Cô giáo miền xuôi

GD&TĐ -  Hai Riêng nghĩa là gì?

Cô giáo miền xuôi

1.

- Hai Riêng nghĩa là gì?

- Vùng kinh tế mới đa sắc tộc. Không biết ngữ cảnh, không thể cắt nghĩa.

- Nó làm em nhớ thơ Xuân Diệu.

- ??

- “Dầu tin tưởng chung một đời một mộng. Em là em, anh vẫn cứ là anh”.

“Đúng chất dạy Văn!”. Tôi hé môi, lời lên tới cổ, chưa kịp nói thì em tiếp:

- Nơi này có quá nhiều thứ bị bỏ quên.

- Ví dụ?

- Bông hoa, mặt trời và…

- “Và” gì ?

- Thanh xuân.

- Thời anh đến chỉ có rừng – tôi cắt lời vì thấy em hơi lạc giọng.

- Bây giờ dấu hiệu sự sống vẫn như lược gãy răng. Im lặng một lát rồi em tiếp: Chẳng biết duyên nợ hay bị ma xui quỷ khiến mà ôm thân lên đây.

- Khi nào về xuôi?

- Em có nói sẽ chuyển đi đâu à?

- Tự dưng hỏi vậy thôi.

- Hi hi…

Lại hi hi. Tự nhiên không kiểu cách, như chính em vậy.

2.

Em ở nội trú, hay khóc nhè. Mấy anh đồng nghiệp trêu mít ướt lủng cùi, chuyện to chuyện nhỏ đều đỡ đần. Từ xách nước, nấu cơm đến đêm chở đi dạy phổ cập, thậm chí cầm pin dẫn đi nhà xí. Tôi thường trêu, nếu em thích chắc mấy anh cõng lên trường dạy luôn đó. Những câu đùa như vậy thường khiến em đỏ mặt bẻ cong môi.

Em nhí nhảnh, đáng yêu. Chỉ những gã mang trái tim sắt mới không xao động. Tôi nghêu ngao: Phố núi cao, phố núi đầy sương... May mà có em, đời còn dễ thương...

- Bài đó hay nhưng không phải “ruột” của em.

- Cún thích bài gì ?

- Em như một nụ hồng, cầu mong chẳng lạnh lùng. Em như một ngày mộng, mà ta hằng ngại ngùng…

Đang hát say sưa bỗng dừng lại, phụng phịu hỏi:

- Nhưng sao lại gọi cún?

- Ai biểu đằng ấy mềm mại, nhỏ nhắn như một con cún chi.

Lại phụng phịu, lạy Chúa lòng lành, tôi muốn cắn nát đôi môi đầy đặn đang trễ ra khiêu khích.

Nhưng em không đơn thuần con nít. Bên trong cái dáng vẻ rất … cún kia là một cô giáo thức thời, cấp tiến.

Nhiều lúc tôi nghĩ em như quyển liêu trai, thực hư khó phân biệt khiến người ta “sợ” nhưng không thể dừng khám phá. Ở em có sự không đồng nhất cuốn hút. Cái kiểu trong hiền lành có cứng rắn, trong sôi nổi có trang nghiêm, trong non nớt có chín chắn. Em thật đặc biệt. Cô giáo thế này tôi tìm kiếm cả chục năm rồi.

Tin không, em về dạy được một tuần, tôi dự giờ liền. Nụ cười mê hoặc đã “khiêu chiến” tôi ngay lần chạm mặt đầu tiên. Chờ mãi rồi cũng có “đối thủ”, tôi muốn chinh phục ngay lập tức. Cách nào ư ? Tôi trước sau vẫn thích đấu pháp “tiên hạ thủ vi cường”.

