Cô gái ngoan hiền bị sát hại khiến dư luận phẫn uất

Nữ nạn nhân nghi bị cưỡng bức, giết trong rừng là người ngoan hiền, chịu thương chịu khó, học giỏi nhất xóm. Cô được người dân trong vùng quý mến.

Cô gái ngoan hiền bị sát hại khiến dư luận phẫn uất

Sau nhiều giờ cùng người dân tìm kiếm khắp các cánh rừng trên núi Cuông gần nhà, ông Bùi Văn Bàm ngã quỵ khi nhìn thấy con gái mình hết mực yêu thương chết dưới tán rừng với nhiều điểm khả nghi.

Ngã quỵ trước thi thể con trong rừng

Co gai ngoan hien bi sat hai khien du luan phan uat - Anh 1

Ông Bàm đau đớn khi cô con gái ngoan hiền chết bí ẩn.

Trước quan tài con gái, ông Bàm nước mắt lưng tròng: “Cháu mới nhận kết quả đã thi đậu công chức vào giáo viên mầm non, đang đợi người ta phân công công việc. Thấy bố mẹ vất vả, cháu đã phụ giúp gia đình đi chăn bò mới được 2 hôm thì xảy ra chuyện đau lòng này”.

Theo đó, sáng 10/4, chị Mai (24 tuổi, đã đổi tên, trú tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cùng 8 người khác lùa bò lên núi Cuông. Khi những người khác ra về, Mai vẫn còn ở lại vì có mang theo cơm nắm để trưa ở lại ăn.

Đến trưa, người chăn bò gọi điện cho Mai nhưng máy bị khóa. Tìm lên đến chòi nghỉ trên núi Cuông, người này thấy nắm cơm và nước bỏ trong chòi còn Mai đi đâu không biết.

Đến chiều, khi đàn bò trở về, nhưng Mai vẫn bặt vô âm tín. Quá sợ hãi, người chăn bò kể lại vụ việc cho gia đình cô gái. Nghi chuyện chẳng lành, ông Bàm kêu gọi người dân trong xóm trợ giúp đi tìm Mai.

Trời vừa nhá nhem tối, người cha già có khuôn mặt khắc khổ ngã quỵ khi thấy con gái chết dưới tán cây rừng trong tình trạng quần áo bị quấn ngược lên cổ.

“Cố giữ bình tĩnh, tôi vén áo trên cổ xuống thì thấy vết bầm quanh cổ cùng vết cứa. Tôi đau đớn, tuyệt vọng gào thét giữa rừng núi. Người dân chạy đến an ủi, nhưng tôi vẫn không tin vào mắt mình, ngã quỵ dưới thi thể con”, ông Bàm rưng rưng nước mắt.

Sau khi khám nghiệm hiện trường và tử thi, sáng 11/4, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể Mai cho gia đình tổ chức hậu sự.

Nạn nhân học giỏi nhất xóm

Nơi Mai ở, mọi người nhận xét cô gái này ngoan hiền, chịu thương chịu khó. Ở vùng núi xa xôi, kinh tế khó khăn, việc người dân được ăn học tới nơi tới chốn như Mai không nhiều. Cô gái này được xem là tấm gương nghị lực vượt khó trong học tập ở gia đình nghèo có 6 anh chị em.

Đến viếng đám tang, ông Đọt với đôi mắt đỏ hoe khi nhớ lại quãng thời gian chung công việc: “Cả đội chăn bò ngày hôm ấy có 8 người, sau khi lùa bò lên, đến trưa mọi người cũng về dần, nhưng nó nhất quyết ở lại. Con bé chịu khó có tiếng trong vùng, ai ngờ… cháu mới đi chăn được có 2 buổi đã phải bỏ mạng nơi rừng sâu”.

Ông Bùi Văn Khành, hàng xóm của Mai nói như khóc: “Con bé từ nhỏ tới lớn chỉ biết ăn với học. Nó ngoan ngoãn, chịu khó. Đi học ở Hà Nội về là lại lao đầu vào công việc để phụ giúp cha mẹ. 4 năm ăn học với bao công sức, tưởng nó trở về thành cô giáo, ai ngờ mọi chuyện đảo chiều nhanh và đau đớn quá”.

Người hàng xóm tiếp tục với giọng chua chát: “Khi bố cháu gọi cả xóm đi tìm, chúng tôi đều bỏ việc trợ giúp, trong thâm tâm tôi luôn cầu mong cháu được bình an, nhưng cuộc sống này khắc nghiệt quá. Phát hiện thi thể cháu, cả xóm đều bật khóc. Không ai tin chuyện động trời lại xảy ở xóm nghèo này”.

Lật lại kỷ vật, từng trang giấy khen, chứng chỉ, bằng cấp của Mai, ông Khành bảo: “Chả có ai như nó, người trong xóm thì lo chạy vạy từng bữa ăn, chỉ mong sao no đủ, ấm bụng là được, nhưng riêng mình nó đói nghèo vẫn quyết đi học bằng được để thoát cảnh chân lấm tay bùn. Từ trước đến nay, nó là người học giỏi nhất xóm, ngoan ngoãn, lễ phép khiến ai nấy đều thương yêu”.

Sáng 11/4, không khí tang thương bao trùm xóm nghèo nơi vùng núi hẻo lánh của tỉnh Hòa Bình. Trong đám tang cô giáo tương lai, những người thân, người hàng xóm ai nấy đều trào dâng nước mắt khi có người đến chia buồn.

Ông Bùi Văn Xiến (trưởng khu nơi Mai sinh sống) cho biết khoảng 16 giờ, ông nhận được thông báo từ phía gia đình đến Ban quản lý thôn đến giúp tìm kiếm Mai mất tích. Theo ông Xiến, đến khoảng 17 giờ 45, ông Bàm là người phát hiện nạn nhân xấu số (cách chòi nghỉ trưa khoảng 200 m, dưới khu vực cây rừng rậm rạp).

“Khi chúng tôi đến nơi, thấy ông Bàm gào thét đau đớn khóc thương con. Động viên mãi, ông mới đồng ý cho gọi cơ quan chức năng đến hiện trường” - Ông Xiến chia sẻ.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.