Cô gái yêu tơ lụa Việt

Đó là câu chuyện đã trở thành hiện thực của cô gái trẻ Đỗ Khải Ly đem lụa tơ tằm của làng lụa Hội An nơi cô đang làm việc cũng như lụa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Đỗ Khải Ly (trái) giới thiệu đến bạn bè quốc tế về lụa tơ tằm của Hội An bên lề hội thảo tơ lụa quốc tế do Học viện Mekong tổ chức tại Thái Lan.
Đỗ Khải Ly (trái) giới thiệu đến bạn bè quốc tế về lụa tơ tằm của Hội An bên lề hội thảo tơ lụa quốc tế do Học viện Mekong tổ chức tại Thái Lan.

Khải Ly vừa trở về sau chuyến đi dài ngày trong vai trò “đại sứ” của làng lụa Hội An tham dự Hội thảo tơ lụa quốc tế (Học viện Mekong, Thái Lan) và Diễn đàn tơ lụa thế giới (Trung Quốc).

Nhiều câu chuyện về lụa tơ tằm của quê hương đã được Khải Ly - khách mời trẻ nhất - giới thiệu đến với các chuyên gia, nghệ nhân tơ lụa trên thế giới đến tham gia diễn đàn.

Tình yêu tơ lụa

Vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng Khải Ly đã có gần ba năm làm việc tại làng lụa Hội An với đam mê tìm hiểu sâu về tơ lụa.

Thời gian làm việc ở đây đã giúp Khải Ly trau dồi được vốn kiến thức về lịch sử hình thành, các nền văn hóa tơ lụa Việt Nam cũng như quy trình sản xuất tơ lụa...

Và thông qua nhiều chương trình giao lưu, cô gái trẻ này đã được tham gia các diễn đàn tơ lụa uy tín nói trên.

Kể về hai chuyến đi này, Khải Ly nói ban đầu các nước tham dự hầu như không hề quan tâm, lạnh nhạt với tơ lụa Việt Nam bởi lẽ sản phẩm của chúng ta không thể sánh bằng với các nước có nền tơ lụa nổi tiếng thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý...

“Thế nhưng điểm khác biệt khiến mọi người chú tâm và hoan nghênh đó là cách làm, gìn giữ lụa Việt Nam thông qua bảo tàng sống” - Ly lý giải.

Đứng trước diễn đàn, cô tự tin kể về lịch sử Hội An, nơi từng là cảng thị, một nhánh của “con đường tơ lụa trên biển” nên vẫn giữ nguyên được phần nào giá trị truyền thống về sản xuất lụa tơ tằm.

Ngày nay, ngoài đến tham quan, du khách khắp nơi trên thế giới vẫn còn chứng kiến được cảnh nghệ nhân thực hiện các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa...

Ngoài ra, thông qua tham luận gửi đến hơn 500 chuyên gia, nghệ nhân tơ lụa tham gia diễn đàn, Khải Ly đã kể về những đóng góp tơ lụa, giữ gìn bộ sưu tập tơ lụa qua các thời kỳ tránh bị thất truyền, đưa dịch vụ may đo theo nhu cầu của khách...

Bài tham luận kết thúc cũng là lúc cả hội trường thay đổi thái độ, có cách nhìn thích thú về lụa Việt Nam.

Bên lề diễn đàn, nhiều chuyên gia, nghệ nhân đã tìm đến Khải Ly sau khi nghe cô giới thiệu. Niềm vui như vỡ òa, khi nhiều lời hứa sẽ đến Hội An tham quan, tìm hiểu mô hình trưng bày tơ lụa và hợp tác quảng bá, kinh doanh.

Trăn trở về sự phát triển tơ lụa Việt

Một trong những ấn tượng nhất với Khải Ly trong chuyến đi đó là được tham dự đêm trình diễn thời trang tơ lụa tại TP Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc), một đêm diễn lung linh và tuyệt vời trước hàng ngàn người xem.

Điều làm cô bất ngờ hơn nữa chính là những nhà thiết kế tạo ra sản phẩm đó còn quá trẻ, từ 22-25 tuổi, độ tuổi sung sức, nhiệt huyết và đam mê như cô.

Khải Ly trăn trở rồi đặt ra câu hỏi tại sao những ngành nghề này ở các nước bạn lại phát triển mạnh mẽ và gây được hứng thú với giới trẻ, trong khi đó ở quê nhà không mấy ai hào hứng.

“Ở Việt Nam, lụa không phải là sản phẩm phổ biến bởi giá thành cao, kén người mặc và khó bảo quản nên thị trường không rộng lớn. Hơn nữa, việc mở cửa cho nhà thiết kế trẻ có môi trường làm việc vẫn còn hạn chế, vì thế ít thấy được những gương mặt mới của Việt Nam tại các sự kiện thời trang quốc tế” - Khải Ly nhìn nhận.

Theo Khải Ly, để giúp lụa Việt Nam tiến xa ra với các nước trên thế giới cần phải tạo điều kiện cho giới trẻ tìm hiểu, học hỏi.

Bên cạnh đó, nếu các bạn trẻ được đào tạo và khuyến khích làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, rộng mở, hứa hẹn về tương lai thì với bất kỳ chất liệu nào các nhà thiết kế trẻ cũng sẽ cho ra đời những bộ sưu tập đặc sắc nhất.

Theo Zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