Ngạc nhiên chưa ?? Không phải một con cún cụp tai xịu mặt khóc nhè, em lột xác hoàn toàn. Bắt đầu lôi cuốn và kết thúc nhẹ nhàng. Kiến thức khô khan được em làm mềm, thấm ướt. Mọi thứ đều rất lôi cuốn. Đi đứng, ngữ điệu, chữ viết, xử lí tình huống… tất cả các thao tác đều có thần, nó là cung cách của một nhà sư phạm bẩm sinh.

Làm việc lâu mới nể, em chỉn chu và cầu toàn. Nhiều lúc tôi nghĩ em sẽ cô đơn vì loại phụ nữ coi trọng hiệu quả thường khiến đàn ông “ái ngại”.

- Đừng đòi hỏi cao quá !

- Nếu không đòi hỏi thì mong gì

chất lượng.

Em luôn luôn như vậy, kiên cường, thà gãy không cong.

3.

Bộ Giáo dục phát động chống lại bệnh thành tích. Trong cuộc họp chuyên môn đầu năm, tôi trao đổi với anh em và yêu cầu các tổ bộ môn kí cam kết thực hiện.

Đầu năm học ấy, em được phân dạy Ngữ văn 6. Sau khi kiểm tra chất lượng, em gặp tôi trăn trở:

- Đầu vào năm nay yếu quá!”. Đây là những học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Tôi nhìn thấy một dãy dài thì nhăn mặt:

- Rút ngắn lại đi, em!

- Chúng ta phải đối mặt thay vì phớt lờ né tránh. Em sẽ giữ nguyên danh sách đó và lên kế hoạch phù đạo để đưa các em về đúng chỗ.

Tôi có cảm giác khó chịu. Giáo dục đang thời mẫn cảm, bớt “thị phi” chừng nào tốt chừng ấy, không phải hiện thực nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Mà em cũng nên biết tính tôi, tôi thì tôi ghét lệnh đưa ra không thực hiện mà cứ nhì nhằng. Em kiên trì phân bua, tôi hét sả: Rút ngắn danh sách lại đi!

Cuối năm học đó, số học sinh yếu kém môn em phụ trách rất nhiều. Tôi bực mình nói trong cuộc họp hội đồng trường: Kết quả học lực phản ánh năng lực giáo viên. Biết là nói oan cho em nhưng cũng tại đối chiếu tỉ lệ cuối năm với chỉ tiêu phấn đấu đầu năm, tôi hơi hoảng vì chênh xa quá. Tôi thà bị khiển trách vì những chuyện bất khả kháng chứ việc nằm trong tầm tay thì dễ thôi, tôi đủ lí trí để xử.

Ngày ôn cho học sinh thi lại, em tìm đến tôi, giọng rất bức xúc :

- Sao bảo chúng ta đang chống lại bệnh thành tích ?

-??

- Anh không tôn trọng sự thật.

- Sự thật gì ?

- Sự thật là số học sinh yếu, kém rất…

Tôi đỏ mặt nói cứng:

- Ý em là tôi… tôi làm khống, tôi vi phạm, tôi sai. Nếu vậy thì em làm đơn tố tôi đi!

- Thầy…

Lần đầu tiên em gọi tôi bằng từ “thầy” xa lạ, đứng nhìn tôi đăm đăm tức tưởi rồi chạy ra ngoài.

Giận thiệt rồi. Tôi rũ thân mình xuống ghế, thi đua, thành tích, kiểm điểm. Tất cả những điều đó với tôi bỗng chốc thành vô nghĩa.

Giá tôi không phải là tôi bây giờ, giá tôi dám rũ tất cả để làm gã du ca, để cả đời hát “ em như giọt rượu nồng, dìu ta vào cuộc mộng…”.

4.

Ba mươi lăm tuổi, là cậu ấm một gia đình trung lưu thành phố (di cư vì lí do khó nói), giờ là hiệu trưởng kiêm phó một trường trung học vùng kinh tế mới. Bảnh trai, biết chơi guitar và đôi chân có thể bồng bềnh cùng nhạc. Những ngón tay thuần thục trên phím đàn cũng sẽ giỏi càn lướt trên … – có lần trong một cuộc liên hoan của trường, em nói nửa chừng rồi lật đật lấy tay che miệng. Tôi thích câu đùa đó nên đổ hết khát khao vào mắt em. Ngay sau đó, tôi si mê đôi má đỏ bừng màu táo chín của em.

