Hơn 10 ngày nay (từ đêm 18/10), Lê Thị Công Luận (sinh năm 1988, tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã phải chống chọi với tử thần vì tai nạn bỏng cồn kinh hoàng khiến cô mất đi 80% diện tích lành lặn trên cơ thể.
Có mặt tại Viện Bỏng chiều 29/10, chồng của Luận là anh Hoàng Minh Quyết (sinh năm 1988, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, tai họa quá bất ngờ ập xuống hai vợ chồng và giờ đây tương lai của họ trở nên mịt mù và không biết đi về đâu.
Tại họa đang đổ lên đầu cô gái cao 1,69m, xinh đẹp, dịu dàng Lê Thị Công Luận. Ảnh: Facebook nhân vật |
Quyết và Luận vừa mới kết hôn không lâu (5/2014) sau nhiều cách trở về địa lý. Thời gian yêu, tuy mỗi người một nơi nhưng cô gái xinh đẹp, giỏi giang vẫn dành trọn tình cảm cho người yêu bằng tuổi nhưng kém cô quá nửa cái đầu (Luận cao 1,69m, trong khi chồng chỉ cao 1,62m) dù cô có rất nhiều người đàn ông theo đuổi.
Hạnh phúc chưa được bao lâu, bao dự định về tương lai còn ở trước mắt thì đêm 18/10, sau khi đi thăm người nhà tại BV Quân đội 108, hai vợ chồng cùng nhau về nhà trọ tại khu vực huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Trong khi anh Quyết ở trên phòng ngủ xem ti vi, Luận lo chồng đói, cô xuống bếp nướng cá. Chưa được bao lâu, anh Quyết nghe thấy tiếng vợ gào thét ở dưới. Anh liền chạy xuống và thấy cơ thể vợ bị lửa bao trùm như ngọn đuốc sống, bên cạnh là chai cồn loại nửa lít đang chảy nhựa.
Anh Quyết chạy nhanh vào nhà tắm lấy nước dập lửa cứu vợ nhưng do cồn dính khắp người Luận nên cuối cùng cô vẫn bị bỏng nặng. Vội đưa vợ vào BV Quân đội 108 – nơi anh làm nhân viên nấu bếp hợp đồng, nhưng do nhận thấy tình hình rất nguy kịch, BV lại không chuyên nên các bác sĩ đã chuyển thẳng Luận ra BV Xanh Pôn. Đêm 18/9, sau khi sơ cứu tại BV Xanh Pôn, Luận tiếp tục được chuyển đi BV Bỏng Quốc gia.
Từ một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, Luận đang từng ngày giành giật sự sống. Ảnh Gia đình cung cấp |
Tại Viện Bỏng, sau khi các bác sĩ thông báo vợ bị bỏng 80% diện tích, 40% độ sâu, tính mạng bị đe dọa, anh Quyết gần như suy sụp hoàn toàn.
Hai vợ chồng công việc chưa ổn định, bố mẹ ở quê không khá giả, chạy vạy khắp nơi tích cóp được đồng nào là mang lên Hà Nội cứu mạng sống cho Luận.
Ngày 26/10, Luận được chỉ định mổ cắt bớt phần hoại tử trên cơ thể. Theo thông báo của các bác sĩ, phần hoại tử rất nhiều và 11% đã được xử lý. Phần hoại tử còn lại sẽ được xử lý dần dần, hỏng đến đâu cắt đến đó để cơ thể Luận có thể chịu đựng được.
Sau mổ, Luận sốt cao và vẫn không nguôi mê sảng. Trong cơn mê sảng, Luận vẫn không khỏi lo sức khỏe cha mẹ, xót xa khi nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ cũng bị bỏng như mình nằm phòng bên cạnh: “Bố tiêu chảy gầy thế”, “đi thẳng hay rẽ phải?”; “có đồ gì không cho em bé ăn đi?”… thậm chí cô còn liến thoắng nói tiếng Anh…
Những lúc tỉnh, Luận luôn miệng hỏi chồng “Em có chết không?”; “Bao giờ em khỏi bệnh?” khiến anh Quyết không cầm được nước mắt, chỉ biết an ủi vợ yên tâm chữa bệnh.
