Cô giáo, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Cô giáo, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn

(GD&TĐ) - Tôi không may mắn được học cô mà chỉ được nghe các anh chị kể về cô. Câu chuyện về quãng thời gian cô cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT và giải phóng đất nước giống như một câu chuyện trong huyền thoại mà dẫu năm tháng qua đi, hình ảnh cô mãi mãi là tấm gương soi.  Cô là Lê Thị Bạch Cát – giáo viên Trường Trung cấp Thể dục (nay là Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội).

Sinh ra tại vùng biển Nghi Lộc - Nghệ An, nơi mảnh đất gió Lào cát trắng, có lẽ vì thế nên cha mẹ cô đã đặt tên cho cô là Bạch Cát. Lớn lên giống như biết bao người con xứ Nghệ, sớm thấy cảnh trẻ em khát chữ đã thôi thúc cô đến với nghề sư phạm.

Năm 1961 cô về dạy tại Trường Trung cấp thể dục. Khi cánh cửa tương lai đầy hứa hẹn, sự nghiệp mà bấy lâu cô ấp ủ mới hé ra được 2 năm thì cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt. Nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc cô đi theo tiếng gọi để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Cô đã viết thư tình nguyện nhập ngũ. Vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam cô được điều về công tác tại Thành đoàn Sài Gòn. Tham gia lực lượng biệt động võ trang nội thành với bí danh “Sáu Xuân”, cô vừa tham gia chiến đấu, vừa tuyên truyền vận động thanh niên đi theo cách mạng.

Để tạo cho mình một “vỏ bọc” hợp pháp hoạt động sâu trong lòng địch, cô đã mang nhiều tên gọi khác nhau và trải qua đủ nghề, từ thợ may, làm nón đến bán rau cải, chanh ớt… để vừa thu nhập tin tức xây dựng cơ sở cách mạng vừa tự kiếm sống. Chỉ trong thời gian ngắn, cô đã xây dựng được hàng loạt cơ sở cách mạng và tập kết vũ khí chuẩn bị tổng tấn công.

Đợt tổng tiến công và nổi dậy  Mậu Thân năm 1968, cô đã chỉ huy tổ vũ trang tuyên truyền Quận 4 phát động quần chúng nổi dậy đánh vào hẻm Hiệp Thành tại bến Vân Đồn. Sau đó chuyển về Quận 2 đảm nhiệm chức vụ Quận uỷ viên -  Bí thư Quận đoàn chuẩn bị vũ trang liên Quận 2 và 4, chỉ huy cùng các cụm, các điểm ém quân khác quyết chiến đấu giữ trận địa chờ các cánh quân của ta tiến vào theo kế hoạch tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não Nguỵ quyền Sài Gòn.  Tại khu vực Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang ngày 5/5/1968, cô cùng đội vũ trang tuyên truyền từ hẻm 83 Đề Thám kêu gọi nhân dân nổi dậy phân phát truyền đơn, tuyên truyền đường lối của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhưng khi công việc mới được bắt đầu thì đội vũ trang của cô bị bọn cảnh sát dã chiến và cảnh sát (Quận 2 cũ) phát hiện bao vây. Chúng xả súng xối xả vào đội vũ trang. Tình thế khi ấy rất khó khăn, lực lượng ít, địa hình chiến đấu khó cơ động, nhưng cô vẫn bình tĩnh tìm cách chỉ huy đồng đội chiến đấu cầm cự với địch nhiều giờ đồng hồ.

Trong lúc chỉ huy cho lực lượng rút lui bảo toàn lực lượng thì một quả M79 từ lầu cao lao thẳng xuống đội hình chiến đấu, cô bị thương nặng, cánh tay phải bị dập nát, để đỡ vướng víu tiếp tục chiến đấu yểm trợ cho các đồng đội rút lui, cô đã tự chặt cánh tay mình tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trước khi hy sinh người ta còn nghe thấy cô hô lớn: “Đả đảo bọn đế quốc Mỹ cướp nước. Hồ Chủ tịch muôn năm!”… khiến bọn địch hốt hoảng điên cuồng xả một lúc 6 phát đạn vào người cô.

Đã hơn 40 năm cô hy sinh, nhưng câu chuyện về cô vẫn để lại cho tôi sự xúc động nghẹn ngào. Ngay cả khi đặt bút viết về cô, trong giây phút lắng đọng nhất để nhớ đến cô, một cô giáo quả cảm đã anh dũng hy sinh biến cái chết thành sự bất tử, tôi lại thấy trước mắt mình hình ảnh một cô giáo như bức tượng đồng trong lòng, như bài văn bia tưởng niệm 51 nhà giáo liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường miền Nam mà giáo sư Vũ Khiêu đã viết: “Giữa đất trời: dáng đứng hiên ngang/Trong sống chết: nụ cười rạng rỡ…”.

 MS:800

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