Nhưng em luôn giữ khoảng cách vừa đủ, lúc thật gần, khi lại thật xa, cái khoảng cách đủ làm tôi điên cuồng khao khát. Em có vỏ bọc của tấm lụa thêu nhưng bên trong là một quả bom – có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tôi luôn mất bình tĩnh mỗi khi đối diện “quả bom” em. Em bí ẩn khó đoán. Em khiến người ta có cảm giác bất lực.

5.

Em cứ như vậy càng khiến tôi quyết tâm cao độ. Bỏ cuộc không phải tính cách tôi.

Mùa đông đến, tôi ra quyết định thành lập đội phòng chống bão lụt, tên em có trong danh sách. Có người phản đối vì đội này xưa nay không có nữ. Tôi bảo đừng nâng quan điểm, chỉ vào lo hậu cần cho anh em.

Đó là cách nói đối phó, nói để bào chữa. Lí do đúng nhất vẫn là muốn được gần em.

Tôi nhớ những năm trước, mưa lớn dầm dề, mấy mống mày râu phải lên trường nằm trực. Buồn thúi ruột. Đó là ngày thiên thần chưa bay về xóm núi. Còn cái cảm giác nào tuyệt hơn khi trời réo rắt mưa mà tôi thì ôm guitar bập bùng: …em như vạt lụa đào, quyện ta lời thì thào...Mới nghĩ thôi tim đã mềm thì cái quyết định kia đâu còn chỗ nào “không hợp lí”.

Rồi trời cũng mưa, những trận mưa như thác. Nước dâng lênh láng, ngập cánh đồng hoang đầy gai mắc cỡ, ngập nhà cửa, nước vô phòng học của ngôi trường nằm cheo leo trên đồi. Cứ tưởng ông trời thấu nỗi si tình nên đổ mưa cho kẻ hạ giới nghêu ngao “dìu em vào cuộc mộng” nhưng hình như không phải, mưa ác quá. Vùng lõm bị nước cô lập, tất cả đều có nguy cơ bị nước nhấn chìm.

Tôi, em áo phao lăn lộn trong mưa lũ. Chụp cái này, vớt cái kia, cõng khiêng, ẵm, kéo… Khi nhìn lại, thấy mặt em tím ngắt. Tôi xót quá hét, đi về gấp. Em chẳng xem lời tôi là mệnh lệnh mà một hai theo đoàn ra xóm soi (bên sông).

Đội chúng tôi hô hoán, giúp đưa dân vào nơi an toàn. Thấy một học sinh đang “giã gạo”, em vội thả đồ lao tới. Khi cô bé được ngồi trên ghe, tôi đưa tay kéo lên nhưng em còn khom vớt sách vở đang dập dềnh trôi xa… trôi xa... Đứng nhìn em mong manh mà ruột gan như phơi trên dàn lửa. Ngay sau tiếng hét “ Bỏ hết đi!” của tôi là một tiếng “ầm”. Muộn mất rồi, miếng đất đổ ụp, em rơi tõm xuống dòng nước đục ngầu cuồn cuộn.

Tôi gào to, em ơi…

***

Mười năm, tôi hiểu khái niệm mười năm. Nếu ai đó hỏi sao lại chuyển nghề, sao không chịu lấy vợ thì tôi cười buồn hiu. Cười xong thì hát thầm: Ôi sao người miệt mài, ngày vui nào còn dài, ta ưu phiền từng ngày, vội chôn cuộc tình gầy, chết đi bao lời nói, rừng nào có sa mưa, tình nào sẽ như thơ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.