Cho đến chiều 29/10 (sau 10 ngày điều trị), gia đình đã vay mượn để ứng cứu cho Luận 240 triệu đồng. Theo anh Quyết, mỗi ngày gia đình phải mua gần 20 triệu đồng tiền thuốc để duy trì mạng sống cho cô.
“Các bác sĩ thông báo, tính mạng vợ tôi đang rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chỉ có 10% cơ hội sống sót. Còn nước còn tát, dù phải bán nhà, bán ruộng đi ăn mày, tôi cũng phải cứu vợ” – Anh Quyết òa khóc.
Dù tỉnh hay mê, Luận vẫn luôn lo lắng cho người khác. Ảnh gia đình cung cấp |
Với đồng lương nấu ăn hợp đồng trong BV 108, anh Quyết chỉ có gần 2 triệu đồng/tháng; Luận đang vừa học cao học, vừa gia sư thêm kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng thì tai họa này đang quá sức của cả gia đình.
Theo thông báo của các bác sĩ, với tình trạng bỏng như của Luận, thời gian điều trị tích cực khoảng 1 tháng, sau đó phải mất thêm vài tháng nữa để Luận bớt đau đớn. Trong khi đó, mỗi ngày như hiện nay, gia đình phải lo thuốc men không dưới 20 triệu đồng (đã có bảo hiểm)…
“Không ai muốn tai họa đổ vào đầu. Không ai muốn phải mắc ơn người khác nhưng để cứu vợ, gia đình tôi không còn cách nào khác, cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm đã và đang giang tay cứu Luận”- Anh Quyết nói sau khi thông tin cho phóng viên biết đã có nhiều nhà hảo tâm cảm thương hoàn cảnh và giúp đỡ anh trong lúc hoạn nạn.
Mọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm xin liên hệ:
Anh Hoàng Minh Quyết (sinh năm 1988, chồng chị Luận) ở Khoa hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia
Số điện thoại: 0966.040.688
Xử lý trường hợp bỏng như thế nào?
Bác sĩ Phạm Văn Thân cho biết, việc cấp cứu một trường hợp bị bỏng phải nhanh chóng, đúng phương pháp mới có thể giảm các biến chứng hay di chứng do bỏng, hạn chế tử vong.
Trước tiên, tại vết bỏng, phải loại bỏ tác nhân gây bỏng còn lại, rửa sạch vết bỏng; đánh giá diện tích của vết bỏng; dùng thuốc điều trị vết bỏng.
Những việc làm này phải thực hiện càng sớm càng tốt, không gây đau đớn thêm cho bệnh nhân, muốn thế phải thao tác nhẹ nhàng tỷ mỷ, đảm bảo sạch sẽ không gây nhiễm khuẩn cho vết bỏng.
Loại bỏ tác nhân gây bỏng bằng cách: dập lửa, ngắt cầu dao điện, đưa nạn nhân ra khỏi nơi gây bỏng như: đám cháy, hố vôi… Ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, lạnh từ16 đến 20 độ C, trong thời gian từ 20 - 30 phút.
Nếu ngâm trong 20 phút đầu sau khi bỏng thì rất hiệu quả, còn để sau 30 phút mới ngâm nước lạnh thì không còn giá trị nữa. Cần lưu ý là không ngâm vùng bỏng vào nước đá.
Rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch, dùng bông hay gạc lau nhẹ nhàng để lấy sạch đất, cát, dị vật dính ở vết bỏng. Băng ép chặt vừa phải để hạn chế sự phát triển của dịch nốt phỏng và phù nề vùng bỏng, che phủ vết bỏng tránh nhiễm khuẩn.
Bỏng do điện mà nạn nhân bị sốc do điện thì phải hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ cho đến khi bệnh nhân tự thở được và tim đập lại.
Trường hợp bị bỏng hóa chất phải dùng các chất để trung hòa, như bỏng axít thì dùng bazơ loãng, bỏng vôi tôi thì dùng axít loãng để trung hòa.