi,..“Em thấy sợ bóng tối, em không dám bước đi vì chỉ sợ nếu bước một bước thì sẽ rơi xuống hố sâu, không lên được” –Hà khóc nấc.

Đau khổ nhất là mỗi ngày đến lớp, bạn bè xa lánh và coi cô như một dị biệt, mọi thứ còn tồi tệ hơn cả bóng tối mà cô đang chịu đựng. Hà chỉ nhớ lời mẹ “đừng ghét các bạn mà hãy chứng tỏ con học giỏi, con làm được nhiều hơn những người mắt sáng”.

Nhưng, không nản lòng, Hà cố gắng từng ngày tập trung hơn để cảm nhận và hình dung mọi thứ xung quanh, giống như tưởng tưởng ra vị trí đồ vật, hướng đi. Dần dần, Hà quên đi đôi mắt của mình và cảm nhận cuộc sống bằng trái tim. Cô cho rằng mất đi ánh sáng không phải là mất tất cả, mà ánh sáng nằm trong trái tim mỗi con người.

Lớn lên, cậu em trai như “đôi mắt” của Hà, em trai rất thương chị gái và thường miêu tả tỉ mỉ vật dụng, đồ dùng hoặc cấu trúc của mọi vật cho chị gái hiểu. Hà cho rằng mình không phải là người bất hạnh bởi bên mình có gia đình, có những người thân yêu động viên. Cô chỉ trăn trở rằng, mình có thể đền đáp công ơn của mọi người ra sao. Và thế là, ý thức tự lập đã hình thành từ khi lên 10 tuổi.

Cho đến giờ, cô gái này đã có thể sinh hoạt bình thường, làm tất cả các việc trong nhà từ nấu cơm, quét dọn, đi sang nhà hàng xóm thân thiết,…Không gian của Hà không bị bao trùm bởi màu đen nữa mà cuộc sống đã có ý nghĩa với em rất nhiều.

“Cô giáo” đặc biệt

 12 năm liền là học sinh giỏi, thường xuyên đạt giải cao trong các cuộc thi Ngữ Văn cấp thành phố, đặc biệt, cô còn là thí sinh duy nhất được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại ngữ nhờ thành tích học tập của mình.

Với người bình thường, để học giỏi tiếng Anh là rất khó, vậy nhưng, cô gái khiếm thị ấy lại luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, đặc biệt là môn tiếng Anh. Từ nhỏ đến lớn, làm quen với chữ nổi, Hà vẫn miệt mài để không thua kém bạn bè và hơn cả là thực hiện ước mơ được trở thành cô giáo dạy các em nhỏ có hoàn cảnh giống mình.

Mở lòng ra với thế giới của ánh sáng, Hà đã tham gia học rất nhiều lớp kỹ năng dành cho người khiếm thị, kỹ năng giảng dạy cho học sinh đặc biệt. Mới đây, cô đã được Hội người Mù quận Cầu Giấy nhờ dạy tiếng Anh cho con em cán bộ trong Hội. Niềm vui ấy cũng chính là thử thách mà cô mong muốn được trải nghiệm.

Mỗi ngày cuối tuần, lớp học đặc biệt của cô và trò cùng hoàn cảnh, họ không nhìn thấy gương mặt của nhau nhưng trái tim đều cảm nhận được niềm tin vào cuộc sống. Lớp học ấy còn có tình yêu thương, sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ. Hạnh phúc lắm mỗi giờ cô và trò lên lớp, học sinh thích thú không nghỉ buổi nào vì phương pháp của cô hay quá, dễ hiểu quá và kinh nghiệm để tiếp xúc, giao tiếp với người khiếm thị của Hà khiến các em vươn ra khỏi bóng tối từ đôi mắt.

ở trường là cô sinh viên giỏi, ở nhà là cô con gái ngoan ngoãn, ở câu lạc bộ lại là cô giáo dạy tiếng Anh có kinh nghiệm tương tác với học sinh khiếm thị, Hà chỉ mong sao sau này được tham gia lớp học giáo dục đặc biệt cho học sinh. “Đôi mắt không thể sáng lại nhưng ước gì xã hội công bằng và đừng xa lánh những người khiếm thị vì họ có thể làm được nhiều điều có ích”- Đỗ Thu Hà ước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