SEA Games 32 sẽ được chứng kiến kỷ lục về số môn và nội dung thi đấu, song hành với đó còn có nhiều quy định đặc biệt, thậm chí được đánh giá chưa từng có, được chủ nhà Campuchia đưa ra.
Kỷ lục… không mong muốn
SEA Games 32 với khẩu hiệu “Thể thao: Sống trong hòa bình” sẽ diễn ra từ ngày 5/5 đến 16/6/2023. Thủ đô Phnom Penh và 4 địa phương khác gồm Xiêm Riệp, Sihanoukville, Kep và Kempot được chọn làm nơi tổ chức các bộ môn thi đấu xuyên suốt kỳ đại hội. Tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao Việt Nam giành 205 Huy chương Vàng trong tổng số 446 huy chương, dẫn đầu đại hội. Có 22 trong số 23 môn Olympic đạt huy chương, chiếm 95,65%, trong đó có 18 trên tổng số 23 môn Olympic giành Huy chương Vàng, chiếm 78,26%.
Theo thông tin từ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 năm 2023 (SEA Games 32) tại Campuchia sẽ có 49 môn thi đấu, gồm 608 nội dung. Đây là con số lớn kỷ lục trong các kỳ đại hội thể thao khu vực.
Nhìn lại lịch sử, SEA Games 26 (năm 2011) tại Indonesia có 44 môn và 545 nội dung còn ở kỳ SEA Games 30 có 56 môn và 530 nội dung là các kỳ đại hội nhiều môn thi đấu. Gần đây, SEA Games 31 tại Việt Nam tổ chức 40 môn thi đấu với 520 nội dung.
4 môn thi đấu của SEA Games 32 có nhiều nội dung nhất là điền kinh (47 nội dung), bơi (39), vật và Vovinam (30). Đáng chú ý, nước chủ nhà Campuchia đã đưa ra quy định chưa từng có ở sân chơi SEA Games khi chỉ các vận động viên chủ nhà mới được tham gia 100% môn thể thao đối kháng hoặc võ thuật, trong khi vận động viên các quốc gia khác chỉ được tham dự 70% nội dung các môn này. Điều đó đồng nghĩa, cơ hội cạnh tranh huy chương ở các môn đối kháng, võ của Campuchia sẽ là tối đa, còn những đoàn khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nên nhớ, trước SEA Games 32, các môn võ Campuchia thường khá yếu. Như ở SEA Games 31, họ đứng thấp nhất trong số các đoàn có huy chương ở môn Karate, với 3 Huy chương Đồng (kém 6 đoàn và chỉ hơn 3 đoàn khác không giành được huy chương nào).
Với Muay Thái, Campuchia có 1 Huy chương Vàng và đứng thứ 5, thành tích khá nhất của Campuchia trong các môn võ… Tuy nhiên, theo chương trình thi đấu của SEA Games 32, các môn võ chiếm 226 bộ huy chương và Campuchia được cho là đang làm tất cả những gì có thể để các môn võ của đại hội trở thành “mỏ vàng”, phục vụ cho tham vọng có thứ hạng cao trong tốp đầu bảng xếp hạng về huy chương.
Philippines là quốc gia đầu tiên lên tiếng về cách tổ chức “độc” và “lạ” của Campuchia. “Nó mang lại lợi ích lớn cho chủ nhà, nhưng ảnh hưởng lớn đến cơ hội giành huy chương của chúng tôi”, ông Abraham Tolentino - Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines nói trên Tiebreaker Times.
Trên tờ SunStar, chuyên gia Felix Mendoza của Philippines đã chỉ trích kịch liệt cách bố trí các nội dung thi đấu của chủ nhà Campuchia tại SEA Games 32.
“Nếu như tại SEA Games 31, đoàn Việt Nam vốn rất mạnh ở các môn võ chỉ tổ chức 18 nội dung tranh tài thì con số này tại Campuchia là 30. Dù biết, họ vốn chẳng giỏi ở các môn võ.
Nhưng bằng cách bỏ nhiều môn thế mạnh của đoàn khác và đưa vào những môn thế mạnh của mình, Campuchia đã giải quyết được vấn đề. Vì vậy, tại sao chúng ta không trao luôn ngôi nhất chung cuộc cho Campuchia trước khi SEA Games bắt đầu?”, ông Mendoza nêu quan điểm.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà vô địch Boxing SEA Games 2015 Lê Thị Bằng cho biết: Từ trước đến nay, võ thuật không phải là thế mạnh của Campuchia so với các nước khác trong khu vực. Ở đa số các môn, điển hình như ở môn Boxing hay Pencak Silat, võ sĩ của họ thường chỉ vào đến bán kết.
Quách Thị Lan (giữa) tranh tài tại Olympic Tokyo 2020. |
Tuy nhiên, với những quy định này kèm theo việc đưa môn võ Kun Bokator với 21 bộ huy chương vào thi đấu, tôi nghĩ rằng họ đang nhắm đến ngôi nhất toàn đoàn về võ thuật ở SEA Games trên sân nhà.
