Cô giáo – Mẹ hiền

Cô giáo – Mẹ hiền
Chuyên cần trên lớp. Ảnh: Xuân Tùng
Chuyên cần trên lớp. Ảnh: Xuân Tùng

(GD&TĐ) - Trong ký ức của mỗi người, ai cũng có ấn tượng sâu sắc về người thầy. Với tôi, dù đã rời xa ghế nhà trường từ lâu nhưng vẫn không thể nào quên một thời học sinh hồn nhiên và tươi đẹp với hình ảnh cô giáo hết lòng vì học trò...

Ăn cơm nhà, lo chuyện của lớp

Năm cấp 1, tôi học rất giỏi và được lên thẳng cấp 2, miễn thi tốt nghiệp. Vì thành tích cao ấy, mẹ thưởng cho tôi chuyến đi du lịch hè cùng cơ quan mẹ. Lúc đó tôi chỉ háo hức nghĩ đến chuyến đi chơi xa đầu tiên trong đời nên mải mê quên khuấy việc nộp hồ sơ, học bạ vào trường cấp 2.

Đến ngày trở về để đi nộp học bạ thì nhà trường đã xếp xong các lớp “tiêu chuẩn” nên tôi chỉ còn cơ hội học ở lớp thường cũng là lớp chót của trường.

Tôi vẫn nhớ, mẹ đã dành nguyên một ngày để lên xin thầy hiệu trưởng cho tôi được đổi lớp, nhưng thầy đã động viên mẹ tôi rằng: “Lớp nào cũng là lớp, và đặc biệt lớp của con chị học có một cô giáo chủ nhiệm rất tuyệt, chị đừng lo”

Ngày tôi nhập học và lần đầu tiên gặp cô, tôi thấy sao cô hiền thế, mái tóc cô đặc biệt thế, nói đặc biệt vì xung quanh các cô giáo khác đều nuôi tóc dài mướt thì cô chủ nhiệm của tôi lại tóc tém ngắn gọn. Có cô chủ nhiệm dạy Văn là tôi thấy sướng rồi vì đó là môn tủ của tôi, tôi không cảm thấy bỡ ngỡ, sợ hãi mà rất tự tin khi cô hỏi: “Có bạn nào xung phong làm cán bộ lớp không?”. Vì có thành tích học tốt, lại dũng cảm giơ tay tôi được cô phân công làm lớp phó đời sống (chức vụ này là do bản thân tôi tự nguyện xin cô cho làm vì thấy phù hợp).

Công việc đầu tiên của lớp phó được cô giao là việc chuẩn bị khăn trải bàn và một tấm rèm cửa sổ ở cuối lớp để ánh sáng không làm bảng viết bị lóa. Tôi nhớ rất rõ ở nhà mình vẫn còn một tấm vải tối màu của mẹ cất trong tủ, tôi mạnh dạn xin cô không phải mất tiền mua để về nhà tìm vải làm ri-đô cho lớp. Cô gật đầu đồng ý.

Về nhà tôi bới tung cả tủ đựng quần áo cũng chả tìm thấy mảnh vải hôm nọ đâu, đến khi hỏi mẹ thì mới biết: “Mảnh vải đó mẹ đem tặng cô bạn thân làm quà rồi”, mẹ còn trách tôi cái tội nhanh ẩu, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chưa biết ở nhà còn hay không mà xung phong đem đồ nhà cho lớp. Lần đầu tôi thấy xấu hổ với cô giáo và các bạn trong lớp lắm vì mình đã nói rất to, rõ ràng hứa sẽ giúp lớp mà lại không làm được.

Sợ cô đến chơi nhà

Suốt những năm tôi học cấp 2, cô Nhung luôn là người kèm cặp và động viên, tạo mọi điều kiện cho tôi học tốt. Trong lớp tôi luôn đóng vai trò là cán bộ lớp, chi đội trưởng để giúp cô ổn định trật tự lớp và hiểu rõ các vấn đề của các bạn trong lớp.

Nếu ai đó cho rằng, cán bộ lớp là “chỉ điểm” để cô giáo bắt thóp học sinh  thì ở lớp tôi không tồn tại suy nghĩ đó, 48 thành viên trong lớp đều rất đoàn kết, thương mến nhau. Tôi vẫn cảm thấy may mắn vì ngày đó mình được học ở lớp của cô Nhung, với những người bạn dễ thương, sống rất nội tâm, tình cảm, giả sử nếu tôi chuyển vào một lớp chọn nào đó thì chắc sẽ không bao giờ có được những ký ức đẹp thời học trò như vậy.

Mùa hè từ năm lớp 7 chuyển lên lớp 8, tôi nhập viện để phẫu thuật một khối u xuất hiện ở ngực. Vì xấu hổ với bạn bè nên tôi chẳng dám nói thật cho các bạn biết (lúc đó lớp tôi vẫn đi học thêm hè), thậm chí tôi giấu kín cả cô bạn thân nhất.

Phương Hà, bạn tôi, dăm lần bảy lượt đến nhà rủ tôi đi học mà không gặp ai ở nhà, đến hôm nó đứng từ sân khu tập thể gọi í ới lên tận tầng 5 nhà tôi thì bác hàng xóm mới tiết lộ sự thật cho nó biết. Chẳng nói chẳng rằng, nó hô hào mấy đứa con gái đạp xe ì ạch vào thẳng bệnh viện thăm tôi.

