Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức cho học sinh
Cô Nguyễn Thị Lệ chia sẻ: Công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức đối với học sinh hiện nay là vấn đề hết sức cần thiết, cần được coi trọng. Bởi thực tế làm công tác giảng dạy và giáo dục, chúng tôi nhận thấy ở đâu và khi nào nhà trường làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức thì ở đó nền nếp sẽ tốt hơn, tạo thuận lợi cho công tác giáo dục toàn diện của nhà trường.
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng học tập, cô Nguyễn Thị Lệ cho rằng, các thầy cô giáo cần phải quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho học sinh nhận thức được việc học tập đối với bản thân là một nhu cầu tự thân, học để ngày mai lập nghiệp, lập thân chứ không đơn thuần là học để thi cử. Nhất là trong điều kiện môn Giáo dục công dân lần đầu tiên tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Đầu tư soạn giảng, lưu ý vấn đề trọng tâm, bản chất
Kinh nghiệm tiếp theo được cô Nguyễn Thị Lệ chia sẻ là tăng cường đầu tư soạn giảng, đi sâu khai thác trọng tâm bài học, giúp học sinh nắm được bản chất vấn đề, chứ không nhất thiết học thuộc.
“Người thầy đóng vai trò trong việc quyết định chất lượng giáo dục, chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia đạt kết quả cao, người thầy cần tăng cường đầu tư soạn giảng có chất lượng cao.
Đồng thời, tập trung thời gian khai thác trọng tâm bài học, giúp học sinh hiểu và nắm chắc được bản chất bài học, chứ không nhất thiết học vẹt, học thuộc lòng” - cô Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Chú ý đến đối tượng học sinh, nhất là học sinh có học lực trung bình, yếu
Thực tế chỉ ra rằng, trong lớp học bao giờ cũng có sự phân hóa các đối tượng học sinh.
Do vậy, để giúp đỡ các học sinh yếu, kém tiến bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phối hợp với thầy, cô giáo bộ môn phải thật sự quan tâm, phát hiện ra những học sinh non về kiến thức, yếu về kĩ năng để giúp đỡ các em khắc phục. Từng bước vươn lên trong học tập để có kết quả như mong muốn.
Phải thật sự nghiêm túc trong khâu kiểm tra, đánh giá học sinh
Theo cô Nguyễn Thị Lệ, kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học. Mục đích của kiểm tra, đánh giá là để phân xếp loại học sinh, kiểm định chất lượng dạy học cuối cùng của thầy và trò. Do đó, việc giáo viên thực hiện thật nghiêm túc kiểm tra, đánh giá học sinh là vấn đề hết sức quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục công dân.
Những nguyên tắc trong dạy học
Với môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Lệ chia sẻ những nguyên tắc cần lưu ý trong dạy học như sau:
- Đảm bảo nội dung chương trình dạy học, không cắt xén chương trình.
- Đảm bảo không gây áp lực, căng thẳng, quá tải cho học sinh.
- Phát huy tinh thần, trách nhiệm của cá nhân, tổ, nhóm chuyên môn.
- Phải cung cấp cho học sinh kiến thức đảm bảo 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, và vận dụng.
- Phải lựa chọn phương pháp và nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh.
- Bám sát tài liệu Giáo dục công dân 12.
- Bám sát chuẩn kiến thức - kĩ năng Giáo dục công dân 12.
- Bám sát chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT.
- Bám sát tình huống, bài tập Giáo dục công dân 12 và các tình huống pháp luật trong thực tiễn.
- Bám sát đề thi minh họa thi THPT quốc gia 2017 môn Giáo dục công dân của Bộ GD&ĐT.