“Hot girl” một thời của võ thuật Việt Nam cho biết, việc các nước đăng cai SEA Games dùng “đặc quyền” chủ nhà để đưa ra những quy định “không giống ai” là điều không còn xa lạ. Chính Lê Thị Bằng cũng là người đã phải trải qua cú sốc này.
Cụ thể, khi cô đang là nhà đương kim vô địch SEA Games 2015 và tích cực chuẩn bị bảo vệ tấm Huy chương Vàng của mình ở kỳ đại hội 2017 thì nước chủ nhà, khi ấy là Malaysia, đã quyết định bỏ luôn bộ môn Boxing với lý do không có nữ đủ sức cạnh tranh huy chương với các nước khác.
Trang Kampuchea Thmey của Campuchia cung cấp thêm thông tin, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã chính thức xác nhận việc thông qua các môn thể thao sẽ xuất hiện tại SEA Games 32. Trong đó, 15 môn và phân môn không có trong chương trình thi đấu ở SEA Games 31.
Chủ nhà Campuchia bỏ một số môn như rowing, canoeing, kurash, bắn súng, bắn cung và đấu kiếm. Đây đều là các môn thế mạnh và là mỏ vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Futsal cũng không nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games 32.
Lý giải về những bộ môn thuộc chương trình thi đấu Olympic không xuất hiện tại đại hội thể thao khu vực, Campuchia đưa ra là họ không có lực lượng vận động viên lẫn cơ sở vật chất phù hợp cho các môn thể thao này.
Đổi lại, Campuchia đưa vào thi đấu những môn truyền thống và mới lạ như cờ Khmer Ouk Chaktrang, võ Kun Bokator truyền thống của nước mình với tổng số đến 21 bộ huy chương, đua vượt chướng ngại vật.
Và với Teqball - một kiểu bóng bàn nhưng chơi trên bàn cong và dùng quả bóng đá, là môn biểu diễn mang tính thử nghiệm cho các giải đấu trong tương lai và không trao huy chương.
Vượt lên “vùng trũng”?
Philippines chỉ trích mạnh mẽ về chương trình thi đấu SEA Games 32. Tuy nhiên, ở kỳ SEA Games 2005, Philippines là nước chủ nhà cũng đưa rất nhiều môn truyền thống vào thi đấu để giành ngôi số 1 toàn đoàn với 112 HCV. Những quốc gia mạnh như Thái Lan chỉ giành 87 HCV, Việt Nam xếp số 3 với 71 HCV.
Hay SEA Games 2013, chủ nhà Myanmar trước đó luôn nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng huy chương mỗi kỳ đại hội đã vươn lên “thần kỳ” giành ngôi á quân với 86 HCV, Thái Lan vô địch với 107 HCV… Vậy nên, việc thay đổi vị trí mang tính đột biến trên bảng xếp hạng sau mỗi kỳ SEA Games cũng là điều dễ hiểu.
Sau khi môn thi đấu và số nội dung được công bố, Ban tổ chức SEA Games 32 của Campuchia đã hứng chịu sự chỉ trích từ nhiều phía. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề chúng ta cần phải hiểu sâu hơn xung quanh quyết định của Campuchia.
Trước hết, Campuchia có làm sai luật không? Có đi ngược tôn chỉ, mục đích của đại hội thể thao khu vực không? Chắc chắn không! Đại hội Thể thao Đông Nam Á ngay từ lần đầu tổ chức (1959) cho đến ngày nay vẫn được xác định là nơi cho các quốc gia chung khu vực “GIAO LƯU” và “THI ĐẤU”. Bên cạnh việc thi đấu thể thao, SEA Games còn tạo ra cơ hội giao lưu gắn kết tình thân giữa các quốc gia.
SEA Games mang trên mình trọng trách rất lớn, chứ không đơn thuần chỉ là cuộc thi đấu đỉnh cao. SEA Games góp phần thúc đẩy thêm sự phát triển kinh tế, xã hội, khiến ranh giới giữa các nước giàu nghèo trong khu vực được cải thiện thông qua việc giao lưu thi đấu thể thao.
SEA Games giúp cho tình cảm giữa các quốc gia trở nên gắn kết hơn, mối quan hệ ngoại giao giữa các nước cũng được cởi mở và hòa nhã hơn. Việc được cùng nhau thi đấu sẽ giúp vận động viên các nước có cơ hội giao lưu, học hỏi và hòa nhập nhiều hơn vào một môi trường đa quốc gia.
Theo quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, nước chủ nhà sẽ phải chọn ra tối thiểu 22 môn thi đấu. Cơ cấu cụ thể: 2 môn thi đấu bắt buộc từ Nhóm 1 như điền kinh và các môn thể thao dưới nước.
