Có gì cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh?

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm vẫn còn khá mới mẻ, nhiều việc cần phải làm. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để thị trường điện lực vận hành đầy đủ các cấp độ, an toàn, tin cậy, cung ứng điện bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Có gì cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh?

Quan trọng nhất là cấp đủ điện

Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2012. Trải qua 5 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực. Tính đến nay, đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, với tổng công suất 22.946MW; tăng 2,8 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường (tháng 7/2012 - chỉ có 31 nhà máy điện).

Cũng theo Bộ Công Thương, hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố do vận hành, đảm bảo cho hệ thống điện quốc gia. “Thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư. Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống”- Bộ Công Thương khẳng định.

Ông Phùng Văn Sin (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 1) chia sẻ nhìn nhận về thị trường phát điện cạnh tranh: “Khi chính thức vận hành đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tính toán, lập kế hoạch vận hành cho các nhà máy, lập lịch huy động, bảo dưỡng sửa chữa”.

“Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh góp phần tăng tính minh bạch, công bằng, trong việc huy động các nguồn điện. Thông qua chào giá của nhà máy để đưa ra lịch huy động, các nhà máy có giá chào thấp sẽ được huy động trước, sau đó đến các nhà máy có giá chào cao hơn, cho đến khi đáp ứng được nhu cầu của phụ tải” - ông Phạm Quang Anh (Phó Trưởng phòng phát điện,Cục Điều tiết Điện lực) nêu.

Được biết, từ ngày 1/1/2018, thị trường bán buôn điện thí điểm đã chuyển sang giai đoạn thực hiện thanh toán thật, thay vì tính toán mô phỏng như các giai đoạn trước đây. Việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vừa qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện.

Chuẩn bị đủ hạ tầng, cơ sở pháp lý… và đào tạo

Để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2019, các cơ quan liên quan trong tháng 10 này đã có cuộc thảo luận nhấn mạnh, việc tập trung hoàn thành tốt vận hành thí điểm các tháng cuối năm 2018; hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện; đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên, đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện.

Mặc dù cho rằng, hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn, tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố từ việc vận hành thị trường điện, đảm bảo cung cấp cho hệ thống điện quốc gia; nhưng, theo Cục Điều tiết Điện lực, vẫn còn những tồn tại đáng quan tâm. Trong đó, tỷ lệ công suất đặt các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường mới chỉ chiếm 49% toàn hệ thống; Hạ tầng CNTT mới đáp ứng ở mức cơ bản, hệ thống “SCADA/EMS” chưa đầy đủ, gây hạn chế trong công tác dự báo, lập kế hoạch, điều độ, giám sát thị trường điện; Một số mỏ khí có xu hướng suy giảm, xuất hiện các chu kỳ thiếu khí cho các nhà máy điện.

“Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cần khẩn trương hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin bước 2 (giai đoạn 2) và ứng dụng các chức năng của hệ thống SCADA/EMS mới phục vụ công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Rà soát, đánh giá các điều kiện về hạ tầng, nhân lực để các đơn vị phát điện thực hiện chào giá lại trong ngày giao dịch, nhằm kịp thời cập nhật các biến động thủy văn và cấp nước hạ du, thông qua bản chào giá theo quy định” - Cục Điều tiết Điện lực nêu đề xuất, kiến nghị - “Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng thông số đầu vào, mô phỏng thị trường điện để tính toán các thông số chính cho vận hành thị trường điện”.

Một kiến nghị nữa là các đơn vị phát điện cần khắc phục tồn tại phát hiện trong quá trình thử nghiệm để đưa hệ thống AGC vào vận hành chính thức từ năm 2019.

Theo ông Nguyễn Xuân Khu (Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia), các tổng công ty điện lực đã nâng cao đáng kể kiến thức, năng lực dự báo phụ tải, sai số phụ tải chủ yếu rơi vào thời điểm thời tiết biến động như nắng nóng gay gắt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực) đánh giá: Việc vận hành thí điểm thời gian qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện (theo thiết kế chi tiết đã được phê duyệt). Đồng thời, các đơn vị thành viên đã từng bước làm quen với cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực.

Qua thí điểm, các đơn vị bước đầu đã làm quen thị trường bán buôn. “Chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đào tạo, các văn bản pháp lý cần thiết. Thời gian tới, cần phải hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các tổng công ty điện lực, vì hiện nay khâu phát điện (đầu vào) đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ (đầu ra) vẫn tiếp tục điều tiết”.

Công tác vận hành thử nghiệm thị trường bán buôn điện tiếp tục được thực hiện trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, từ 1/1/2018, thị trường bán buôn điện thí điểm đã chuyển sang giai đoạn thanh toán thật (thay vì tính toán mô phỏng như các giai đoạn trước đây). Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết Bộ này sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa vào triển khai chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