Cô giáo 25 năm rời xuôi cắm bản

Cô giáo 25 năm rời xuôi cắm bản

(GD&TĐ) - Rời quê hương Tuyên Quang, cô giáo Lê Thị Thanh lên dạy chữ tại trường phổ thông xã Lũng Chinh – Nậm Ban (Mèo Vạc), sau đó được điều động về giảng dạy tại trường tiểu học TT Mèo Vạc (Hà Giang) cho đến nay. Chặng đường gần tròn 25 năm gắn bó với mảnh đất xa xôi, cô Thanh đã thực sự gắn bó với các học sinh dân tộc khát khao con chữ.

Cô giáo Lê Thị Thanh. Ảnh: gdtd.vn
Cô giáo Lê Thị Thanh. Ảnh: gdtd.vn

Hết “nghĩa vụ” vẫn không muốn về

Khó khăn của những ngày đầu lên cắm bản được cô giáo Thanh hồi tưởng lại như một kỷ niệm đẹp: Nơi tôi dạy học là huyện vùng cao nghèo, đường xá đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, các em học sinh số đông là dân tộc ít người, ít va chạm với thông tin đại chúng, hay mắc tính tự ti, mặc cảm, ngôn ngữ bất đồng, chưa ham học. Thêm nữa, phải làm quen với việc một mình sống trên một quả đồi, rất buồn. Mỗi sáng, cứ 6 giờ tôi lại gõ mõ gọi học sinh đến học. Chiều, tối tranh thủ xuống nhà dân giúp họ việc đồng, trông con nhỏ, dạy họ cách chăm con, vừa tranh thủ học tiếng.

Lẽ ra chỉ đi “nghĩa vụ” trên Mèo Vạc 3 năm nhưng trong thời gian đó, tình cảm của con người nơi đây đã níu giữ cô Thanh ở lại cho đến bây giờ. Nhiều lúc cuộc sống khó khăn quá, chồng bộ đội công tác xa, một mình con nhỏ đất khách quê người, trong lòng đã có lúc nao núng. Nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc, không đủ mạnh mẽ để cô có thể rời xa vùng đất khó khăn này.

Cô Thanh nhớ lại: Hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng, tôi đã phải gửi con đi nhà trẻ. Ngày cậy nhờ nhà trẻ, tối đến lại gửi cháu cho hàng xóm trông giùm vì phải đi dạy xóa mù chữ cho bà con, đó là thời điểm những năm 1997, 1998 trở về trước. Điểm dạy xóa mù ở rất xa nhà. Cứ từ 4 giờ chiều, mỗi cô xách một chiếc đèn bão đi đến các bản vận động bà con học, đến gần 10 giờ đêm mới về. Ngày nào cũng vậy. Nhiều khi xót con nhỏ lắm nhưng phải cố vượt qua thôi.

Cuộc sống vùng cao vô vàn những khó khăn, từ đường xá xa xôi hiểm trở đến thời tiết khắc nghiệt, nước khan hiếm. Có những mùa khô, các cô mua 600-700 nghìn cũng chỉ được khoảng 5 đến 6 khối nước. Nhưng nỗi niềm của cô giáo Thanh luôn dừng lại ở các em. Thương các học sinh mùa rét không đủ áo ấm mặc, ăn không đủ no, nhiều khi phải nghỉ học vì quá rét, các cô lại tìm cách chia sẻ những khó khăn đó, tự vận động quyên góp quần áo ấm cho học sinh của mình.

Nay đã có nhiều thế hệ học sinh của cô đã trưởng thành và luôn biết ơn, nhớ về cô giáo. “Có nhiều học sinh sau 20 năm vẫn luôn nhớ đến cô, ngày rằm, ngày lễ các em mang biếu cô bánh trái, mùa gặt lại nhớ đến cô mang đến cân gạo, nắm cốm mới. Không chỉ học sinh, ngay cả người dân nơi đây cũng rất tình cảm, kể cả mình chuyển đi nơi khác họ vẫn nhớ, mùa nào thức ấy đến thăm cô. Vật chất dù chỉ là những thứ cây nhà lá vườn giản dị, nhưng tình cảm đó quả thực với mỗi người làm nghề giáo như chúng tôi là niềm hạnh phúc không gì có thể mua được, so được” – cô Thanh chia sẻ.