Tối thiểu là 14 môn thi đấu từ Nhóm 2. Đó là các môn thể thao bắt buộc ở Thế vận hội và Đại hội Thể thao châu Á. Tối đa là 8 môn thi đấu từ Nhóm 3 bao gồm võ gậy, bóng chày, thể hình, cờ vua, đánh bài bridge, khiêu vũ thể thao, bơi bằng chân vịt, bóng sàn, bóng ném, kenpo.
Bên cạnh đó là 5 môn phối hợp hiện đại như dù lượn, các môn thể thao trượt patin hay ván, đua thuyền, bóng bầu dục, leo núi thể thao, đá cầu, bóng mềm, quần vợt mềm, đua thuyền truyền thống và võ vovinam.
Mỗi môn thi đấu sẽ không được chiếm nhiều hơn 5% trong tổng số huy chương. Ngoại trừ điền kinh, các môn thể thao dưới nước và môn bắn súng. Đối với mỗi môn thi đấu và các nội dung thi, phải có tối thiểu ít nhất là 4 quốc gia tham dự.
Những thông tin cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò và cơ cấu của SEA Games 32, đặc biệt là quyền và lợi thế của nước chủ nhà. Vấn đề ở đây, ngoài việc bảo đảm các tiêu chí ngoài thể thao, thì nước chủ nhà nên tận dụng tối đa quy định để đưa các môn Nhóm 1, Nhóm 2 và hạn chế Nhóm 3 vào chương trình thi đấu của đại hội.
Kun Bokator là một môn võ thuật của người Khmer cổ đại. |
Mặc dù vậy, các môn thuộc Nhóm 3 lại đại diện, mang tính đặc thù cho văn hóa thể thao của mỗi quốc gia trong cuộc chơi chung. Ngoài ra, nhóm này luôn mang đến số lượng huy chương khá lớn để nâng cao thành tích và cải thiện vị trí trong bảng tổng sắp huy chương, đồng thời có thể thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận khán giả, nhà tài trợ cho nước chủ nhà.
Thế nên, đa số các nước khi đăng cai tổ chức SEA Games luôn khai thác triệt để quyền của chủ nhà trong quy định về Nhóm 3, kể cả Việt Nam. Đây chính là nét riêng của thể thao Đông Nam Á, vốn được ví là “vùng trũng” của thế giới.
Và ngay cả ở Nhóm 1, Nhóm 2, thì nước chủ nhà cũng luôn tính toán kỹ lưỡng để đưa những nội dung thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu. Như trước SEA Games 31, ông Kongsak Yodmanee - Thống đốc Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT) - phát biểu rằng, nước chủ nhà Việt Nam có nhiều lợi thế, như là việc đưa vào chương trình thi đấu những môn thể thao thế mạnh và những môn thể thao địa phương.
Thực tế, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành ngôi số 1 SEA Games 31 với những con số kỷ lục, trong đó giành 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ. Chúng ta cũng là quốc gia đầu tiên vượt mốc 200 HCV ở một kỳ đại hội, đồng thời phá kỷ lục 194 HCV của Indonesia ở SEA Games 1997 tại Jakarta.
Vấn đề đặt ra, những quốc gia mạnh như Thái Lan, Việt Nam, hay Malaysia, Indonesia ứng phó như thế nào với chương trình thi đấu của đại hội vốn luôn thay đổi lớn theo từng nước chủ nhà? Điều đó được thể hiện qua tâm thế khi thành lập đoàn thể thao tham dự SEA Games và đặc biệt là thành tích ở các giải đấu tầm châu lục, như ASIAD hay thế giới, đặc biệt là Olympic.
Nhìn ở góc độ này, ngoài Thái Lan đã tiến một bước khá xa thì những Malaysia, Singapore hay Philippines cũng có những hướng đi riêng để giải quyết đồng thời 2 bài toán, SEA Games và sân chơi đỉnh cao.
Việc Đoàn Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic 2020 thì không thể nói do dịch Covid-19 và đây là lần đầu tiên kể từ Thế vận hội năm 2004, Việt Nam trắng tay ở Olympic.
Điều cốt lõi là chúng ta đang thiếu chiến lược đầu tư dài hạn và đầu tư đúng mục tiêu; cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện thể thao; nâng cao chế độ cho vận động viên; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao… Và cũng không thể phủ nhận dấu hiệu, căn bệnh thành tích vẫn đeo bám tư duy của một số nhà quản lý và nó được “cắt cơn” qua thành tích hàng trăm HCV ở sân chơi SEA Games.
Thế cho nên, chúng ta đừng nặng nề và chỉ trích chương trình thi đấu SEA Games 32. Thay vào đó, cần nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế để trả lời câu hỏi, thể thao Việt Nam sẽ đoạt HCV ở môn nào tại Đại hội Thể thao châu Á, và bao giờ có huy chương Olympic. Đừng luẩn quẩn với SEA Games, sân chơi giao lưu và quảng bá luôn đóng vai trò rất quan trọng.