Cô gái mê chè đâm xứ Nghệ

Lá chè tươi Quỳ Hợp (Nghệ An), những chiếc ghế, chiếc mâm được đan bằng mây của người dân tộc Thái cùng kỹ thuật đâm chè độc đáo đã được Phạm Minh Hậu (sinh năm 1985, quê Thái Bình) mang ra Hà Nội giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.

Cô gái mê chè đâm xứ Nghệ

Cô chủ quán Phạm Minh Hậu (trái) và Nguyễn Minh Lý - hai “nghệ nhân” chè đâm Quỳ Hợp tại Hà thành. Ảnh: L.A.

Cô chủ quán Phạm Minh Hậu (trái) và Nguyễn Minh Lý - hai “nghệ nhân” chè đâm Quỳ Hợp tại Hà thành. Ảnh: L.A.

Nằm khá khuất nẻo trên ngõ Thịnh Quang, Hà Nội, quán trà nhỏ xinh mang tên Phốm quán (tên đầy đủ là Phốm Hóm quán, tiếng Thái có nghĩa là Cô gái có mái tóc thơm) đã được Hậu gây dựng hơn một năm qua.

Những chiếc ghế, mâm được đan bằng mây của người dân tộc Thái ở Quỳ Hợp cũng được cô chủ quán thửa mang ra Hà Nội để đãi bạn trà. Ở góc quán, lá chè tươi từ Quỳ Hợp được cắm trong thùng nước bằng gốm cho tươi lâu. Các dụng cụ pha trà gồm: ống tre, chày gỗ và cái lọc trà được bày biện ngăn nắp, sẵn sàng cho khách tự pha chế nếu muốn.

Hậu chia sẻ, cô biết chè đâm Quỳ Hợp cách đây hơn hai năm trong một lần đi công tác Nghệ An. Ban đầu, có người bạn là dân địa phương mời đi uống chè ở hồ Thung Mây, Quỳ Hợp, cô từ chối vì nghĩ không có gì thú vị.

Thế rồi, uống thử một lần thấy “nghiện” luôn. Có lần, thèm uống chè quá, cô bắt xe về tận Quỳ Hợp, chỉ để uống một tách chè đâm. Bản Hạt, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp là nơi khởi nguồn của chè đâm. Hậu may mắn được ghé thăm nhà các mế người Thái và được họ đâm chè cho uống.

Chè muốn ngon thì phải được giã trong ống tre. Nếu như lá chè xanh ở miền xuôi được đun lên và hãm uống, thì ở đây, người ta giã nát lá chè và lọc bằng nước nguội là có thể uống liền. Chè đâm có màu xanh lục, rất tốt cho sức khỏe. Cô mở Phốm quán với mong muốn quảng bá món đồ uống truyền thống này tới nhiều người.

Hậu từng giới thiệu loại chè này tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây và được một số bạn Nhật nếm thử với sự thích thú. Họ cho rằng, nó gần giống với trà xanh mat-cha của Nhật, nhưng có hương vị rất Việt Nam, đặc biệt là mùi lá tre (vì được giã trong ống bương, tre).

Ban đầu, Phốm quán chỉ mở vào buổi tối, vì ban ngày Hậu bận đi làm. Sau đó, Hậu quyết định nghỉ hẳn công việc để dành nhiều thời gian cho chè đâm.

Những ngày đầu mở quán khá khó khăn, vì Hậu có vốn ít. Mọi đồ đạc trong quán đều do những người bạn góp sức. Những chiếc ghế tự đóng chiếc thấp, chiếc cao; những chiếc cốc tự gom chiếc to, chiếc nhỏ, nhưng đã thu hút được bạn trà nhờ tình yêu của cô chủ quán với chè đâm xứ Nghệ.

Đến nay, Phốm quán đã có khách hàng thường xuyên. Có khách quen của quán, đi du học Canada vẫn luôn nhắn tin  cho Hậu: “Nhớ chè đâm Quỳ Hợp quá”.

Hậu chia sẻ: “Cách làm chè đâm khá đơn giản, nhưng không thể dùng máy xay sinh tố, mà cứ phải giã bằng tay, trong ống tre. Ly chè màu xanh đậm hay nhạt phụ thuộc vào  người đâm chè và tâm trạng lúc đâm chè. Nếu khi đâm chè mà trong lòng bực bội, nóng giận, chè sẽ có thể ra màu đỏ quạch”.

Một phần số tiền thu được từ Phốm quán, Hậu để dành mua lá chè của bà con người Thái và giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nơi đó.

Ngoài chè đâm, Phốm quán còn giới thiệu một số sản phẩm truyền thống của bà con dân tộc. Gần đây, Hậu tích cực giới thiệu cam Quỳ Hợp. Cô khoe: “Sắp tới, em sẽ đi khảo sát cho dự án đặc sản vùng miền kết hợp với du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của con người miền Tây xứ Nghệ”.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