Chúng nó trách tôi bị bệnh mà chẳng nói với bạn bè, cô giáo, chúng nó xót xa vì nghĩ bệnh của tôi nghiêm trọng lắm nên mới phải phẫu thuật và vết thương băng to thế. Tôi dặn dò chúng nó đừng nói gì với cô chủ nhiệm để cô thêm lo lắng, tôi bị bệnh nhưng sẽ khỏe nhanh vì mẹ tôi bảo trong 1 tuần là vết mổ của tôi sẽ lành và cắt chỉ được. 

Nhưng lũ con gái đấy chẳng nghe lời tôi nói, vì với chúng nó đây là một sự việc rất nghiêm trọng, chỉ hôm trước hôm sau thì cô chủ nhiệm đã gọi tới gia đình tôi hỏi thăm và bảo ngày mai sẽ tới nhà thăm tôi. Tôi vừa ngại, vừa lo nhất quyết không đồng ý cho cô tới nhà. 

Trận chiến bánh kem

Không thể nói hết tình cảm của từng bạn học sinh dành cho cô chủ nhiệm của chúng tôi. Có những lúc cô rất nghiêm khắc với mấy bạn nam nghịch ngợm, bắt các bạn làm bản kiểm điểm, mời phụ huynh đến lớp.

Bạn nào viết chữ xấu quá, ẩu quá cứ tiết sinh hoạt thứ 7 hàng tuần phải ở lại luyện chữ. Hình phạt này chỉ được miễn khi vào tuần đó lớp tôi tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các bạn trong lớp, không khí rất vui vẻ, hào hứng.

Thế rồi, cả lớp nảy ra sáng kiến tổ chức sinh nhật cho cô chủ nhiệm. Cũng chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ sinh nhật cô rồi. Cô Nhung sinh nhật ngày 23/4, chúng tôi chỉ cần nhớ 2, 3, 4 là sẽ không quên được nên rất nhiều năm sau khi ra trường, học sinh trong lớp vẫn nhớ ngày này để gọi điện chúc mừng hoặc về trường thăm cô.

Nghĩ là làm, chúng tôi phân chia nhau mỗi người một công việc để kịp tiến độ cho ngày trọng đại. Tôi đi thu quỹ lớp để có kinh phí tổ chức. Ba bạn Tú, Sơn, Huyền khéo tay trong khoản trang trí lớp, vẽ bảng sẽ nghĩ ý tưởng để làm sao lớp học hôm đó phải thật lung linh. Danh sách các tiết mục văn nghệ để biểu diễn tôi giao cho bạn Kiên phụ trách.

Bạn nào sẽ mua bánh kẹo, hoa quả, chuẩn bị máy ảnh đều được tôi liệt kê, phân công cụ thể. Một chiếc bánh kem xinh xắn dành tặng cô do tôi đặt mua và đi lấy về. Một tháng trôi đi rất nhanh, mọi công tác chuẩn bị diễn ra âm thầm để đảm bảo bí mật, gây bất ngờ cho cô, các bạn đều rất hào hứng tham gia nên tôi rất yên tâm.

Và cuối cùng cũng đến giờ phút cả lớp tắt hết đèn điện, đóng kín cửa. Mấy bạn nam từ từ dắt cô vào lớp, chỉ còn ánh sáng từ cây nến đang cắm trên chiếc bánh gato. 48 thành viên sung sướng, hân hoan hát bài hát chúc mừng sinh nhật, cô giáo thì xúc động trước những hành động của lũ học trò đáng yêu.

Chiếc bánh sinh nhật nhỏ tý xíu nhưng bạn nào cũng có phần, mọi chuyện đang suôn sẻ thì không biết bạn nào nảy ra ý tưởng bôi kem lên mặt nhau, đầu tiên chỉ một vài bạn rồi cả lớp lao vào nhau hỉ hả trát kem, làm mặt hề. Ai nấy đều thấy hạnh phúc, tình cảm khăng khít vô cùng.

Hậu quả sau sự việc chúng tôi tổ chức sinh nhật cho cô chủ nhiệm là cô bị nhà trường khiển trách khi để học sinh làm ồn trong giờ học (giờ sinh hoạt cuối tuần), lớp học bẩn do mang bánh trái đến trường.

Chúng tôi thấy có lỗi với cô nhưng cô thì chỉ nhẹ nhàng bảo: “Cô cảm ơn cả lớp nhưng lần sau các em phải rút kinh nghiệm, vì chúng ta có thể tổ chức một buổi tiệc vui vẻ nhưng cần có không gian phù hợp, cần phải tôn trọng những người xung quanh”.

Thấm thoát 4 năm cấp hai cũng trôi qua. Ngày chia tay lớp, chia tay cô, ai nấy đều rưng rưng khóe mắt... Giờ đây, tất cả đã là chuyện quá khứ nhưng với tôi mọi thứ vẫn như ngày hôm qua. Nhiều bạn giờ đã là cha, là mẹ, mỗi người một hoàn cảnh sống, công việc riêng nhưng tình cảm ấm áp chúng tôi dành cho nhau, dành cho cô giáo của chúng tôi vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

Thấm thoát 4 năm cấp hai cũng trôi qua. Ngày chia tay lớp, chia tay cô, ai nấy đều rưng rưng khóe mắt... Giờ đây, tất cả đã là chuyện quá khứ nhưng với tôi mọi thứ vẫn như ngày hôm qua. 

 Như Phương

(Ghi theo lời kể của chị Lê Phương Hà, Công ty HST - Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.