Cô giáo đầu tiên của tôi

Cô giáo đầu tiên của tôi

(GD&TĐ) - Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo xứ Thanh. Khi mẹ mới hơn một tuổi thì ông ngoại mất và vài năm sau dưới áp lực của họ tộc bà ngoại phải đi bước nữa. Tục lệ ở quê không cho đàn bà tái giá mang con về nhà chồng nên bà ngoại đành gạt nước mắt gửi con ở nhờ nhà người anh họ. Người anh họ tốt tính nhưng gia cảnh cũng rất khó khăn và người vợ thì quá cay nghiệt nên mới năm tuổi mẹ đã phải sống kiếp ăn đậu, ở nhờ, côi cút và đắng cay muôn phần. Lên tám, mẹ bị buộc phải ra ở riêng với một gian vách nhỏ và cái nồi méo cùng mấy bát mẻ. Mẹ không khóc, không xin ăn họ hang mà cặm cụi đi mót lúa, mót khoai, bế trẻ con thuê, dệt vải mướn… để kiếm sống.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ngày đi làm thuê, đêm mẹ tự giác cầm đuốc lần qua những cánh đồng lúa đến xin học ở lớp bình dân học vụ. Đêm khuya đi học về mẹ mới nấu cơm ăn. Một mình bé nhỏ trong gian vách gió lùa, lúc này mẹ mới lặng lẽ khóc, nước mắt nhỏ xuống cả bát cơm mà phần lớn là khoai lang độn.

Mười sáu tuổi, cái khổ không ngăn được nét đẹp người con gái của mẹ. Nhiều nhà trong làng đánh tiếng muốn xin mẹ về làm dâu nhưng mẹ nhất quyết đi thoát ly làm công nhân trên tận Hoàng Liên Sơn theo sự giới thiệu của một người cùng làng.

Một mình mẹ, một cô gái chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng, lần tới nơi xa xôi tìm việc và ở nơi đó mẹ đã gặp cha, rồi sau này nên duyên vợ chồng. Cha phải đi công tác biền biệt ở những miền xa, một mình mẹ xoay xở với cuộc sống gia đình. Vừa tự chăm mình khi bụng mang dạ chửa, vừa chăm sóc bố mẹ chồng đau yếu, vừa làm việc cơ quan, che chở cho các con dưới bom đạn chiến tranh.

Đằng đẵng hơn hai chục năm trời mẹ sinh và nuôi dưỡng năm anh chị em tôi gần như một mình khi thi thoảng cha mới có dịp về thăm nhà, đồng lương tiết kiệm được cha đưa về cho mẹ cũng chẳng đáng là bao. Mẹ tảo tần sớm hôm, lao động đến quên mình để nuôi con từ gánh phân nuôi cá, làm vườn, nuôi lợn đến đi rừng, lõng suối…

Có lần mẹ đi rừng lấy măng một mình, chẳng may bị gốc nứa nhọn xuyên qua chân, mẹ buộc vết thương cố gượng lết được ra đường cầu cứu và ngất lịm đi với chân đầm đìa máu. Khi mẹ lành vết thương chưa được bao lâu thì trong lần đi xếp hàng mua gạo mẹ bị kẻ gian lấy trộm mất sổ gạo. Những ai sống thời bao cấp mới biết sổ gạo ngày đó quan trọng như thế nào. Suốt mấy tháng chờ đợi được cấp sổ gạo mới, cả nhà phải ăn cháo, ăn sắn cầm hơi. Mẹ nhường những miếng sắn cuối cùng cho con còn mình phải ăn rau tàu bay chấm muối và cố nuốt củ chuối chát xít để sống nuôi con. Vất vả, khổ cực cơ hàn nhưng bố mẹ luôn động viên các con học và học nữa. Mẹ dạy cho các con nết ăn, nết ở, về lễ phép, đoàn kết, về lao động.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Thương mẹ và quyết tâm thoát nghèo, năm anh chị em tôi đều rất thương yêu nhau, vừa cố gắng làm lụng theo sức mình để giúp mẹ vừa chăm chỉ học hành. Những năm các anh chị tôi học đại học ở Hà Nội lại càng thêm gánh nặng lên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ gồng mình đến tột cùng để xoay xở nuôi các con ăn học, không để ai phải bỏ học giữa chừng.  Mẹ như Phật bà nghìn tay đảm đương bao công việc với nhiều vai trò trong gia đình. Các anh chị vừa học cũng vừa tranh thủ làm thêm giúp mẹ, từ dạy thêm đến buôn pháo Bình Đà, buôn chè, buôn măng theo mỗi chuyến tàu từ Hà Nội về thăm nhà…

Các anh chị ra trường, có việc làm ổn định ở Hà Nội, cha được chuyển về công tác gần nhà, mẹ cũng được nghỉ hưu sớm (vì tham gia công tác sớm trước tuổi), chỉ còn mình tôi ăn học nên mẹ đỡ vất vả hơn. Về sau, khi cha nghỉ hưu và điều kiện cho phép, các anh chị tôi đã đón bố mẹ về sống cùng ở Hà Nội. Mẹ hòa nhập với nơi phồn hoa đô hội bằng tính cách chân chất, thật thà và tốt bụng của mình nên hàng xóm ai cũng quý trọng. Mẹ vẫn nhẹ nhàng bảo ban các con và dâu, rể về nếp sống, về điều hay lẽ phải. Gần chục cháu nội ngoại ra đời, bố mẹ đều giúp đỡ chăm chút, nuôi nấng. Các cháu được ông bà chăm nom, dạy bảo đều đã khôn lớn, có cháu đã đi làm, học sau đại học. 

Khi đã trưởng thành, có gia đình riêng, va vấp xã hội nhiều, chúng tôi càng thấy may mắn, hạnh phúc biết bao khi được làm con của bố mẹ, vẫn được sống cùng để được nhìn thấy, được phụng dưỡng bố mẹ hằng ngày.

Mẹ tôi chỉ học hết lớp năm ngày xưa, không thể hiểu và cắt nghĩa lý thuyết được đầy đủ về “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, về “công, dung, ngôn, hạnh” nhưng những gì thực tế và gần gũi mẹ dạy cho các con, các cháu bằng kinh nghiệm, đạo đức, nghị lực, sức chịu đựng tưởng như không tưởng và sự hy sinh vô bờ bến của mình thì đã bao hàm được tất cả.

Với chúng tôi, mẹ chính là cô giáo đầu tiên ngay từ khi chúng tôi chào đời và mãi là người Thầy cuộc sống vĩ đại. Một nửa dòng máu đang chảy trong trái tim và cuộc sống chúng tôi là của người Thầy vô vàn kính yêu đó. Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, ngoài sự tôn vinh và món quà dành cho những thầy, cô giáo cũ, vợ chồng và con cái của năm anh chị em chúng tôi đều đến bên và có những món quà nhỏ nhưng chứa chan tình cảm dành tặng cho bố mẹ, đặc biệt là mẹ, người thầy đầu tiên và mãi mãi trong cuộc đời chúng tôi…

Tết này mẹ lại thêm một tuổi, kính chúc mẹ luôn trường thọ và mạnh khỏe, cùng với cha là chỗ dựa vững chắc cho chúng con…

Minh Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