(GD&TĐ) - Cuối thu, tiết trời lạnh dần. Những chiếc lá cuối cùng cũng trôi theo gió. Bầu trời cao, xanh thẳm, chốc chốc lại gợn lên những làn sóng trắng. Cảnh vật tĩnh lặng! Không biết tự bao giờ những lúc như vậy tôi hay thả hồn mình để được trở về thời thơ ấu cắp sách đến trường, nhớ đến cô giáo dạy toán hồi cấp 2, người mà chúng tôi mãi biết ơn.
Ảnh minh họa/internet |
Ngày ấy, trường tôi đa phần là các thầy cô giáo trẻ đến từ những xã lân cận. Trong mắt lũ trẻ, chúng tôi các thầy cô là những con người thật vĩ đại, nên chúng tôi luôn ao ước, giá như làng mình cũng có một cô giáo. Thế rồi cái ước mơ tưởng chừng mong manh ấy cũng đến. Cái tin cô giáo người làng sẽ chính thức dạy môn toán lớp tôi khiến cả lớp vui mừng ra mặt. Chao ôi, có lẽ không còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui được học một cô giáo sinh ra từ chính mảnh đất nghèo khó quê mình. Suy nghĩ đó làm đám học trò lớp tôi cứ háo hức chờ đợi.
Rồi cái ngày được đón tiếp con người “đặc biệt” đó cũng đến. Sáng thứ 2 đầu tuần, tiếng trống báo vào lớp học vừa dứt cũng là lúc hiện diện trước mắt cả lớp là một con người không giống như chúng tôi hình dung, mong đợi: Một cô giáo đã đứng tuổi. Chỉ trong ít phút, những đứa trẻ tinh ranh đã kịp “săm soi” dáng vóc của cô. Đâu đó có tiếng xì xào. “Cô già thế thì dạy gì?” Mà cô già thật, già hơn hết thảy các thầy cô giáo trong trường.
Dường như hiểu được tâm lý của lớp, cô nở nụ cười hiền rồi giới thiệu:
- Cô là Kim Anh, nhà cô ở xóm Giữa. Từ nay cô sẽ dạy các em môn Toán. Sau vài lời ngắn gọn, cô đi vào bài giảng.
Cả lớp bắt đầu hồi hộp, dường như đứa nào cũng tò mò để xem cô dạy như thế nào. Nhưng khi cô cất tiếng giảng bài thì tất cả những lời xì xào bình phẩm đều rơi vào quên lãng. Cả lớp bị cuốn vào cách giảng gợi mở đầy hấp dẫn cùng dáng hình “cũ kỹ” của cô.
Lớp chúng tôi ngày ấy vốn ham chơi hơn ham học, kiến thức môn Toán phần lớn đều rất lõm bõm. Chỉ qua một tuần giảng dạy, cô đã nhận ra đứa nào học yếu, đứa nào học khá. Cô bắt đầu giảng chậm hơn và có khi dừng lại vài phút trong buổi học để giảng lại những nội dung mà chúng tôi chưa hiểu. Học được một tháng cô “kêu gọi” chúng tôi đến nhà cô học thêm, thế nhưng đứa nào, đứa nấy đều lặng thinh trước đề nghị của cô. Hình như hiểu được học trò cô lại trấn an:
- Các em cứ yên tâm. Cô dạy thêm không lấy tiền. Các em cứ đến nhà cô lúc nào các em có thời gian. Đừng ngại!
Từ hôm đó, lác đác có vài đứa cắp sách vở đến nhà cô. Rồi cứ đông dần, đông dần, đến khi chật cứng cả căn nhà ngói hai gian của cô. Sau hai tháng được học cô, được nghe những người trong làng kể lại, chúng tôi đã hiểu hơn về cô giáo của mình. Qua lời kể chúng tôi được biết lúc còn nhỏ cô học rất giỏi, lớn lên cô thi vào sư phạm, rồi tham gia làm thanh niên xung phong. Trở về với chất độc da cam đã nhiễm vào người, cô không lấy chồng mà lại xung phong lên miền núi công tác. Bây giờ về hưu, cô chuyển về quê sống và được trường làng tôi mời dạy hợp đồng.
Nhà tôi cách nhà cô một cánh đồng, thỉnh thoảng buổi tối cô hay xách chiếc đèn bão sang nhà tôi chơi. Có hôm, tôi đang ngồi học ở góc nhà thì thấy cô nhẹ nhàng đi vào. Cô hỏi tôi có bài tập nào khó không, cô động viên cố gắng học tập rồi lại lặng lẽ ra về. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy như được tiếp thêm nghị lực và quyết tâm học tập.
Được cô giảng dạy, cả lớp chúng tôi học hành tiến bộ rõ rệt. Thời gian thấm thoát trôi, trong mắt chúng tôi, cô không còn là cô giáo “cũ kỹ” mà đã trở thành người bà, người mẹ thật hiền lành. Mỗi buổi đến trường được bên cô, chúng tôi như thấy một niềm kiêu hãnh, xen lẫn tự hào.
Thế nhưng, đúng như những gì người ta thường nói, cuộc sống nhiều khi thật chớ trêu. Hôm chúng tôi tạm biệt ngôi trường cũ để bước chân vào cấp 3 cũng chính là ngày cô giã từ mãi mãi chúng tôi. Cơn sốt rét rừng và vết thương năm nào tái phát cướp cô đi ngay trước mắt lũ học trò ngây ngô. Trước khi ra đi cô để lại lời căn dặn: “Làng mình nghèo lắm, chẳng mấy người học hành đến nơi đến chốn. Các em cố gắng học”.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày xa cô, đấy là khoảng thời gian chúng tôi thực hiện lời căn dặn của cô năm nào. Giờ đây chúng tôi, những đứa con của cô, dù mỗi đứa một phương trời, có người thành công trên con đường học vấn, có người phải bôn ba vật lộn với cuộc sống áo cơm, nhưng hàng năm chúng tôi vẫn trở về ngôi nhà của cô nay đã xanh ngát những chùm khế ngọt và vẫn như thấy đâu đó hình bóng cô đang âm thầm gieo mầm những con chữ yêu thương nơi xóm nghèo.
MS: 690