Cô giáo luôn “tròn vai” trên từng cương vị

GD&TĐ - Nhiệt huyết, đam mê, tận tụy và trách nhiệm với nghề, cô giáo, đại úy Nguyễn Thị Vinh, Bí thư chi bộ, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tin học (Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Sĩ quan Lục quân 1) đã gặt hái được nhiều thành công. 

Cô giáo luôn “tròn vai” trên từng cương vị

Trò chuyện với chị tại Chương trình gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quân thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 - 2017, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự tận tụy với nghề cùng bản lĩnh, quyết tâm, ý chí vượt khó đi đến thành công.

Tình yêu chắp cánh

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm công nhân, nhưng ngay từ nhỏ, cô gái nhỏ nhắn xứ Nghệ đã mơ ước trở thành cô giáo. Mỗi lần đến lớp, nhìn thầy cô đứng trên bục giảng, mơ ước ấy như càng được thắp lửa trong lòng cô học trò nhỏ.

Tốt nghiệp THPT, bạn bè thi nhau nộp vào tài chính, ngân hàng… còn chị chỉ làm hồ sơ thi vào sư phạm. Năm 2001, tốt nghiệp ĐH Vinh, giảng dạy ở quê nhà được 2 năm, chị xin giảng dạy tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Cuộc sống của cô giáo trẻ diễn ra êm đềm và hạnh phúc. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây (từ 2014), những biến cố không mong muốn của cuộc đời bắt đầu đổ xuống gia đình chị, làm cho cuộc sống, công việc, mọi thứ mà trước đây chị thầm mãn nguyện đã không còn nữa mà thay vào đó là sự chống chọi vất vả. Trong một thời gian ngắn gia đình chị gặp 3 cái tang lớn (bố, mẹ, chị gái). Đặc biệt, biến cố đó lại xảy ra trong lúc chồng chị đi học gần 10 năm ở Học viện Lục quân và hiện nay vẫn đang làm nghiên cứu sinh tại học viện.

Khó khăn không lùi bước

Rất may, được sự động viên của anh em bạn bè, chồng con nên nỗi đau và sự vất vả đối với gia đình trong chị dần dần cũng nguôi ngoai. Xem ti vi, đọc báo đài chị thấy vẫn còn nhiều người khó khăn. Chị tự nhủ: “Trong kháng chiến chống Mỹ có những tấm gương các bà, các chị đã có nhiều mất mát đau thương. Trong thời bình có rất nhiều tấm gương như chị Đặng Thị Bích Trang ở Tổng cục Chính trị, khi chồng hy sinh, chị phải đảm nhiệm vai trò vừa là cha, vừa là mẹ. Còn nhiều tấm gương khác, dù vất vả, khó khăn nhưng họ vẫn vượt qua được cơ mà!”.

Dù bận rộn nhiều công việc, nhưng trong 3 năm qua, chị đã cùng với bộ môn viết được 9 tài liệu, 1 giáo trình, 1 đề tài. Đặc biệt, sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện môn học công binh ở Trường Sỹ quan Lục quân 1” được nhận giải B trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016.

Bằng ý chí, nghị lực, chị đã cố gắng gấp hai, gấp ba, gấp bốn lần lúc bình thường, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Năm 2016 chị đã được công nhận là giảng viên chính, là giảng viên giỏi cấp trường năm 2014 và năm 2016.

Chị tâm sự: “Ở vào hoàn cảnh cương vị công tác của tôi, có lẽ mọi người cũng sẽ làm được như tôi, thậm chí còn hơn cả thế. Song, với tôi, động lực giúp tôi có thể vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống và công tác đó chính là: ý chí, nghị lực, niềm tin và ở bất cứ công việc nào mình cũng phải phấn đấu vươn lên để làm “tròn vai” trên từng cương vị. Đặc biệt với nhà giáo quân đội, làm việc gì cũng phải có bản lĩnh, quyết tâm, ý chí , không ngại khó ngại khổ, phải nghĩ làm thế nào để làm tốt mới đem lại thành công.

Trong nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2014 - 2016, chị Vinh tham gia sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện môn học công binh ở Trường Sỹ quan Lục quân 1” cùng các đề tài, tài liệu hữu ích như tài liệu “Công nghệ thông tin” cấp Bộ Quốc phòng, đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học cho học viên đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở”, chủ biên tài liệu “Sử dụng phần mềm Microsoft Word 2010”… Sự nỗ lực của chị đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu do Bộ Quốc phòng và Trường Sỹ quan Lục quân 1 tặng thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.