Sau 20 năm ở nhà tập thể của nhà trường, gia đình cô Thanh đã mua đất làm nhà tại Mèo Vạc, chính thức gắn bó trọn đời mình với vùng đất này.

Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc
Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc

Muốn thành công phải có “tâm”

Là một trong những giáo viên tiêu biểu của tỉnh Hà Giang được ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền của tổ quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô Lê Thị Thanh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong công tác giáo dục nơi vùng khó.

Cô Thanh cho rằng, để hoạt động chuyên môn thực sự có hiệu quả cần phải xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng khâu trong quá trình dạy học. Trước hết là thực hiện tốt chương trình và kế hoạch dạy học theo quy định của Bộ, của ngành. Khi thiết kế bài dạy phải theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn, qua đó nâng cao và mở rộng kiến thức bồi dưỡng học sinh khá giỏi.

Việc quan trọng không kém để nâng cao chất lượng học tập của lớp là ngay khi nhận lớp phải khảo sát phân loại học sinh theo từng đối tượng: giỏi, khá, trung bình, yếu để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo cho các em, nhất là học sinh chậm tiến bộ. Luôn chú trọng đến việc soạn bài, chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Bài soạn phải theo hướng đổi mới, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Giáo viên chỉ là người tổ chức, điều khiển, sắp xếp hợp lý, tránh nặng nề, quá tải.

Người giáo viên cũng cần chú trọng bồi dưỡng cho học sinh năng lực suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học; lựa chọn câu hỏi rõ ràng, cụ thể, có sự phân hóa cho từng đối tượng học sinh.

“Trong tiết học, tôi luôn chú trọng đến ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, tác phong thân thiện, coi trọng việc khuyến khích, động viên học sinh học tập, cũng như luôn chú ý đến việc dạy sát đối tượng. Ngoài ra, tôi luôn tham gia tốt kế hoạch thăm lớp, dự giờ, hội thảo chuyên đề về chương trình dạy học, tham gia thao giảng của tổ chuyên môn để nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, thường xuyên tham khảo tài liệu để bổ sung kiến thức, học hỏi ở bạn bè đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy...” – cô Thanh chia sẻ.

Với cô Thanh, ở một nơi còn khó khăn như Mèo Vạc, việc luôn quan tâm, sát sao từng học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh các em để động viên giúp đỡ là vô cùng quan trọng. Bản thân cô từng nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của ình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho học sinh, thậm chí đến tận từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên. Chính vì vậy, sĩ số lớp cô chủ nhiệm luôn đạt 100% và có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường, chất lượng chuyển lớp đều đạt từ 95-100%.

Gần 25 năm giảng dạy, 14 năm cô Thanh là giáo viên giỏi cấp huyện, 2 lần đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 5 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở... Hàng năm, ngoài miệt mài dạy học, cô vẫn nghiên cứu, bổ sung các sáng kiến kinh nghiệm mà mình đã áp dụng để chia sẻ với đồng nghiệp. Gần đây nhất, sáng kiến kinh nghiệm Toán lớp 1 với đề tài “Hướng dẫn giải toán có lời văn cho học sinh lớp 1” của cô đã được Hội đồng thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh xếp loại khá.

Lời cuối cùng, cô giáo Thanh chia sẻ: Thiết nghĩ, trong sự nghiệp trồng người muốn thành công phải có “tâm”, không có chữ “tâm” sẽ không thể giáo dục người khác được. 

Hiếu Nguyễn